Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet: Chùa Việt Nam - nét đẹp của di sản văn hóa.

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Qua triển lãm này, tôi muốn giới thiệu vẻ đẹp của những ngôi chùa đồng thời mong muốn tất cả những ai yêu văn hóa Việt có thể nhận thức được rằng đền chùa Việt Nam là một phần di sản văn hoá của quốc gia. 

Nicolas Cornet là phóng viên và nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp người Pháp. Thường xuyên tới Việt Nam trong 30 năm qua, nên ông khá am hiểu về lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của đất nước Việt Nam. Từ 3 năm nay, Nicolas Cornet rong ruổi trên khắp những nẻo đường từ Bắc chí Nam, thăm thú biết bao ngôi chùa. Và, để khép lại hành trình khám phá đó, ông cho ra mắt một triển lãm ảnh cùng cuốn sách ảnh 250 trang, chắt lọc những phần ấn tượng nhất trong kiến trúc, cuộc sống bình dị ở chốn đình chùa ấy. PV Đài TNVN phỏng vấn nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet về triển lãm ảnh “Chùa Việt Nam” đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp ( L'espace) ở Hà Nội:

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet: Chùa Việt Nam - nét đẹp của di sản văn hóa. - ảnh 1Nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet 

PV: Xin chào nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet!. Xin ông cho biết từ bao giờ ông quan tâm và quyết định làm dự án về ảnh đền chùa Việt Nam.?

Tôi thường xuyên đến Việt Nam từ cách đây 30 năm. Ấn tượng đầu tiên là những ngôi chùa ở Hà Nôi và kể từ đó tôi thích quan tâm đến chủ đề này. Tuy nhiên, chỉ 3 năm trở lại đây, tôi mới có thời gian và tập trung công sức cho dự án ảnh về chùa Việt Nam. Có 2 lý do chính dẫn dắt tôi quyêt định thực hiện dự án này. Thứ nhất đó là tôi nghĩ đây sẽ là chuyến du ngoạn rất thú vị khắp Việt Nam bởi các ngôi chùa thường nằm ở những địa điểm rất đẹp. Thứ 2 là khía cạnh bảo tồn di sản văn hóa. Sau khi đến thăm chùa Phật Tích ở Bắc Giang, tôi thấy ngôi chùa đáng ra được trùng tu thì lại bị dập đi xây mới, nên tôi nghĩ phải làm điều gì đó để thống kê những ngôi chùa cổ mà Việt Nam đang có ở khắp 3 miền Bắc Trung Nam. Bởi vì trong tương lai những di sản đó rất có thể bị thay đổi hoặc mất đi. Và tôi nghĩ, làm một ký sự ảnh sẽ là cách rất hay để lưu giữ những giá trị mang tính lịch sử của Việt Nam để sau này truyền lại cho thế hệ con cháu.

Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet: Chùa Việt Nam - nét đẹp của di sản văn hóa. - ảnh 2Một tác phẩm nghệ thuật  của Nicolas Cornet.

PV: Ông có thể giới thiệu đôi nét về triển lãm và cuốn sách về "Chùa Việt Nam"?.

Triển lãm trưng bày khoảng 30 bức ảnh, trong khi cuốn sách ảnh mang tên "Vietnam Pagodas - Legacy of faith” gồm hơn 250 bức ảnh giới thiệu cuộc sống hàng ngày ở những ngôi đình - chùa trên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Thông qua những bức ảnh đó, chúng tôi muốn giới thiệu một cách khái quát toàn cảnh nền Phật giáo Việt Nam, một cách khái quát và chân thực nhất. Và đây cũng là dip để những người ở miền Bắc, miền Nam hay miền Trung hiểu biết về các ngôi đình đền, chùa của ở mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S-Việt Nam. Ngoài ra, triển lãm sẽ giúp kích thích trí tò mò của người xem, nhất là du khách nước ngoài mong muốn được khám phá những ngôi chùa và cuộc sống thanh bình ở các làng quê Việt Nam. 

Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet: Chùa Việt Nam - nét đẹp của di sản văn hóa. - ảnh 3Hơn 250 bức ảnh của Cornet ghi lại cuộc sống trong chùa và... 

 PV: Trong khi tìm hiểu và ghi lại những hình ảnh, ông ấn tượng nhất điều gì về cuộc sống ở các ngôi chùa, thưa ông?

Điều tôi ấn tượng là vào những ngày lễ tết, ngày rằm hay mùng một. Khác với sự tĩnh lặng của ngày thường thì vào thời điểm đó ở những ngôi chùa ngôi, đền thường rất rộn ràng với rât nhiều người đến thăm thú, cầu nguyện, cúng dường. Mọi người gần như chiếm chọn không gian ngôi chùa. Tôi thật sự ấn tượng về khung cảnh đó.

Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet: Chùa Việt Nam - nét đẹp của di sản văn hóa. - ảnh 4..thói quen đi lễ chùa của người Việt. 

PV: Qua những chuyến đi như vậy, ông cảm nhận như thế nào về sự gắn kết về tinh thần giữa các ngôi chùa với đời sống của người Việt Nam?.

Đền chùa là nơi thờ cúng, nơi thể hiện đời sống tâm linh của người Việt Nam. Đối với tôi, đền chùa ở mỗi vùng miền khác nhau. Tôi cũng có có nhiều thời gian đàm đạo các vị sư thầy, các thầy tu nên tôi được biết thêm đời sống tâm linh và có những cảm nhận sâu sắc hơn. Tôi cũng quan tâm đến khía cạnh kiến trúc nhưng ở góc độ chuyên môn tôi chụp ảnh về những ngôi chùa, qua đó lột tả được đời sống xã hội và văn hóa trong những ngôi chùa đó.

Với người Việt, Chùa là nơi tôn nghiêm để thờ cúng, để hội họp, gặp gỡ nên có vị trí quan trọng rất lớn trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Những ngôi chùa ở miền Bắc thường sử dụng vật liệu bằng gỗ, kín đáo và trầm lặng hơn so với nơi khác. Ở Huế, tôi nhận thấy khía cạnh phong thủy, có rất nhiều cây xanh bao quanh, giếng nước, núi non hài hòa với thiên nhiên. Tôi cũng nhận thấy ở các ngôi chùa ở miền Bắc, người ta còn thờ các vị thần, vị vua, bà chúa, các anh hùng. Trước đó khi nói đến chùa tôi nghĩ ở đó họ chỉ thờ Phật.

PV: Ông có cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay thì việc bào tồn những ngôi chùa cổ càng có ý nghĩa quan trọng trong gìn giữ bản sắc riêng của một đất nước không?.

Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet: Chùa Việt Nam - nét đẹp của di sản văn hóa. - ảnh 5Khi xem ảnh, mọi người đều cảm nhận sự bình an và vẻ đẹp của tính thiện trong ký sự ảnh về đền chùa của Nicolas Cornet.  

Đúng là trước áp lực của quá trình đô thị hóa, các ngôi chùa cũng chịu không ít bị ảnh hưởng. Vì thế thông qua triển lãm này, tôi muốn giới thiệu những vẻ đẹp của những ngôi chùa đồng thời mong muốn người Việt cũng như tất cả những ai yêu văn hóa Việt có thể nhận thức được rằng đền chùa Việt Nam là một phần di sản văn hoá quốc gia. Với nhận thức đó sẽ dẫn đến việc áp dụng khoa học và sử dụng kiến thức của cộng đồng, chuyên môn quốc tế vào việc bảo tồn các di sản này.

PV: Trong thời gian tới ông có dự án tiếp theo ở Việt Nam không ah?

Sau triển lãm ảnh này và cuốn sách thứ 5 viết về Việt Nam, tôi định làm cuốn sách về ẩm thực Việt Nam không chỉ giới thiệu những món ăn, đặc sản các vùng miền mà tôi muốn nhấn mạnh đến các mối quan hệ xã hội của người Việt Nam trong văn hóa ẩm thực. Dự án tiếp theo tiếp tục mở workshop về nhiếp ảnh cho các bạn trẻ vì Việt Nam chưa có trường nhiếp ảnh. Ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tôi đã làm dự án mang tên "I love my city". Thông qua những dự án này tôi muốn truyền dạy kiến thức tôi có được cho giới trẻ và rất mong muốn một dịp nào đó sẽ tổ chức một festival nhiếp ảnh ở Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn và chúc ông thành công với những dự án ở Việt Nam của mình. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu