Thương hiệu Festival Huế: Festival của văn hóa nghệ thuật và di sản truyền thống

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Khai thác tiềm năng về di sản để làm chất liệu cho Festival là điều quan trọng nhất đối với Huế. 

Tuần lễ Festival Huế 2022 vừa diễn ra sôi nổi, để lại những ấn tượng khó quên trong lòng những người tham dự. Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng, đa sắc màu văn hóa đã tạo nên diện mạo, sức sống mới cho vùng đất Cố đô. Festival Huế 2022 là sự khẳng định cho nỗ lực của Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung trong việc đưa cuộc sống trở lại bình thường sau đại dịch, và là sự kiện góp phần kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch “chủ động – bền vững – an toàn”.

Thương hiệu Festival Huế: Festival của văn hóa nghệ thuật và di sản truyền thống - ảnh 1Ông Phan Thanh Hải trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV

Sau những ngày lễ hội diễn ra thành công ngoài mong đợi, điều mà nhiều người quan tâm vẫn là làm thế nào để duy trì và tiếp tục xây dựng thương hiệu Festival Huế mang tầm quốc tế. Phóng viên Bảo Trang phỏng vấn ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế về vấn đề này. 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Phóng viên: Thưa ông, ngành văn hóa Thừa Thiên Huế đã có những chương trình cụ thể như thế nào trong việc xây dựng thương hiệu Festival Huế?

Ông Phan Thanh Hải: Festival Huế bản chất là Festival văn hóa. Từ cuối thập niên 1990, khi nghiên cứu để xây dựng mô hình “Huế - Thành phố Festival”, chúng tôi đã tham khảo nhiều mô hình trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng thế mạnh lớn nhất của Huế là văn hóa và di sản. Chính vì vậy, khai thác tiềm năng về di sản để làm chất liệu cho Festival là điều quan trọng nhất đối với Huế. Suốt từ đó đến nay, qua 11 kỳ Festival, có thể nói văn hóa luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất để khai thác và biểu dương thương hiệu của Huế. Do đó, slogan xuyên suốt của Festival Huế là “di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.

Thương hiệu Festival Huế: Festival của văn hóa nghệ thuật và di sản truyền thống - ảnh 2Ông Phan Thanh Hải phát biểu tại triển lãm Chế độ y quan triều Nguyễn - một triển lãm mang đậm tính văn hóa và lịch sử

Đặc biệt đối với Huế thì yếu tố quốc tế luôn đóng vai trò quan trọng, nên Festival Huế thực chất chính là dịp quảng diễn về văn hóa, hội tụ tinh hoa về văn hóa, để các giá trị văn hóa đó được phát huy, lan tỏa và thể hiện rõ giá trị của mình. Đó là cách mà Huế vừa quảng bá vừa xây dựng thương hiệu. Qua hơn 20 năm và 11 kỳ Festival thì Huế vẫn tiếp tục con đường này. Thương hiệu Huế Festival đã được định hình. Tên gọi Huế Thành phố Festival không chỉ còn là tên gọi mà đã là một thương hiệu. Đương nhiên thương hiệu này có mức độ ảnh hưởng như thế nào, ở cấp độ quốc gia, khu vực hay quốc tế thì cần có sự đánh giá và phát triển để thực sự trở thành một thương hiệu có uy tín lớn, để Việt Nam có thể tự hào với thế giới trên phương diện văn hóa – di sản.

Phóng viên: Ông có thể đưa ra những nhận xét về việc chúng ta đã làm để khẳng định thương hiệu Festival đó thành công như thế nào qua kỳ Festival lần này?

Ông Phan Thanh Hải: Festival lần thứ 11 vẫn tiếp tục với chủ đề “Di sản với hội nhập và phát triển”. Mặc dù mới bước qua hơn 2 năm dịch bệnh covid 19 tác động rất lớn, sự mở cửa của các quốc gia trên thế giới chưa phải giống nhau. Việt Nam có lẽ là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc mở cửa nhanh nhạy để đón tiếp khách quốc tế đến. Chúng tôi cũng tranh thủ tối đa các cơ hội để đưa các yếu tố quốc tế vào Festival Huế để nó xứng danh là một Festival văn hóa – thế giới – hội nhập.

Thương hiệu Festival Huế: Festival của văn hóa nghệ thuật và di sản truyền thống - ảnh 3Các đoàn nghệ thuật quốc tế tham dự Festival Huế

Tuy nhiên, năm nay có hạn chế là các đoàn nghệ thuật quốc tế tham dự Festival Huế có hạn chế hơn những lần trước. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn cố gắng để có được gần 10 đoàn, là những bạn nhạc, nhóm biểu diễn, đoàn nghệ thuật khá nổi tiếng từ nhiều quốc gia khác nhau. Những chương trình biểu diễn của họ vẫn mang màu sắc riêng trong bức tranh toàn cảnh của Festival: đa dạng, đa sắc màu và mang tính quốc tế cao. Như vậy, chúng ta vẫn tiếp tục khẳng định rằng Festival Huế chính là một Festival quốc tế, mang đặc trưng của một lễ hội văn hóa nghệ thuật, mang tính hội nhập và lan tỏa rất cao. Với đà này, Festival lần sau sẽ được mang một tầm cao mới.

Hiện nay chúng tôi đã chuyển sang hình thức Festival bốn mùa, nhưng vẫn có điểm nhấn trong từng mùa, và chúng tôi vẫn xem Festival mùa hạ với một tuần cao điểm là trọng tâm của Festival, nơi mà các yếu tố quốc tế thể hiện sự hội tụ và lan tỏa rất mạnh mẽ. Tôi tin rằng thương hiệu của Festival Huế, dù chuyển qua loại hình mới là Festival bốn mùa thì vẫn chứng tỏ là một loại hình Festival rất riêng, một thành phố rất riêng, rất bản sắc của Việt Nam, và trong tương lai, hoàn toàn có thể là một thương hiệu của khu vực và thế giới.

Phóng viên: Trong chủ đề “di sản văn hóa với hội nhập”, thì yếu tố di sản được phát huy như thế nào để di sản có thể có được vai trò, vị trí trong đời sống đương đại, thưa ông?

Ông Phan Thanh Hải: Sự hội nhập ở đây, chúng tôi muốn đưa di sản đó, vốn là di sản của quá khứ phải hòa nhập với cuộc sống đương đại và phát huy giá trị của nó trong cuộc sống đương đại. Festival chính là cách thức để các di sản đó tỏa sáng trong lòng cuộc sống đương đại. Đồng thời, Festival chính là cơ hội tốt nhất để quảng bá giá trị đó đối với du khách bốn phương. Qua tất cả các kỳ Festival Huế, di sản luôn là chất liệu để chúng tôi khai thác để nó phát huy và tỏa sáng trong các chương trình văn hóa nghệ thuật.

Thương hiệu Festival Huế: Festival của văn hóa nghệ thuật và di sản truyền thống - ảnh 4Những điệu múa Cung đình được trình diễn trong nhiều sự kiện hưởng ứng Festival

Chúng tôi quan điểm là trong một lễ hội mang tính quốc tế như vậy, thì yếu tố bản sắc Huế, di sản Huế vẫn là yếu tố nổi trội. Khi đến Huế, mặc dù đó là một bức tranh chung về di sản thế giới hội nhập, đa sắc màu, nhiều tinh hoa văn hóa hội tụ, nhưng bản chất của văn hóa Huế, nghệ thuật Huế, di sản Huế vẫn là mọt yếu tố rất riêng, rất nổi bật. Chát liệu này chúng tôi khai thác từ việc sử dụng khung hình làm nền cho môi trường diễn xướng của các chương trình nghệ thuật như Ngọ Môn, Kỳ Đài, Cung An Định, hoặc các công trình nổi tiếng của Huế làm bối cảnh cho các chương trình nghệ thuật, cũng như các chất liệu về văn hóa phi vật thể, chất liệu về di sản cổ vật, di sản tư liệu v.v… đều được khai thác tối đa để các chương trình mang tính liên tục, dày dặn và yếu tố của Huế luôn xuất hiện thông qua các cuộc triển lãm, trưng bày, biểu diễn nghệ thuật, các loại hình đa dạng khác nhau thì yếu tố Huế vẫn là yếu tố nổi trội. Yếu tố Huế ở đây chính là yếu tố di sản – di sản truyền thống được khai thác và phát huy một cách có hiệu quả. Đó chính là cách làm của Huế trong tương lai, để Festival Huế thực sự vẫn là một Festival của văn hóa nghệ thuật và của di sản truyền thống.

Phóng viên: Vâng xin cảm ơn ông!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu