Trí thức trẻ Việt Nam: kết nối và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

Kim Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Mục tiêu của Diễn đàn là tiếp tục củng cố mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu

Như chúng tôi đã đưa tin: Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2, năm 2019 với chủ đề: “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước” đang diễn ra tại Hà Nội. Mục tiêu của Diễn đàn là tiếp tục củng cố mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, tiếp nối những kết quả đạt được trong thời gian hoạt động vừa qua. Diễn đàn cũng là dịp để các bạn trẻ tiếp tục đưa ra những ý tưởng, thảo luận các nội dung, đề xuất các giải pháp liên quan tới những vấn đề phát triển bền vững của đất nước. Trong tất cả những hoạt động này thì vai trò của Mạng lưới luôn được thể hiện rõ. Tại Diễn đàn, phóng viên đài TNVN phỏng vấn  phó giáo sư, tiến sĩ Trần Xuân Bách,Tổng thư ký Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu về những nội dung này:

Nghe âm thanh tại đây:

PV: Thưa anh, mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã được thành lập sau  Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đầu tiên tổ chức vào năm ngoái. Sau 1 năm hoạt động, việc kết nối các thành viên đã được triển khai như thế nào? 

PGS-TS Trần Xuân Bách: Trong năm qua, mạng lưới có những bước phát triển tích cực, có thể kể đến chuỗi chương trình đào tạo liên ngành, giảng viên trẻ các trường đại học. Xuyên suốt 1 năm chúng tôi có những  hoạt động hội thảo chuyên ngành,diễn đàn kinh tế trẻ những người được giải Nobel tổ chức tại VN, cơ hội học giả VN tiếp cận định hướng nghiên cứu mới, những vấn đề quan tâm cấp toàn cầu,  có thể tiếp cận chuyên gia hàng đầu như vậy.  Tổ chức mạng lưới các nhà khoa học trẻ ở các khu vực. Số lượng đại biểu năm nay tăng rất nhiều, đi vào chiều sâu hơn, hơn một nửa là có bằng tiến sĩ, học vị giáo sư, phó giáo sư. Các bạn trẻ đến đây chia sẻ những kinh nghiệm khoa học của các bạn mà tinh thần của Diễn đàn là tập  hợp thanh niên khoa học, xây dựng hình ảnh của từng bạn với sức lan tỏa, không chỉ có học vị cao mà còn vượt qua khó khăn để giành đỉnh cao về khoa học công nghệ. Cao  hơn hết là các bạn hướng đến sự đóng góp của mình với xã hội, giải quyết những vấn đề là đòi hỏi mang tính sứ mệnh của đất nước.

Trí thức trẻ Việt Nam: kết nối và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước - ảnh 1 PGS-TS Trần Xuân Bách, Tổng thư ký mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu

PV: Tiếp nối kết quả đạt được, Diễn đàn lần này tập trung vào những nội dung gì và có điểm gì mới?

 PGS-TS Trần Xuân Bách: Một trong những điểm ưu việt cách tổ chức và thiết kế của Diễn đàn là chúng tôi có 3 giai đoạn: đầu tiên là dựa trên định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi phát triển của VN, định hướng của đất nước trong những năm tới, ngắn hạn và dài hạn, tiếp đó là chúng tôi tham khảo ý kiến của các bậc lão thành, chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu để xác định rõ hơn trong lĩnh vực nào là ưu tiên, giải pháp nào đã có, những gì sẽ tập trung đi sâu nghiên cứu. Bước ba là khảo sát nhanh, đề xuất của các bạn trí thức trẻ tham gia diễn đàn qua các năm, đặc biệt, du học sinh, hiệp hội sinh viên, hiệp hội chuyên gia kỹ thuật trong nước và nước ngoài. Từ đó, đưa ra 4 nhóm nội dung chính và 20 phân nhóm là những vấn đề Việt Nam đối mặt hàng ngày, những vấn đề ở các địa phương có thể là biến đổi khí hậu, giao thông, ô nhiễm, đô thị, phát triển kỷ nguyên số. Một điểm mới tại Diễn đàn chúng tôi nhấn mạnh là bền vững, để thấy Diễn đàn tiếp cận những vấn đề hướng tới con người, bối cảnh và tính khả thi khi mà đề xuất của chúng tôi đưa ra với ban, ngành và chính phủ.

PV: Câu chuyện bây giờ là làm cách nào để trí thức trẻ có thể đóng góp được tốt nhất?

PGS-TS Trần Xuân Bách: Chúng ta phải xác định  nhu cầu của họ ở từng giai đoạn phát triển, vì phát triển học thuật có nhiều giai đoạn khác nhau. Có giai đoạn bước đầu của quá trình học thuật là tích lũy kinh nghiệm, học hỏi, tiếp đó là trải nghiệm ở môi trường khác nhau thì đôi khi,họ phải nghĩ đến việc ở lại nước ngoài.   Giai đoạn 3 trưởng thành thì họ cần những điều kiện thực tế. Giai đoạn đầu tiên thì thông qua chương trình đào tạo, du học, liên kết đào tạo trong nước và quốc tế. Giai đoạn trải nghiệm thì kết nối các phòng thí nghiệm, kinh nghiệm nghiên cứu, trao đổi chuyên gia ngắn hạn. Giai đoạn cuối cùng tạo điều kiện cho họ thử nghiệm ý tưởng nhỏ, tăng dần về quy mô, tự do sáng tạo, tự do phát kiến. Thực tế dựa trên nhu cầu phát triển của họ và bước tiếp theo là sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, biến những cơ sở đó thành những vùng đất màu mỡ,không chỉ trí thức người Việt mà trong quá trình hội nhập thế giới, cả người nước ngoài sẽ tìm đến chúng ta.

PV: Và vai trò của mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu trong những nội dung lần này?

PGS-TS Trần Xuân Bách: Vai trò của mạng lưới sẽ có 2 vai trò: họ sẽ được cung cấp yếu tố đầy đủ về bối cảnh ở VN, VN cần gì, cái gì là định hướng chung. Thông qua việc giao lưu, học  hỏi thì các trí thức trẻ được cọ xát, được xây dựng năng lực lãnh đạo, biến họ từ phạm vi chỉ là những cán bộ khoa học thành thạo chuyên môn trở thành những người có khả năng phát triển khoa học. Quan trong hơn cả, khi họ về nước họ có thể làm việc trong bất kỳ môi trường nào, có thể làm việc nhóm, kết nối, tạo ra mạng lưới và điều quan trọng là họ luôn hướng sự chú ý, mối quan tâm về VN.

PV: Xin cảm ơn anh!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu