Son Ngọc - Khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp sạch

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - "Tôi kỳ vọng là không chỉ người Việt Nam biết đến sâm Bố Chính mà sẽ có những đơn đặt hàng từ nước ngoài đối với sản phẩm sâm Bố Chính của những người nông dân Việt Nam".

Khởi nghiệp bằng nông nghiệp sạch là điều mà không nhiều người lựa chọn, bởi nó đòi hỏi nhiều yếu tố để có thể cho ra được kết quả như mong đợi. Không có kiến thức nền tảng về nông nghiệp, nhưng vì mong muốn có được những loại thực phẩm sạch cho gia đình cũng như cộng đồng, chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc công ty TNHH dịch vụ và thương mại Son Ngọc, Thái Nguyên đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực này. Đầu tiên là các loại thực phẩm sạch, và cho đến giờ, chị Hằng đang nỗ lực đưa các sản phẩm chế biến từ sâm Bố Chính đến với người tiêu dùng, nhằm nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Những nội dung này sẽ được chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ với phóng viên Đài TNVN.
Son Ngọc - Khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp sạch - ảnh 1Chị Nguyễn Thị Hằng và sản phẩm từ nông trại
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Xin chào chị Nguyễn Thị Hằng. Được biết Công ty Son Hừng đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch. Chị đã bắt đầu với công việc này như thế nào - trong một lĩnh vực không hề dễ dàng?
Chị Nguyễn Thị Hằng: Tôi đã từng làm trong môi trường bệnh viện, chăm sóc các bệnh nhân, mà hiện nay thực phẩm bẩn tràn lân, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người tiêu dùng. Từ nhu cầu của bản thân, và nhìn thấy thực trạng cũng như nhu cầu của mọi người, tôi nghĩ thực phẩm sạch là rất cần thiết trong cuộc sống. Chính vì vậy tôi muốn khởi nghiệp bằng thực phẩm sạch. Hiện tại ở trang trại của chúng tôi có gà sạch, trứng sạch, và sâm. Đó là loại sâm Bố Chính - một giống sâm của Việt Nam có hàm lượng saponin chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh. Tôi hy vọng mọi người sẽ yêu thích sản phẩm này vì sâm Việt Nam có chất lượng rất tốt.
Son Ngọc - Khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp sạch - ảnh 2Vùng đất đồi ở Thái Nguyên, nơi trang trại của Son Ngọc nuôi gà và trồng sâm Bố Chính

PV: Gà sạch và trứng sạch là những sản phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Còn sâm thì lại khác. Để thành công với sản phẩm này, chứng minh sản phẩm của mình tốt là điều không đơn giản phải không chị?

Chị Nguyễn Thị Hằng: Nói đến sâm, mọi người thường nghĩ đến sâm Hàn Quốc. Nhưng sâm Việt Nam có hàm lượng dược liệu cao. Sâm Bố Chính có hàm lượng saponin chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh, không hề thua kém hàm lượng trong sâm Hàn Quốc. Công ty tôi đã nghiên cứu và cho ra sản phẩm sâm tươi, sâm khô, cao sâm, trà hoa sâm.

Sâm Bố Chính có nguồn gốc từ Quảng Bình là vùng đất pha cát nhưng cũng phù hợp trồng trên đất đồi, cho ra hàm lượng dược liệu cao cho củ sâm. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng không chỉ riêng Thái Nguyên mà nhiều vùng ở Việt Nam có thể trồng loại sâm này. 

Son Ngọc - Khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp sạch - ảnh 3Củ sâm Bố Chính

PV: Những bước đi ban đầu chắc hẳn sẽ có những khó khăn, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Hằng: Cách đây 3 năm, tôi biết tới và được sử dụng giống sâm này. Những hiệu quả khi sử dụng đã khiến tôi mong muốn được tìm hiểu, nghiên cứu về nó. Mới đầu tôi chỉ trồng trên diện tích 1ha. Những vụ đầu đúng là rất khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, chưa biết cách kiểm soát bệnh của cây, củ không đạt được trọng lược cũng như không đạt được dược tính yêu cầu. Nhưng cho đến nay, sau khi đã tìm tòi và nghiên cứu, tôi đã khá tự tin để cho ra sản phẩm đạt yêu cầu.

Sâm Bố Chính nói riêng và dược liệu Việt nói chung là những tài sản vô giá. Người Việt Nam chưa biết tận dụng để chủ động chăm sóc sức khỏe. Tôi nghĩ rằng nếu có một sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, mang lại hiệu quả tốt sẽ được nhiều người đón nhận.
(Một số sản phẩm từ sâm Bố Chính)
Son Ngọc - Khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp sạch - ảnh 4Chè sâm
Son Ngọc - Khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp sạch - ảnh 5Trà sâm
Son Ngọc - Khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp sạch - ảnh 6Sâm Bố Chính kết hợp với gà thảo dược
Son Ngọc - Khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp sạch - ảnh 7Súp sâm
Trồng sâm là kế hoạch dài hạn của tôi, còn những sản phẩm ngắn hạn như gà vi sinh, trứng gà vi sinh... đã tạo cho tôi nguồn thu ngắn hạn để phục vụ kế hoạch dài hạn là trồng sâm. Quan trọng nhất là những sản phẩm đầu tiên của tôi tuy chưa thực sự hoàn hảo nhưng đã được bạn bè, đồng nghiệp và các khách hàng đón nhận và phản hồi rất tích cực về hiệu quả của củ sâm. Đó chính là nguồn động viên lớn để tôi cố gắng phát triển và nhân rộng.

PV: Kế hoạch sắp tới của chị như thế nào đối với các thực phẩm sạch nói chung và sâm Bố Chính nói riêng?

Chị Nguyễn Thị Hằng: Hiện tại tôi đang làm đề tài nghiên cứu về cây sâm Bố Chính và sẽ hoàn thành sắp tới. Khi đề tài đã xong, tôi muốn sẽ kết hợp với các nông dân ở khắp các tỉnh miền núi để phát triển, hy vọng cây sâm sẽ giúp bà con xóa nghèo. Tôi cũng kỳ vọng là không chỉ người Việt Nam biết đến sâm Bố Chính mà sẽ có những đơn đặt hàng từ nước ngoài đối với sản phẩm sâm Bố Chính của những người nông dân Việt Nam.

PV: Cảm ơn chị về những chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu