Vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong phòng chống dịch bệnh

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chuyển tải các thông tin, thông điệp trong nước kêu gọi bà con đồng hành, đồng lòng cùng hướng về trong nước để chống dịch.

Trong đại dịch Covid-19, người Việt ở nước ngoài đã chung sức, sát cánh cùng đất nước và nhân dân cả nước với những đóng góp thiết thực, quý báu, kịp thời. Ngoài ra, bà con ta cũng phát huy vai trò là cầu nối của tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước bằng việc ủng hộ khẩu trang và các vật dụng y tế, thể hiện truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, tinh thần vượt khó, tương thân tương ái của người Việt. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin về các hoạt động nghĩa tình của bà con kiều bào và vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong phòng chống dịch bệnh.

Vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong phòng chống dịch bệnh - ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trả lời phỏng vấn. 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, ông có thể điểm lại những đóng góp chính của kiều bào ta trong đại dịch Covid-19 này?

Ông Đặng Minh Khôi: Có thể nói, dịch bệnh lần này là một đại dịch khủng hoảng lớn trong toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch vào ngày 17/3, bà con Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng lòng hướng về quê hương đất nước thông qua nhiều kênh khác nhau, với những hình thức phù hợp ủng hộ đất nước.

Ngay từ khi Việt Nam có những ca mắc Covid-19 đầu tiên, kiều bào ta ở Ba Lan, Séc hoàn toàn ủng hộ. Nhiều kiều bào đã đến xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc ủng hộ khẩu trang giúp đỡ người dân. Sau khi có lời kêu gọi của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài ủng hộ khá nhiều.

Theo số liệu thống kê mà chúng tôi đã nhận được chưa đầy đủ thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cho đến nay, bà con kiều bào ta đã đóng góp hơn 33 tỷ đồng. Ví dụ có giáo viên Việt Nam ở Trung Quốc đóng góp 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học Việt Nam như ông Trần Ngọc Phúc ở bên Nhật đã phối hợp với các công ty của Việt Nam tổ chức sản xuất máy thở và chuyển về Việt Nam hai chiếc. Trong tháng sáu này sẽ chuyển về Việt Nam khoảng 2.000 chiếc để cùng cố thêm trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến đầu của Việt Nam. Kiều bào ở Đức cũng đã ủng hộ hai cơ sở hệ thống thiết bị y tế lắp đặt phòng cách ly áp suất âm ở Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Sự đóng góp của bà con thật sự đáng trân trọng.

Cảm động hơn nữa là các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài như: Ba Lan, Nga, Đức, Mỹ đã tự động tổ chức may khẩu trang, tổ chức nấu nướng và gửi đến cho các bệnh viện các nước sở tại. Bà con ta cũng tự động quyên góp ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau.

Hiện nay, chúng ta có một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất đông, trên 5 triệu người. Bên cạnh những người có địa vị pháp lý, có công ăn việc làm ổn định ở nước ngoài thì cũng có những bà con gặp khó khăn. Đó là những người có địa vị không rõ ràng về pháp lý, những lao động Việt Nam ở nước ngoài, những người đi chữa bệnh, đi du lịch mắc kẹt ở lại hết sức khó khăn. Hội người Việt Nam ở nước ngoài cùng phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hỗ trợ giúp đỡ những trường hợp này.

Cụ thể, chúng tôi đã hỗ trợ giúp đỡ bà con ở Campuchia, Lào, Malaysia gặp khó khăn. Hiện nay chính phủ đang tổ chức đưa những người khó khăn này về cả nước. Chúng tôi cho rằng việc làm này của bà con Việt Nam ở nước ngoài đang xây dựng hình ảnh mới của người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Một đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển cùng với tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái khi gặp khó khăn của dân tộc ta. Có lẽ hiếm khi nào mà tinh thần Việt Nam được báo chí nước ngoài ca ngợi như vậy.

Phóng viên: Trong thời gian vừa qua, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã làm việc rất vất vả trong công tác bảo hộ công dân. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những hoạt động đó cũng như qua những hành động đó đã thể hiện được nghĩa đồng bào của Việt Nam như thế nào?

Ông Đặng Minh Khôi: Ngay từ đầu khi xảy ra những ca nhiễm bệnh Covid-19 đầu tiên trên thế giới, đã có một làn sóng bà con Việt Nam ở nước ngoài quay trở về Việt Nam. Với sự chỉ đạo cơ quan ngoại giao về việc nhanh chóng kết nối với bà con ở nước ngoài,  nhiều cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài đã thông tin tuyên truyền đến kiều bào rất tốt thông qua các mạng xã hội như Facebook. Đặc biệt ở đây là lực lượng lưu học sinh Việt Nam cũng tích cực tham gia vào việc kết nối bà con kiều bào.

Các cơ quan đại diện Việt Nam tuy ở trong điều kiện khó khăn vì dịch bệnh vẫn làm việc ngày đêm thông qua các kênh liên lạc trực tiếp qua điện thoại, qua các phương tiện khác để hỗ trợ cho bà con, nhất là những trường hợp còn bị mắc kẹt ở sân bay ở các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và khu vực châu Âu đang trên đường transit trở về. Vừa qua, chúng tôi đã giúp đỡ rất nhiều bà con đặc biệt là kết nối các chuyến bay để đưa bà con về.

Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện Việt Nam cũng được chuyển tải các thông tin thông điệp trong nước đặc biệt là lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi bà con đồng hành, đồng lòng cùng hướng về trong nước để chống dịch, tuân thủ đúng chỉ đạo của nước sở tại. Những trường hợp thực sự cần thiết thì mới về nước còn không thì ở lại.

Chúng tôi cũng phối hợp cùng các tổ chức hỗ trợ hội đoàn đặc biệt ở Pháp, Đức, Séc để cung cấp thêm nhu yếu phẩm cho bà con ta đang gặp khó khăn. Điều đặc biệt, tất cả bà con ta đều hưởng ứng và tự giác thực hiện. Điều này đã góp phần tạo cho chúng ta có những kinh nghiệm mới trong công tác vận động bà con trong công tác hỗ trợ bà con khi gặp đại dịch. Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực, sự quan tâm ở trong nước và cán bộ ngoại giao nước ngoài thì chúng ta đang làm tốt công tác này. Qua đây động viên thêm bà con hướng về quê hương đất nước để thể hiện rõ nghĩa đồng bào.

Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết sắp tới sẽ đón nhiều công dân Việt Nam trở về nước thì Bộ Ngoại giao có những kế hoạch như thế nào để hoạt động này được an toàn và thuận lợi?

Ông Đặng Minh Khôi: Chủ trương của chính phủ là chúng ta sẽ từng bước đón bà con người Việt ở nước ngoài về. Trước hết là ưu tiên những trường hợp gặp khó khăn trong đó nhất là những người già, những người đang bị bệnh, các cháu dưới 18 tuổi cũng như những người đi công tác ngắn hạn và du lịch bị mắc kẹt ở nước ngoài. Việc này chúng tôi đang tích cực triển khai thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và Cục hàng không dân dụng Việt Nam. Chúng ta sẽ căn cứ vào tình hình của bà con, tình hình của các nước sở tại, cũng như tình hình và khả năng tiếp nhận của Việt Nam.

Thành công lớn nhất của chúng ta trong đại dịch này là đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con kiều bào đưa được những bà con gặp khó khăn về trong nước. Thứ hai là tổ chức tốt cách ly ở trong nước không để cho Việt Nam gặp phải làn sóng mắc dịch lần thứ hai. Đây là những nỗ lực rất lớn của các cơ quan trong và ngoài nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu