Thi Đoàn Hải Sam: "Với tôi, nỗi nhớ quê hương luôn hiện hữu trong lòng"

Hồng Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Sau gần 20 năm xa xứ, với nỗi nhớ quê hương luôn hiện hữu trong lòng, Thi Đoàn Hải Sam đã trải lòng mình qua những vần thơ và những ca khúc về quê hương đất nước.

(VOV5) - Thi Đoàn Hải Sam là một người Việt đang sinh sống và làm việc tại CHLB Đức. Sau gần 20 năm xa xứ, với nỗi nhớ quê hương luôn hiện hữu trong lòng, Thi Đoàn Hải Sam đã trải lòng mình qua những vần thơ và những ca khúc về quê hương đất nước. Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV5, anh sẽ chia sẻ về cuộc sống hiện tại cũng như công việc sáng tác của mình.

Thi Đoàn Hải Sam: "Với tôi, nỗi nhớ quê hương luôn hiện hữu trong lòng" - ảnh 1
Thi Đoàn Hải Sam trong lần trở về thăm quê hương

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:



Phóng viên: Thưa anh, anh đã có gần 20 năm sống ở CHLB Đức. Công việc hiện tại của anh như thế nào?

Thi Đoàn Hải Sam:
Có thể hình dung những người con sống xa quê hương như chúng tôi như là những người nông dân. Với bản thân tôi, sau 20 năm để ổn định cuộc sống, muốn có được mùa vụ tốt cần phải am hiểu thổ nhưỡng, cần chăm bón, vun xới… Hiện tại tôi có một cửa hàng nhỏ, thu nhập vừa đủ cho cuộc sống. Công việc khá bận rộn, thường là đi làm từ 4 giờ sáng đến khoảng 7 giờ tối.

Phóng viên: Được biết sau những giờ phút vất vả mưu sinh, người Việt mình không riêng ở CHLB Đức mà ở khắp mọi nơi trên thế giới đều quần tụ với nhau để cùng sẻ chia những vướng mắc trong cuộc sống và hướng lòng mình về quê hương...

Thi Đoàn Hải Sam:
Thực ra rất nhiều năm, tôi sống gần như biệt lập, do cuộc sống mưu sinh quá vất vả, ngày nghỉ lại ít. Thành phố Riza nơi tôi ở cũng nhỏ, số lượng người Việt lại ít. Riza thuộc bang Sachzen, nơi có các thành phố lớn là Dresden và Leipzich. Khoảng hai năm trở lại đây, cuộc sống đỡ vất vả hơn, tôi bắt đầu tham gia các hoạt động cộng đồng, ví dụ như Tết nguyên đán, Tết dương lịch, Lễ Noel, hay các chương trình ca nhạc, tổ chức nấu ăn với các món truyền thống như nem rán, bún phở, và có mời cả các bạn khách nước ngoài. Tôi cũng tham gia Câu lạc bộ thơ gọi là Hội văn học nghệ thuật Leipzich, rồi thành phố Dresden cũng có, và giao lưu với các thành phố khác. Ở đó cộng đồng người Việt cũng thành lập các hội đoàn như Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, các Hội đồng hương… Đến đó mọi người đều mong muốn chia sẻ với nhau, cả các cháu thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra ở Đức cũng được bố mẹ đưa đến đó.

Phóng viên: Như anh vừa chia sẻ, anh có tham gia câu lạc bộ thơ ở Leipzich. Chính từ những vần thơ ấy đã giúp anh kết nối với những người đồng hương của mình nơi xa xứ phải không?

Thi Đoàn Hải Sam:
Vâng, thực ra tôi đã viết từ nhỏ nhưng vì cuộc sống và dừng lại bằng từng đó thời gian khi sang định cư ở Đức. Tôi mới bắt đầu quay lại viết cách đây hai năm, tôi viết thơ và từ những tình cảm đó mang lại cho tôi nhiều cảm xúc hơn nữa. Nỗi nhớ quê hương đất nước, qua báo chí tôi biết được những vấn đề ở trong nước như vấn đề Trường Sa hay tai nạn của những chiến sỹ phòng không không quân hồi tháng 6/2016 đã mang lại cho tôi nhiều suy nghĩ. Cùng với thơ, tôi đã viết nhạc và đó như một món quà tinh thần để tri ân những người lính trong thời bình.

Phóng viên: Anh có thể chia sẻ về bối cảnh mà anh đã trải lòng mình qua những vần thơ, những bản nhạc đó?

Thi Đoàn Hải Sam:
Sau một ngày làm việc, tôi hay lên mạng đọc báo. Người Việt mình ở nước ngoài hầu như ai cũng hướng về quê hương mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Với tôi, nỗi nhớ lúc nào cũng hiển hiện từng phút giây trong lòng. Tôi nghĩ rằng nếu như mình không có điều kiện để đóng góp gì cho quê hương thì ít nhất bằng khả năng của mình, bằng những gì mình có thể, đó là viết. Điều gây xúc động nhất là trong thời bình vẫn có những người lính hy sinh để bảo vệ và gìn giữ sự bình yên của Tổ quốc. Điều này gây xúc động không những chỉ riêng tôi mà tất cả những người Việt ở trong và ngoài nước. Ngay cả những người bạn Đức mà tôi nói chuyện, họ cũng rất xúc động với sự hy sinh của những người lính. Và tôi đã viết ca khúc “Bay cao nhé đàn hải âu của mẹ”.

Phóng viên: Xin cảm ơn anh đã có những chia sẻ với Đài TNVN. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu