Nhiều triển vọng khả quan cho nguồn vắc-xin về Việt Nam từ nay đến cuối năm

Phương Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Triển vọng các nguồn vắc-xin về Việt Nam từ nay đến cuối năm là khả quan, hướng đến mục tiêu sớm bao phủ vắc-xin cho phần lớn dân số, tạo điều kiện cho quá trình mở cửa cho nền kinh tế”.

“ Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ - Tổ phó Tổ công tác Chính phủ về ngoại giao vắc-xin trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây về các nỗ lực và thành quả của Việt Nam trong công tác ngoại giao vắc-xin thời gian qua.

 Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:   

 PV: Thưa Thứ trưởng, trước tình hình khan hiếm vắc-xin ngừa COVID-19, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin đã được thành lập nhằm đẩy mạnh hơn nữa mũi nhọn ngoại giao vắc-xin. Vậy Tổ công tác đã tạo được những chuyển biến gì đối với ngoại giao vắc-xin của chúng ta, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Việc thành lập Tổ công tác vắc-xin của Chính phủ là một quyết định hết sức kịp thời và hết sức quan trọng của Chính phủ. Đây cũng là một kết quả cụ thể để triển khai chiến lược vắc-xin đã được hình thành từ trước của Chính phủ và thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc tiếp cận nguồn vắc-xin nhanh nhất, sớm nhất cho nhân dân. Từ khi thành lập, thực hiện chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác ngoại giao vắc-xin của Chính phủ đã triển khai rất tích cực, không quản ngày đêm chuẩn bị công việc và tổ chức các hoạt động của Tổ một cách hết sức kỹ lưỡng trên tất cả các khâu.

Nhiều triển vọng khả quan cho nguồn vắc-xin về Việt Nam từ nay đến cuối năm - ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. - Ảnh: VOV

Đến nay, có thể nói hoạt động của Tổ công tác đã tạo ra sự chuyển biến rất quan trọng và rất có ý nghĩa. Trong đó có 2 chuyển biến rất quan trọng: Thứ nhất, chúng ta thấy sự phối hợp hết sức bài bản, nhuần nhuyễn và hiệu quả của tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cao trong việc triển khai công tác ngoại giao vắc-xin với các hình thức khác nhau.

Thứ hai, từ khi hoạt động của Tổ công tác ngoại giao vắc-xin diễn ra, số lượng và tốc độ vắc-xin về Việt Nam cũng ngày càng nhiều hơn. Nếu như tháng 8 chúng ta có khoảng 13 triệu liều vắc-xin, đến hết tháng 9, chúng ta có khoảng trên 50 triệu liều vắc-xin. Đến hết tháng 10, triển vọng chúng ta có thể tiếp cận được nguồn vắc-xin đủ để có thể bao phủ phần lớn dân số Việt Nam, tạo điều kiện cho quá trình mở cửa nền kinh tế ngày càng rõ ràng.

PV:  Như vậy, hoạt động ngoại giao vắc-xin đã có những kết quả nổi bật như Thứ trưởng vừa chia sẻ. Nhìn lại thời gian qua, chúng ta đã gặp những khó khăn và thuận lợi gì khi triển khai chiến lược ngoại giao vắc-xin, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: "Đúng là bài toán về bảo đảm nguồn vắc-xin cho người dân nhiều nhất, nhanh nhất là một bài toán không dễ, đặc biệt là với dân số 100 triệu dân. Đây là bài toán rất khó đối với Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta cũng có những khó khăn và thuận lợi nhất định trong việc triển khai công các ngoại giao vắc-xin. Trong đó, khó khăn lớn nhất đó là việc khan hiếm nguồn vắc-xin trên toàn cầu không chỉ đối với nhiều nước mà còn đối với Việt Nam. Đặc biệt, với biến chủng Delta lây lan rất nhanh với mức độ nguy hiểm rất lớn, áp lực tiếp cận vắc-xin là đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Chính vì thế, thực sự đây như 1 cuộc đua để tiếp cận vắc-xin giữa các nước với nhau. Đấy là chưa kể những vấn đề như bảo đảm công bằng trong tiếp cận vắc-xin.

Tuy nhiên, cũng phải nói chúng ta cũng có những cái lợi thế nhất định trong triển khai công tác ngoại giao vắc-xin. Trong đó tôi cho rằng có 5 lợi thế lớn nhất. Thứ nhất, có thể nói uy tín và vị thế quốc tế chúng ta rất tốt trong những năm qua. Thứ hai, chúng ta có rất nhiều các mạng lưới các bạn bè, các đối tác quốc tế hết sức ủng hộ Việt Nam. Thứ ba, có thể thấy rằng tầm quan trọng của nền kinh tế Việt Nam cũng rất quan trọng trong chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất toàn cầu. Các đối tác quốc tế cũng muốn hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong tiếp cận vắc-xin, để bảo đảm chỗi cung ứng ở Việt Nam không bị đứt gãy, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Điểm thứ tư, chúng ta có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn và luôn luôn hướng về đất nước. Họ cũng là nguồn hỗ trợ rất tốt cho nhân dân trong việc tiếp cận vắc-xin cũng như thuốc điều trị và các trang thiết bị y tế. Và điểm thứ 5, tôi nghĩ cũng là một lợi thế rất lớn, bởi vì trong giai đoạn đầu dịch bùng phát, chúng ta cũng có rất nhiều hỗ trợ các nước về khẩu trang, trang thiết bị y tế... Vì vậy, rất nhiều nước cũng đã hỗ trợ chúng ta lại về vắc-xin, về trang thiết bị y tế.

PV: Vậy từ nay đến cuối năm, triển vọng công tác ngoại giao vắc-xin của Việt Nam sẽ như thế nào thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: "Nếu như các đối tác thực hiện đúng cam kết, tôi tin tưởng rằng từ nay đến cuối năm, đặc biệt là đến tháng 10, lượng vắc-xin về Việt Nam là khá khả quan. Về trọng tâm công tác về ngoại giao vắc-xin trong thời gian tới tập trung vào 3 trọng tâm chính. Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là thúc đẩy việc triển khai các hiệp định mua vắc-xin mà Chính phủ và Bộ Y tế đã ký kết với các đối tác.

Thứ hai, chúng ta tiếp tục thúc đẩy hợp tác với đối tác tiềm năng trong việc tiếp cận các nguồn vắc-xin mới để phục vụ việc tiêm chủng cho năm 2022 và những năm tiếp theo. Trong đó, chúng tôi rất chú trọng đến việc tìm các hãng để có thể cung cấp vắc-xin cho trẻ em. Đặc biệt là chuẩn bị cho việc tiêm mũi thứ ba. Rất nhiều nước đã bắt đầu tiêm mũi thứ ba để bổ sung cho hiệu lực của vắc-xin. Điểm thứ ba, chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy khả năng và hiện thực hóa các khả năng về hợp tác chuyển giao công nghệ để có thể sản xuất vắc-xin ở trong nước, để phục vụ cho việc tự chủ vắc-xin về lâu dài của đất nước. Ngoại giao vắc-xin đã áp dụng nghệ thuật của những khả năng, nghệ thuật của những điều không thể thành có thể để có thể mang về nhiều vắc-xin cho nhân dân.

PV: Cám ơn Thứ trưởng !

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu