Sư cô Thích Tâm Trí: “Đại hội Phật giáo toàn quốc - một động lực lớn trong công tác Phật sự“

Hồng Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Chỉ có Việt Nam mới là quốc gia có một Ban Tôn giáo Chính phủ, có một Giáo hội Phật giáo Việt Nam bao gồm 13 hệ phái. Tôi nghĩ đó là một hình thức rất quan trọng trong xã hội ngày nay.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 8 vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu tăng ni, cư sĩ, phật tử ưu tú đại diện cho các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cả nước và các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Với chủ đề “Trí tuệ - kỷ cương – hội nhập – phát triển”, Đại hội đã đề cập nhiều vấn đề liên quan đến việc nâng cao chất lượng hoạt động Phật sự, xây dựng Giáo hội phát triển vững mạnh.

Sư cô Thích Tâm Trí, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản sẽ chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng cũng như kiều bào ở nước ngoài nói chung khi đến với sự kiện quan trọng này. 

Sư cô Thích Tâm Trí: “Đại hội Phật giáo toàn quốc - một động lực lớn trong công tác Phật sự“ - ảnh 1

Sư cô Thích Tâm Trí và các bạn trẻ Việt Nam ở Nhật Bản

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa Sư cô, được biết Sư cô vừa tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội. Sư cô có thể chia sẻ về tâm tư, nguyện vọng của mình khi đến với sự kiện này?

Sư cô Thích Tâm Trí: Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản là một bộ phận quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi hình thành Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, chúng tôi có tâm nguyện làm phật sự thay thế cho Giáo hội ở hải ngoại, và đặt trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Lần này được Giáo hội mời về dự Đại hội, chúng tôi rất han hoan vui mừng với tứ chúng đồng tu, gồm các chư tôn đức tăng ni cùng quý vị phật tử đông đảo khắp nơi về tham dự. Chúng tôi cũng rất vui mừng khi Đại hội đã giới thiệu tất cả các khối Hội phật tử Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản. Lần này lại được cử vào Hội đồng thường trực, trở thành một Ủy viên Hội đồng trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng tôi thực sự rất vui mừng. Thông qua Đại hội, chúng tôi được gặp gỡ các đại biểu và học hỏi khá nhiều điều – đó là một trong những điều làm chúng tôi có thêm động lực lớn thông qua Đại hội lần này.

PV: Trước khi trở về Việt Nam lần này, chắc hẳn Sư cô cũng có những tâm tư muốn gửi gắm trong Đại hội?

Sư cô Thích Tâm Trí: Chúng tôi cũng được Ban tổ chức sắp xếp một buổi giao lưu cùng Ban Tôn giáo Chính phủ, gặp gỡ những kiều bào ở nước ngoài gồm 21 nước về tham dự, và trong đó có 6 thành viên Hội phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Tôi là Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam ở Nhật Bản nên cũng được Ban tổ chức mời đóng góp ý kiến. Tôi có đưa ra 3 điểm chính mong Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Trung ương quan tâm, giúp đỡ cho. Thứ nhất, tôi đề xuất Ban Tôn giáo Chính phủ cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần quan tâm hơn nữa tới lực lượng thế hệ trẻ, đặc biệt là những sinh viên, thực tập sinh, tu nghiệp sinh người Việt ở Nhật Bản. Dù cuộc sống khó khăn, vất vả, nhiều thử thách nhưng các em vẫn có tâm Phật, muốn đi chùa cầu phúc, tu thiện, đó là điều cần được tán dương. Vì vậy tôi nghĩ rằng các bạn trẻ này cần được đào tạo chuyên môn và sâu sắc. Thứ hai, để đào tạo được một thế hệ tăng ni ter ở Nhật Bản cũng như thu nhận đệ tử xuất gia tại Nhật Bản, chúng tôi rất cần sự hợp thức hóa về thủ tục giấy tờ. Hiện nay nếu muốn mời tăng ni sang Nhật Bản hoằng pháp cũng phải có giấy công cử để đi theo visa hoạt động tôn giáo. Nhưng nếu như có điều kiện đào tạo các em sinh viên, tu nghiệp sinh tại Nhật Bản – đó là những người có tâm nguyện muốn xuất gia – thì rất cần có giấy chứng nhận tăng ni cho các em. Ý kiến thứ ba, chúng tôi mong muốn được nâng vai rò của Hội Phật tử Việt Nam lên thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Nhật Bản (được biết vừa rồi cũng đã mở ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Châu Phi). Cho tới bây giờ, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản đã có trụ sở đặt tại chùa Nishinkutsu, nhưng chúng tôi muốn nâng lên cao một bước nữa là Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Nhật Bản, để khi các đoàn chư tăng ni hoặc quý phật tử, quan khách từ Việt Nam sang Nhật Bản sẽ có địa điểm để trao đổi, đón tiếp… Ngoài ra, chúng tôi cũng có đề cập thêm một vấn đề mà vừa rồi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản có nói tới, đó là làm sách giáo khoa dạy tiếng Việt dễ hiểu, đơn giản cho các em sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản.

PV: Thưa Sư cô, đã hòa cùng niềm hân hoan của các hội phật tử người Việt Nam ở nước ngoài, Sư cô có thể cho biết mối quan tâm chung của hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài hiện nay là gì?

Sư cô Thích Tâm Trí: Sau quá trình cùng lắng nghe ý kiến của các thành viên nước khác, có thể quy ra một vấn đề chung – đó vẫn là sự khao khát làm sao để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt nhất là làm sao để dạy tiếng Việt, rồi có nơi sinh hoạt tâm linh cho con em. Đối với các nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Đức, hay Ôxtrâylia, hầu như đều có khó khăn về phong tục tập quán. Con em người Việt lớn lên, ảnh hưởng những tư tưởng của phương Tây nên rất khó để các em về chùa, quỳ chắp tay lạy Phật hay cầu nguyện trong chùa… Nhưng cũng may là truyền thống gia đình Việt Nam từ xưa tới giờ, bố mẹ ông bà thường dẫn con cháu đi chùa lễ Phật – đó cũng là điều ảnh hưởng lớn tới con em chúng ta trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Có một điểm chung cần phải nhấn mạnh đó là, chỉ có Việt Nam mới là quốc gia có một Ban Tôn giáo Chính phủ, có một Giáo hội Phật giáo Việt Nam bao gồm 13 hệ phái. Tôi nghĩ đó là một hình thức rất quan trọng trong xã hội ngày nay.

PV: Vâng xin cảm ơn Sư cô.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu