Phát huy vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc thông qua cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt giúp các thanh niên kiều bào có thêm cơ hội gặp gỡ, giao lưu, thu được những kiến thức hữu ích về tiếng Việt, giúp các em nâng cao trình độ tiếng Việt.

Trong khuôn khổ Trại hè Việt Nam năm nay, lần đầu tiên, Cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt được tổ chức dành cho các đại biểu thanh niên, sinh viên kiều bào. Đây là cơ hội để thế hệ trẻ kiều bào chia sẻ những hiểu biết về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam và đất nước các em đang sinh sống; những kỷ niệm về cuộc sống, học tập; sự trải nghiệm và tình cảm  đối với Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thuận, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin – Văn hoá, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Trại hè Việt Nam 2022, thông tin về ý nghĩa của cuộc thi “Kể chuyện tiếng Việt”.

Phát huy vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc thông qua cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt - ảnh 1Bà Nguyễn Thị Thuận, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin – Văn hoá, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 

Phóng viên: Thưa bà, đây là lần đầu tiên cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt được tổ chức trong khuôn khổ Trại hè Việt Nam 2022. Lí do ban tổ chức quyết định cùng các đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi “Kể chuyện tiếng Việt” này là gì?

Bà Nguyễn Thị Thuận: Bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ, là sức mạnh, là tài sản “vô hình” của mỗi quốc gia. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc và ngôn ngữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là với thế hệ trẻ kiều bào.

Ngôn ngữ là sợi dây kết nối thế hệ này với thế hệ khác, gắn kết người Việt Nam ở nước ngoài với cội nguồn dân tộc. Tôn vinh tiếng Việt là việc làm cần thiết để gìn giữ và phát huy ngôn ngữ dân tộc nói chung.

Đối với cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, nhất là tiếng Việt luôn mang một ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vì đây là động lực, sợi dây gắn kết trong cộng đồng cũng như với quê hương, đất nước.

Bà con ta ở nước ngoài luôn nỗ lực gìn giữ tiếng Việt, nhất là trong thế hệ thứ hai, thứ ba, thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là cách để giữ gìn truyền thống gia đình, gắn kết với quê hương, đất nước. Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng Việt ở trong cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, một số bạn trẻ không thường xuyên sử dụng tiếng Việt nên khả năng tiếng Việt còn hạn chế.

Phát huy vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc thông qua cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt - ảnh 2Các thí sinh đoạt giải của cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt chụp ảnh cùng Ban Giám khảo.

Năm nay, Trại hè Việt Nam tổ chức cuộc thi “Kể chuyện tiếng Việt” nhằm khuyến khích các em sử dụng tiếng Việt, tìm hiểu về vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc để thêm yêu và tự hào về tiếng Việt, cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ kiều bào trong gìn giữ tiếng Việt, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về các bạn trẻ kiều bào thi “Kể chuyện tiếng Việt” năm nay? Việc nhiều bạn trẻ tham gia thi “Kể chuyện tiếng Việt” có thể cho thấy việc học tiếng Việt đang ngày càng được cộng đồng bà con ta quan tâm, chú trọng?

Bà Nguyễn Thị Thuận: Các bạn trẻ tham gia cuộc thi “Kể chuyện tiếng Việt” năm nay đều có những bài thi chất lượng, thể hiện sự đầu tư nghiêm túc và nỗ lực lớn trong suốt quá trình chuẩn bị và thể hiện trên sân khấu. Chủ đề dự thi của các em đa dạng, từ kể các câu chuyện sự tích của Việt Nam, cho đến những cảm xúc, tình cảm của các em dành cho quê hương, đất nước.

Cuộc thi này đã giúp các em có thêm cơ hội gặp gỡ, giao lưu, thu được những kiến thức hữu ích về tiếng Việt, giúp các em nâng cao trình độ tiếng Việt. Khi trở về địa bàn nơi mình sinh sống, chúng tôi mong các em phát huy và lan tỏa tình yêu tiếng Việt, lòng tự hào về ngôn ngữ chưa bao giờ mất đi của dân tộc Việt Nam.

Phát huy vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc thông qua cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt - ảnh 3Quang cảnh cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo tôi, sự quan  tâm, hưởng ứng của các bạn thí sinh và sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn khán giả trong cuộc thi thể hiện rằng việc học tiếng Việt đang ngày càng được quan tâm, chú trọng trong cộng đồng.

Tôi cũng hy vọng, các em sẽ truyền cảm hứng, niềm đam mê học tiếng Việt cho các thế hệ kiều bào, đặc biệt là các em nhỏ. Các em hãy coi đó là một nhiệm vụ quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, góp phần giữ gìn tiếng nói của tổ tiên mình nơi bốn biển năm châu.

Phát huy vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc thông qua cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt - ảnh 4Bà Nguyễn Thị Thuận chụp ảnh cùng Phan Thị Ngọc Ánh, kiều bào Ucraina (thứ hai từ trái sang), giải Nhất và Đào Vân Anh, kiều bào Liên bang Nga, Đào Đặng Mỹ Duyên thuộc Trung tâm bảo trợ trẻ em FHF, Huế, đạt giải nhì.

Phóng viên: Bà đánh giá tầm quan trọng của việc rèn luyện tiếng Việt cho các bạn trẻ kiều bào qua chuyến đi trại hè kéo dài hai tuần như thế này?

Bà Nguyễn Thị Thuận: Trong suốt chuyến đi Trại hè kéo dài hai tuần, các đại biểu đến từ nhiều quốc gia khác nhau, sử dụng những ngôn ngữ sở tại khác nhau. Do đó, để kết nối, giao lưu, các đại biểu bắt buộc phải sử dụng tiếng Việt - như một mẫu số chung - trong suốt chặng đường này.

Ban Tổ chức cũng khuyến khích các bạn giao lưu với nhau bằng tiếng Việt thông qua các hoạt động cụ thể như tham gia cuộc thi kể chuyện tiếng Việt, tham gia phát biểu cảm nghĩ trong các hoạt động của Đoàn cũng như tham gia trả lời phỏng vấn báo chí bằng tiếng Việt. Chúng tôi cho rằng đây là cách thiết thực, hiệu quả để các em rèn luyện tiếng Việt. Thực tế, nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng Trại hè Việt Nam thực sự là một cơ hội để các bạn trau dồi năng lực tiếng Việt của mình, do trong cuộc sống hàng ngày, các em chỉ thỉnh thoảng nói tiếng Việt với bố mẹ hoặc người thân trong gia đình.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu