Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: Hãy nghĩ mình là người Việt Nam, đừng tư duy mình là "Việt kiều"

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - "Về Việt Nam đầu tư thì mình nên mang môi trường văn minh mà mình được sống về, để giúp người Việt Nam mình tha hồ sáng tạo".

Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh Nghị quyết 36-CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới sẽ diễn ra vào ngày 27 - 28/11 tại Hà Nội, thu hút gần 400 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, chủ tịch các hội liên lạc, hội thân nhân kiều bào và gần 130 kiều bào đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Nhân dịp này, VOV5 phỏng vấn TS Nguyễn Thanh Mỹ, người đã sáng lập và đồng sáng lập 9 doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có 7 doanh nghiệp tại Trà Vinh, như Tập đoàn Mỹ Lan, hay RYNAN® Holdings JSC.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: Hãy nghĩ mình là người Việt Nam, đừng tư duy mình là "Việt kiều" - ảnh 1Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ (bên phải) trong Lễ nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam. 

PV: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, trong hội nghị ông có chia sẻ câu chuyện về sự trở về của mình, mà ngày trở về đó là khi mà Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị chưa được ban hành…

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: Hãy nghĩ mình là người Việt Nam, đừng tư duy mình là "Việt kiều" - ảnh 2 Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ trong ngày khởi công Công ty hóa chất Mỹ Lan, công ty công nghệ cao đầu tiên tại Trà Vinh năm 2004.

TS Nguyễn Thanh Mỹ: Tôi về quê tôi ở Trà Vinh để đầu tư năm 2004, thành lập Tập đoàn Mỹ Lan, là công ty công nghệ cao đầu tiên, từ thời đó tới giờ là công ty công nghệ cao duy nhất ở Trà Vinh.

Trà Vinh hồi đầu 2004 là một trong ba tỉnh nghèo nhất đất nước.

Về đó thì rất khó khăn. Không chỉ là cái khó khăn về hạ tầng cơ sở, giao thông hay là nhân sự, nhân lực mà cái khó khăn về tư duy kỳ thị ở trong nước với tôi là Việt kiều ở nước ngoài về. Về đó người ta gọi tôi là anh "Việt kiều té giếng".

Sau khi nghị quyết 36 của Bộ Chính trị được ban hành, tư duy kỳ thị càng ngày càng giảm dần và cho tới bây giờ tôi cảm thấy là người Việt Nam chứ không phải là Việt kiều nữa.

PV: Và ông cũng đưa ra những lời khuyên với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài (được gọi là Việt kiều) mà muốn trở về nước đầu tư hoặc đóng góp, phát triển cho đất nước…

TS Nguyễn Thanh Mỹ: Người Việt Nam ở nước ngoài muốn về Việt Nam để đầu tư, thì thứ nhất khi về tới Việt Nam đừng có mang cái "mã" Việt kiều nữa. Về đây thì mình là người Việt Nam. Tại vì sao? Trước đây tôi bị vấn đề là tại vì tôi cứ xách cái tiêu chuẩn ở Mỹ, ở Canada nơi tôi sống để so sánh với Việt Nam. Do đó tôi bực, cái gì cũng bực mình. Nhưng khi nghĩ mình là người Việt Nam thì đơn giản lắm, mình sẽ sử dụng cái điều kiện, cái tiêu chuẩn của Việt Nam để mình sống, thì nó rất là phù hợp với mình.

Kế nữa, khi về Việt Nam,  trước đây sinh thời anh Alan Phan có nói quan hệ của doanh nhân với cộng đồng có 5 quan hệ: “khách hàng là cha, cổ đông là mẹ, ngân hàng là tình nhân, cơ quan ban ngành là chú bác, đối thủ cạnh tranh là hàng xóm láng giềng, còn nhân viên là đàn con mọn”. Do đó cứ tuân theo đúng những gì anh Alan Phan nói thì mình sống ở Việt Nam rất thoải mái. 

Kế nữa, muốn về Việt Nam đầu tư, việc đầu tiên anh phải có đủ tiền, có đủ tâm, có đủ tài, đủ đức, đủ trí để về giúp đất nước mình, chứ đừng có về đây mà bắt Nhà nước phải hỗ trợ mình cái này, cơ quan, ban ngành phải hỗ trợ mình cái khác.

Kế nữa đó, phải biết là người Việt Nam mình rất thông minh, chỉ thiếu môi trường văn minh để sáng tạo. Mình về Việt Nam đầu tư thì mình nên mang môi trường văn minh mà mình được sống như Mỹ, Canada, Đức, Pháp, ở Ba Lan...về, để giúp người Việt Nam mình ở đây tha hồ sáng tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: Hãy nghĩ mình là người Việt Nam, đừng tư duy mình là "Việt kiều" - ảnh 3Quang cảnh một trong số những công ty thuộc Tập đoàn Mỹ Lan Trà Vinh. 

Hiện nay tôi đang sống ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi chịu biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Người dân đồng bằng sông Cửu Long bây giờ họ xem xâm nhập mặn là một nguồn tài nguyên mới để họ nuôi tôm thay vì phải đắp đê xây đập để trồng lúa, tại vì một ký tôm có giá trị gấp 40 lần một ký lúa.

Do đó hồi đầu năm 2017 Thủ tướng có đề nghị mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ đô la tiền tôm đến năm 2025. Đó là cơ hội rất lớn cho người Việt Nam nước ngoài về để đầu tư, nhất là mang công nghệ 4.0, công nghệ điện toán đám mây giúp đất nước mình phát triển.

PV: Cho đến ngày hôm nay có thể nói là ông đã rất thành công với những đóng góp lớn tại Trà Vinh, cũng như đi đầu trong những công ty công nghệ cao ở Việt Nam…

TS Nguyễn Thanh Mỹ: Đối với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam nước ngoài cũng như Bộ Ngoại giao về Nghị quyết 36 thì nói đầy đủ rồi, chỉ thị 45 rất tốt, là sự đúc kết của rất nhiều năm để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Những ngày đầu tiên tôi về thì rất khó khăn, khó khăn về phần tôi vì tôi là người Việt kiều, tôi mang tư duy Việt kiều về đây. Còn ở trong nước mà tôi mang tư duy là Việt kiều thì không tốt. Nhưng Nghị quyết 36 xóa hết những cái đó.

Những cơ quan ban ngành trong nước cũng như tỉnh tôi người ta đối xử với tôi giống như người Việt Nam rất bình thường ở đây. Bây giờ tôi cũng không nghĩ mình Việt kiều, tôi là người Việt Nam 100% chứ không còn Việt kiều nữa (cười). Mười mấy năm vừa qua tôi về Việt Nam đầu tư rất thành công. Những quyết định đầu tiên, quyết định hồi đó về Việt Nam đầu tư tới bây giờ luôn luôn đúng.

Tôi hy vọng những người Việt Nam ở nước ngoài muốn về Việt Nam đầu tư, thì đây là cơ hội rất lớn ở đất nước mình, nhất là về nông nghiệp và thủy sản.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ sinh ngày 2/9/1956 tại Châu Thành, Trà Vinh, tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Khoa học Năng lượng và Vật liệu vào năm 1990 tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu về Năng lượng, Vật liệu và Viễn thông Canada. Ông nổi tiếng trong giới khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, với 280 bằng sáng chế ở Hoa Kỳ, Canada và nhiều nước trên thế giới.Ông cũng là đồng tác giả của trên 68 báo cáo được đăng trên các tạp chí khoa học lớn ở Anh, Đức và Hoa Kỳ.

Sau hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, năm 2004 ông trở về Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy công nghệ cao tại Trà Vinh, tạo việc làm cho lao động địa phương (hiện có khoảng 800 nhân viên), xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng góp cho y tế, giáo dục…

Ông cũng đã phát triển mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp gồm sản xuất phân bón thông minh, mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo, mạng lưới quan trắc nước mặn thông minh, mạng lưới máy bán suất ăn nóng thông minh, thiết bị IoT như ổ khóa, đồng hồ nước thông minh, máy cho tôm ăn thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo ... Ông đã sáng lập và đồng sáng lập 9 doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có 7 doanh nghiệp tại Trà Vinh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu