TS Ngô Khắc Hoàng : Tôi muốn được góp sức cho sự phát triển cộng đồng nghiên cứu ở Việt Nam

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) -  Mục tiêu của tôi trong khoảng hai năm tới là học hỏi, tích lũy, và chuẩn bị các yếu tố cần thiết cho một vị trí nghiên cứu lâu dài...

Tiến sĩ Ngô Khắc Hoàng, đang là nghiên cứu viên sau Tiến sĩ (TS) tại trường Đại học Công nghệ Chalmers, Gothenburg (Thụy Điển). Vừa mới đây, chàng trai từng được ghi danh “Sổ vàng” tại Văn Miếu Quốc Giám năm 2014 này, vinh dự nhận giải thưởng Luận án xuất sắc trong lĩnh vực tín hiệu, hình ảnh và thị giác tại Pháp.

Với những gì học hỏi và lĩnh hội được khi nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, Tiến sĩ Ngô Khắc Hoàng mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển ngành điện tử viễn thông Việt Nam.  

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
 
   TS Ngô Khắc Hoàng : Tôi muốn được góp sức cho sự phát triển cộng đồng nghiên cứu ở Việt Nam - ảnh 1Tiến sĩ Ngô Khắc Hoàng, quê huyện Hiệp Hòa,tỉnh Bắc Giang hiện là nghiên cứu viên sau Tiến sĩ trường Đại học Công nghệ Chalmers, Gothenburg (Thụy Điển). Ảnh nhân vật cung cấp

 PV: Chào TS Ngô Khắc Hoàng, trước tiên, Anh có thể giới thiệu cho khán thính giả VOV5 đôi chút và bản thân và công việc hiện nay tại Thụy Điển?

TS Ngô Khắc Hoàng: Xin chào khán giả VOV5- Đài TNVN, tôi là Ngô Khắc Hoàng, quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Hiện tại tôi là Nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Chalmers, Gothenburg, (Thụy Điển). Công việc nghiên cứu của tôi liên quan đến truyền thông vô tuyến và lý thuyết thông tin. Đề tài tiến sĩ của tôi là truyền thông vô tuyến không nhất quán, tập trung vào trường hợp các thiết bị thu phát biết rất ít thông tin về kênh truyền. Cụ thể, ví dụ như khi bạn sử dụng điện thoại di động, có tín hiệu trao đổi giữa điện thoại của bạn và trạm thu phát sóng. Tín hiệu này bị biến đổi trên kênh truyền. Vì thế, để giải mã được tín hiệu bạn gửi, bộ thu thường cần biết thông tin về kênh. Tuy nhiên, nếu bạn di chuyển với tốc độ cao, chẳng hạn như đang ngồi trên tàu cao tốc, kênh truyền biến đổi rất nhanh và khó có thể ước lượng được.

   TS Ngô Khắc Hoàng : Tôi muốn được góp sức cho sự phát triển cộng đồng nghiên cứu ở Việt Nam - ảnh 2Chụp với TS. Jeff Dean, Giám đốc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo toàn cầu của Google tại Diễn đàn Heidelberg Laureate năm 2019 tại Đức.

Một ví dụ khác là với tín hiệu điều khiển giữa các máy tự động trong một nhà máy thông minh, gói tin được gửi đi rất ngắn, không đủ để vừa ước lượng kênh vừa giải mã. Tôi tập trung vào những trường hợp này, khi việc ước lượng kênh là rất khó hoặc không thể. Tôi tìm cách giảm chi phí ước lượng kênh hoặc thiết kế các phương pháp truyền thông mà không cần đến thông tin về kênh truyền.

PV: Được biết, Anh vừa vinh dự nhận được một giải thưởng xuất sắc do Pháp trao tặng. Thật tuyệt vời, xin chúc mừng! Anh có thể chia sẻ đôi chút về giải thưởng này được không?

TS Ngô Khắc Hoàng: Luận án tiến sĩ của tôi được nhận giải thưởng luận án xuất sắc trong lĩnh vực tín hiệu, hình ảnh và thị giác tại Pháp. Giải thưởng này do Club EEA (CLB giảng viên và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực điện, điện tử và tự động hóa), GRETSI (Nhóm nghiên cứu về xử lý tín hiệu và ảnh), và GdR-ISIS (Nhóm nghiên cứu về thông tin, tín hiệu, hình ảnh và thị giác) của Pháp trao.

   TS Ngô Khắc Hoàng : Tôi muốn được góp sức cho sự phát triển cộng đồng nghiên cứu ở Việt Nam - ảnh 3Bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Pháp. Ảnh nhân vật cung cấp

Giải thưởng này hàng năm được trao cho một luận án xuất sắc được thực hiện tại Pháp trong các lĩnh vực trên nhằm thúc đẩy và khuyến khích nghiên cứu. Năm tiêu chí xét chọn bao gồm tính sáng tạo, chất lượng kết quả thu được, lợi ích thực tế/khả năng ứng dụng, chất lượng bản luận án, và chất lượng của các công bố khoa học liên quan.

PV: Theo anh, Việt Nam có triển vọng như thế nào trong phát triển lĩnh vực viễn thông, truyền thông vô tuyến...?

TS Ngô Khắc Hoàng: Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong ngành công nghệ nói chung và ở lĩnh vực truyền thông, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo nói riêng. Chính phủ Việt Nam và các Bộ ngành cũng đang rất quan tâm và tạo điều kiện cho việc thực hiện các nghiên cứu về những công nghệ này. Hiện tại tôi đang nghiên cứu về công nghệ điện toán biên và mạng kết nối vạn vật (IoT). Đây đều được xác định là những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam đang hướng tới. 

Từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tiễn là một chặng đường rất xa. Những nghiên cứu của tôi nhằm giải quyết các bài toán mới trong lĩnh vực viễn thông. Tuy nhiên, bằng việc hướng các chủ đề nghiên cứu đến những lĩnh vực mà Việt Nam cũng đang cần và quan tâm, đồng thời giữ một tâm thế mở và sẵn sàng hợp tác, tôi tin mình luôn có nhiều cơ hội để đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

   TS Ngô Khắc Hoàng : Tôi muốn được góp sức cho sự phát triển cộng đồng nghiên cứu ở Việt Nam - ảnh 4Nhận Giải thưởng Honda dành cho kỹ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam năm 2013.
Ảnh nhân vật cung cấp

PV: Từng trải nghiệm học tập và làm việc ở Singapore, Pháp và đang ở Thụy Điển nên anh có điều kiện lĩnh hội những công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhất, đặc biệt về công nghệ truyền thông số. Để giúp cộng đồng nghiên cứu ở Việt Nam có thêm những cập nhật mới nhất, Anh đang có kết nối thường xuyên hay hợp tác nào với quê nhà không?

TS Ngô Khắc Hoàng: Hiện tại tôi là thành viên của Viện tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi có tham gia một số dự án nghiên cứu của Viện liên quan đến mạng viễn thông 5G và sau 5G, với các chủ đề như công nghệ điện toán biên, công nghệ định vị thiết bị. Ngoài ra, tôi cũng tham gia một số hoạt động của Mạng lưới kết nối trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu...Sắp tới, tôi cũng sẽ tham gia tổ chức một phiên đặc biệt tại Hội nghị quốc tế về các công nghệ tiên tiến trong truyền thông vào tháng 10/2021 tại TP HCM. Như tôi đã nói, tôi luôn mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé, sử dụng những kiến thức tôi có được vào sự phát triển của cộng đồng nghiên cứu ở Việt Nam nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.

   TS Ngô Khắc Hoàng : Tôi muốn được góp sức cho sự phát triển cộng đồng nghiên cứu ở Việt Nam - ảnh 5Tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2019 tại Hà Nội

  PV: Trong bối cảnh chưa biết khi nào dịch Covid-19 được kiểm soát. Sắp tới anh có dự định hay kế hoạch gì không?

TS Ngô Khắc Hoàng: Dịch Covid bùng nổ tại Pháp vào tháng 3/2020. Tôi làm việc hoàn toàn từ xa kể từ đó. May mắn là công việc của tôi chỉ đòi hỏi không yêu cầu nhiều thiết bị (chỉ cần giấy, bút, máy tính và mạng internet) nên không bị ảnh hưởng nhiều khi làm việc tại nhà. Tuy nhiên, việc mọi người đều làm việc từ xa cũng làm cho tương tác giữa đồng nghiệp giảm đi. Mọi trao đổi, thảo luận đều phải tiến hành trực tuyến.

Từ khi bắt đầu làm việc tại Thụy Điển, tôi gần như chưa gặp trực tiếp ai khác trong nhóm nghiên cứu, kể cả hai giáo sư hướng dẫn. Trước đây, đồng nghiệp có thể cùng ăn trưa, uống cà phê, gặp nhau tình cờ tại hành lang và nói những câu chuyện ngẫu nhiên, hay có thể gõ cửa phòng làm việc của nhau để trao đổi công việc. Nhiều khi ý tưởng nghiên cứu xuất phát từ chính những câu chuyện tán gẫu bất chợt đó. Tuy nhiên, khi mọi việc trở nên trực tuyến, không còn cơ hội cho những câu chuyện tán gẫu đó nữa. Sắp tới, tôi sẽ bắt đầu dự án nghiên cứu về công nghệ điện toán biên cho mạng kết nối vạn vật với cơ chế đa truy cập ngẫu nhiên.

Tôi được nhận tài trợ theo chương trình Marie Skłodowska-Curie Action Individual Fellowships của Liên minh Châu Âu cho dự án này trong hai năm.

   TS Ngô Khắc Hoàng : Tôi muốn được góp sức cho sự phát triển cộng đồng nghiên cứu ở Việt Nam - ảnh 6Ngô Khắc Hoàng, một trong những thủ khoa Đại học năm 2014 của thành phố Hà Nội, được vinh danh và ghi vào sổ vàng ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh nhân vật cung cấp

Dự án này sẽ cho tôi cơ hội phát triển không chỉ về nghiên cứu mà còn về các kỹ năng như quản lý dự án…cần thiết cho sự nghiệp về sau. Mục tiêu của tôi trong khoảng hai năm tới là học hỏi, tích lũy, và chuẩn bị các yếu tố cần thiết cho một vị trí nghiên cứu lâu dài...

PV: Vâng, cảm ơn TS Ngô Khắc Hoàng, xin luôn chúc anh sức khỏe và thành công trên con đường đã chọn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Phạm Thị Bẩy

Cháu là một tiến sĩ trẻ mà luôn nghĩ đến ý tưởng góp phần xây dựng quê hương đất nước thật... Xem thêm

Giáp Thị Nhung

Ngưỡng mộ em quá đi, một người con Bắc Giang, em chia sẻ nhiều hơn để kết nối tới các... Xem thêm

Trần Thị Hiền- Hiệp Hòa- Bắc Giang

Chào Tiến sĩ nhé! Hoàng giỏi quá! Cô cũng ở Thị Trấn HH BG đây! Hãy cố gắng mang vinh danh... Xem thêm