“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử”

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) -Việc thành lập Bảo tàng lịch sử các chiến sĩ bị địch bắt tù đày, chúng tôicoi đó là một nén hương thơm để tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh trong các nhà tù của địch ở thế kỷ 20.

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội với hơn 4.000 hiện vật, di vật, hình ảnh đang được lưu trữ, trưng bày nhằm tái hiện lại một thời những chiến sĩ cách mạng trong cả nước phải sống nơi “địa ngục trần gian” ở nhà tù Phú Quốc (Côn Đảo). Nơi đây được xem là “địa chỉ đỏ” để các thế hệ đến tham quan, tìm hiểu và cùng nhau ôn lại một thời hào hùng của dân tộc. Nhân dịp đến thăm bảo tàng, PV Đài TNVN trò chuyện với cựu chiến binh Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng, nghe người cựu binh già này kể về đồng đội và sự tri ân với những anh hùng ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.

“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 1Bảo tàng có diện tích hơn 2000 mét vuông-Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên được nhà nước công nhận, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách. - Ảnh Hà Linh 

Nghe âm thanh chương trình:

PV: Bác có thể kể đôi chút về những năm tháng quân ngũ, đặc biệt là quãng thời gian bác bị tù đày ở nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo? 

Năm 1965, tôi được đứng trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Viêt Nam và tham gia chiến đấu chiến trường miền Đông Nam Bộ, đơn vị C16 trung đoàn 1 sư 9. Bản thân tôi tham gia chiến đấu tại nhiều trận chiến đến năm 1968, rồi đợt 2 đánh vào nội đô Sài Gòn. Trong một trận đánh, do bị đa chấn thương nặng tôi bị sa vào tay giặc và bị đưa về trại giam Biên Hòa. Cuối năm 1970, tôi bị đày ra đảo Phú Quốc. Hơn 3 năm ở đó, mặc dù phải hứng chịu bao trận tra tấn cực hình dã man, tàn bạo nhưng tôi và các đồng chí cách mạng vẫn giữ được sự kiên trung với Đảng, với Quân đội. Nhờ tình đồng chí anh em mà tôi vươt qua được bao nhiều lần cận kề cái chết. Tháng 2 năm 1973, sau khi hiệp định Paris ký kết tôi được trở về với Đảng và với Quân đội tại bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị).

“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 2Bác Lâm Văn Bảng, cựu tù chính trị Phú Quốc (Côn Đảo) - Giám đốc Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch tù đày ở Phú Xuyên- Hà Nội

PV: Bác có thể kể thêm về thời gian Bác cùng các cựu tù nhân chính trị phải sống nơi địa ngục trần gian đó?

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi chứng kiến không biết bao lần đồng đội hi sinh và sau đó tôi được giao làm công tác về tử sĩ. Khi ở tù, tôi tận mắt nhìn thấy đủ mọi hình thức tra tấn dã man như thời Trung Cổ đối với những chiến sĩ cách mạng bị bắt. Trong đó, tôi không thể quên một đồng đội cùng quê Phú Xuyên với tôi. Đó là anh Dương Bá Ngải, Bí thư chi bộ. Chúng lôi ra nhà điều hành bắt đồng chí khai ra các Đảng viên, cán bộ nhưng đồng chí vẫn hô "đả đảo đế quốc".

Trước khi ra đi, sau nhiều lần chết đi sống lại vì bị hành hình, anh dặn lại chúng tôi “Nếu đồng chí nào còn sống hãy về báo cáo với Đảng là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một người Đảng viên, về nói với vợ con tôi là người chồng chung thủy, người cha mẫu mực. Dù có gian nan vất vả nhưng các đồng chí hãy đoàn kết nhau, giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng. Những lời trăng trối của các anh đã thấm sâu vào trái tim, in hằn trong khối óc của tôi. Tôi thầm hứa nếu còn sống trở về sẽ báo cáo với Đảng, với Quân đội, với Nhân dân những người chiến sĩ cách mạng ấy dù bị tra tấn về tinh thần và thể xác nhưng họ vẫn kiên trung, bất khuất, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và tin vào ngày toàn thắng. 

“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 3 Mô phỏng hình ảnh cảnh tra tấn, hành hình tại trại giam Phú Quốc

PV: Những điều đó đã thôi thúc bác cùng các cựu chiến binh khác khi trở về phải làm gì đó để nhắc nhớ và tri ân đồng đội đã hi sinh phải không, thưa bác?

Đúng vây, tất cả những hình ảnh của đồng đội trước lúc ra đi khi ở khám Chí Hòa. Những tiếng kêu vô thức của những người sắp ra đi cứ văng vẳng bên tai. Rồi,tại nhà tù Phú Quốc,những lần bị bỏ đói, chúng tôi chia nhau từng hạt muối, cọng rau, ngụm cháo loãng, xoa dịu vết thương cho nhau. Tất cả hình ảnh đó mãi in hằn trong tôi, đặc biệt những lúc trái gió trở trời bệnh cũ tái phát. Nó càng ngày thôi thúc tôi phải đi tìm hình bóng đồng đội, thông qua sưu tầm kỷ vật xưa.

Với tôi, làm điều này thứ nhất là để nhắc nhở bản thân chúng tôi không được quên đồng đội đã ngã xuống cho mình được sống và trở về. Thứ 2 là cho mọi người thấy được sự tra tấn vô cùng tàn bạo trong nhà tù. Đồng thời đây sẽ là pho tư liệu sống giúp giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Việc thành lập Bảo tàng lịch sử các chiến sĩ bị địch bắt tù đày, chúng tôicoi đó là một nén hương thơm để tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh trong các nhà tù của địch ở thế kỷ 20. Không biết bao năm tháng, chúng tôi rong ruổi khắp các vùng miền tới các nghĩa trang để rước đất chân hương đưa về đây thờ những anh hùng liệt sĩ. Tôi nghĩ, đây cũng là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn mà cả cả tập thể các cựu binh chúng tôi đang thực hiện.

“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 4 Bảo tàng là "địa chỉ đỏ" tri ân những người con đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc- Ảnh Hà Linh

PV: Thưa bác, xin bác cho biết thêm về quá trình sưu tập kỷ vật và thành lập Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày?

Bản thân tôi là thương binh 1/4, sức khỏe gặp nhiều khó khăn, kinh tế cũng không dư dả lắm. Đi sưu tầm kỷ vật cũng khó và gìn giữ càng khó khăn. Từ năm 1985, với phương châm 4 tự: Tự nguyện- tự túc- tự quản-tự chịu trách nhiệm, chúng tôi đi khắp vùng miền sưu tầm hình ảnh tư liệu, kỷ vật. Khi có hiện vật rồi lại không có nơi trưng bày buộc tôi phải vận động vợ con ra sống ở tập thể, để nhường lại hơn 2000m2 làm công tác tri ân, trưng bày hiện vật. Một việc làm nói thế thôi nhưng là một quá trình vô cùng khó khăn. Vượt qua tất cả tôi vẫn quyết làm công việc nghĩa tình đồng đội này. Chúng tôi ở đây hiện có 16 cựu chiến binh, đều là những người từng bị tù đày khổ sai.

Bao nhiêu năm rồi trời nắng cũng như trời mưa, ốm đau vẫn đạp xe hàng chục cây số đến đây làm việc, cùng nhau ăn bữa trưa tự nấu. Anh em đến giờvẫn góp từng bát gạo, chai tương, hàng ngày làm việc để có cơ ngơi như hôm nay. Tất cả tự nguyện không có một đồng chế độ nào. Đó là công sức của cả một tập thể các anh em, chứ không phải riêng tôi. Ngoài các cựu chiến binh, chúng tôi còn có đội tình nguyện viên tiếp lửa truyền thống, làm công tác hậu cần, đón tiếp khách, biểu diễn văn nghệ. Chúng tôi cũng được sự hỗ trợ của Ban liên lạc chiến sĩ CM toàn quốc và chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để lập nên Bảo tàng này.

“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 5Từ năm 1985, bác Bảng cùng đồng đội rong ruổi khắp mọi miền đất nước để sưu tầm những hiện vật của các chiến sĩ- Ảnh Hà Linh 

PV: Thường thì các Bác hay đón những đoàn khách nào thăm bảo tàng và cảm nhận của họ là như thế nào?

Bảo tàng của chúng tôi tiếp đón nhiều đoàn khách quốc tế trong nước và quốc tế. Đặc biệt có đoàn của giáo sư sử học người Mỹ Đavid Stick. Sau khi tham quan họ kinh ngạc thốt lên về sự tàn bạo của các hình thức tra tấn...Vị giáo sư này cho biết khi về Mỹ sẽ kể cho các sinh viên thêm về sự tàn khốc của chiến tranh tại Việt Nam.  Rồi còn có nhiều đoàn khác quốc tế đến từ Malaixia, Philipin, Lào, Pháp, Nga, Trung Quốc rồi những đoàn Việt kiều nữa... Họ đến thăm, đều bày tỏ xúc động, khâm phục, trân trọng tinh thần kiên cường, của thế hệ cha ông. Họ cảm ơn chúng tôi đã giữ lại một phần quá khứ để có thể trở về, kể lại cho con cháu về truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Tôi nhớ, có một vị khách nước ngoài tha thiết muốn mua một lá cờ Đảng với một giá rất cao. Chúng tôi trả lời Không. Bởi lá cờ Đảng là linh hồn, là lý tưởng của chúng tôi nên dù giá cao thế nào không bao giờ bán. Tôi nghĩ, có thể họ muốn mua để sưu tầm nhưng cũng có thể họ muốn thử thách chúng tôi một lần nữa.Tất cả những hiện vật ở đây còn ẩn hiện đâu đó xương máu, linh hồn đồng đội chúng tôi. Cho nên chúng tôi phải trân trọng và gin giữ để làm những tư liệu giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, thấy được công lao trời biển của Đảng, của Bác Hồ, của các lớp người đi trước đã đổ xương máu để giữ gìn mảnh đất Việt Nam, cho chúng ta có cuộc sống hôm nay.

“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 6Bảo tàng có nơi thờ Hồ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và hương linh các anh hùng liệt sĩ- Ảnh Hà Linh 

PV: Trải qua những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, hơn ai hết Bác và những đồng đội của mình hiểu được giá trị của độc lập tự do,của hòa bình. Qua sóng Đài TNVN, Bác muốn gửi đến thông điệp gì đến thế trẻ ngày nay?

Chúng tôi là những người cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, từng bị tù đày, bị hành hạ về thể xác, tinh thần. Chúng tôi cảm thấy độc lập tự do giá trị biết nhường nào. May mắn được trở về được sống, được thấy đất nước bình yên, chúng tôi càng trân trọng giá trị đó. Thế nhưng, nói như thế là không được chủ quan mà mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng. Nếu tuổi trẻ hôm nay không thấy được sự hi sinh thế hệ cha ông, thiếu lòng yêu nước thì nguy cơ mất nước sẽ đến. Không có kẻ thù này thì có kẻ thù kia xuất hiện và khi có kẻ thù xuất hiện thì nhà tù khổ sai lại mọc lên. Vì vậy giáo dục truyền thống cách mang là trách nhiệm của toàn Đảng toàn dân trong đó một phần trách nhiệm là của những người cựu chiến binh nhưchúng tôi.

Vâng, Xin trân trọng cảm ơn và chúc Bác sức khỏe.

Một số hình ảnh trong khuôn viên Bảo tàng.

“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 7 Tinh thần kiên cường bất khuất của chiến sĩ cách mạng Việt Nam- Tất cả cho Tổ quốc quyết sinh- Ảnh Hà Linh 
“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 8 Bàn chông của du kích Khu Cháy
“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 9 Phòng truyền thống Anh Bộ đội Cụ Hồ
“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 10 Bản đồ Phú Quốc và sơ đồ trại giam tù binh 1967-1973
“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 11 Kỳ vật chiến sĩ
“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 12 Giáo sư David Stick người Mỹ đến thăm bảo tàng,viết lưu bút.
“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 13Bảo tàng còn là địa chỉ để các Đảng viên học nghị quyết, tìm hiểu truyền thống cách mạng VN
“Luôn trong trái tim tôi là hình bóng đồng đội-những tượng đài bất tử” - ảnh 14Bác Lâm văn Bảng mong muốn thế hệ trẻ cần biết về lịch sử về truyền thống cách mạng, hiểu được giá trị của tự do, hòa bình để sống có trách nhiệm hơn với gia đình, xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu