Liên hoan nghệ thuật toàn thế giới "Tôi yêu tiếng nước tôi" góp phần bảo tồn văn hóa Việt

Hồng Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Liên hoan nghệ thuật Tôi yêu tiếng nước tôi được tổ chức với mục đích góp phần bảo tồn ngôn ngữ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các thế hệ người Việt Nam trên toàn thế giới.

Lần đầu tiên một cuộc thi âm nhạc được tổ chức với tên gọi Tôi yêu tiếng nước tôi – nơi quy tụ những giọng hát hay của người Việt ở khắp các quốc gia trên toàn thế giới.

Được sự chỉ đạo của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, TGĐ Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, Liên hoan nghệ thuật Tôi yêu tiếng nước tôi được tổ chức với mục đích góp phần bảo tồn ngôn ngữ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các thế hệ người Việt Nam trên toàn thế giới. Cuộc thi còn là dịp quảng bá văn hóa Việt, nâng cao sự hiểu biết văn hóa cội nguồn và tình yêu quê hương, đất nước. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Phạm Gia Hậu, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật VN tại Cộng hòa Séc, Phó Ban tổ chức về Liên hoan nghệ thuật này.

Liên hoan nghệ thuật toàn thế giới "Tôi yêu tiếng nước tôi" góp phần bảo tồn văn hóa Việt - ảnh 1

Ông Phạm Gia Hậu

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa ông, được biết năm nay lần đầu tiên Liên hoan nghệ thuật Tôi yêu tiếng nước tôi được tổ chức, với đêm chung kết diễn ra tại CH Séc. Ông có thể cho biết về sự kiện nghệ thuật đặc biệt này?

Ông Phạm Gia Hậu: Liên ngoan nghệ thuật Tôi yêu tiếng nước tôi rất có ý nghĩa. Riêng cái tên gọi Tôi yêu tiếng nước tôi đã làm cho kiều bào toàn thế giới háo hức tham gia vào chương trình này. Hội Văn hóa nghệ thuật được sự bảo trợ của Trung ương Hội người VN, Liên hiệp hội người VN tại Châu Âu để tổ chức vòng chung kết liên hoan tiếng hát nghệ thuật toàn thế giới. Đây là chương trình có quy mô toàn cầu, hội tụ tại Cộng hòa Séc trong cuộc Chung kết tới đây.

PV: Hiện nay cả ở trong và ngoài nước có thể nói là có rất nhiều cuộc thi tìm kiếm giọng hát hay. Vậy theo ông điểm gì làm cho Liên hoan nghệ thuật Tôi yêu tiếng nước tôi có sự khác biệt so với các cuộc thi khác?

Ông Phạm Gia Hậu: Với ý nghĩa của chương trình, sự tài ba của những người tham gia tổ chức, Tổng đạo diễn Phan Huyền Thư, trên format của chương trình là những người tham gia sẽ hát 1 bài dân ca nguyên thể của Việt Nam. Điều này rất khác. Những cuộc thi mà tôi biết, hiện nay vẫn đang tìm tòi những tài năng để tham gia shobiz, nhưng với chương trình Tôi yêu tiếng nước tôi, thì tôi có thể khẳng định rằng đây là một chương trình nghệ thuật thực sự. Mọi người đại diện cho các quốc gia, cùng đến để gặp gỡ nhau, giao lưu với nhau để gắn kết hơn giữa kiều bào trên toàn thế giới. Họ hát bằng tiếng Việt, hát những bài dân ca nguyên thể của VN, để mọi người hiểu hơn, nhớ hơn các làn điệu dân ca nguyên thể của cả ba miền đất nước. Ngoài ra các giọng hát tham gia chương trình còn thể hiện những ca khúc hay về quê hương đất nước. Chương trình này để cho không những thế hệ người Việt đang sinh sống và làm việc trên toàn Châu Âu cũng như thế giới, các con cháu thế hệ thứ 2, thứ 3 cũng hiểu hơn về những bài hát và âm nhạc của VN.

PV: Các nghệ sỹ tham gia Festival lần này phần đông là những người đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Vậy có khó khăn gì không khi chúng ta đặt ra yêu cầu phải hát và hiểu sâu sắc về một làn điệu dân ca của dân tộc?

Ông Phạm Gia Hậu: Thực ra việc đưa những nghệ sĩ tham gia vòng Chung kết sẽ thể hiện một ca khúc dân ca nguyên thể của Việt Nam cũng là điều khó vì những nghệ sĩ đó không chỉ là những người nói sõi tiếng Việt, không chỉ là những người sinh ra ở VN, không chỉ bố mẹ là người Việt mà còn là những người có bố hoặc mẹ là người nước ngoài, những người sinh ra ở nước ngoài, và những người nói tiếng Việt không tốt dù hát rất hay. Còn việc đưa những ca khúc dân ca nguyên thể của VN để cho các nghệ sĩ biểu diễn, tôi nghĩ đây cũng là một thử thách. Một chương trình đương nhiên phải có tính giải trí, nhưng ý nghĩa phía sau cũng là điều chúng ta cần quan tâm.  

PV: Ngày 20/9 tới đây, Liên hoan nghệ thuật Tôi yêu tiếng nước tôi sẽ diễn ra tại CH Séc. Công việc chuẩn bị cho đến ngày hôm nay như thế nào?

Ông Phạm Gia Hậu: Tôi là Phó ban tổ chức chương trình trên toàn thế giới, Trưởng ban tổ chức khu vực Châu Âu, cũng là đơn vị sản xuất, thì công tác chuẩn bị tại Cộng hòa Séc đến nay đã sẵn sàng để đón những giọng hát hay trên toàn thế giới và tổ chức thành công chương trình này. Cộng đồng người VN tại CH Séc đã từng tổ chức rất nhiều chương trình lớn nhất nhì Châu Âu. Và chính vì vậy, việc tổ chức cuộc thi Tôi yêu tiếng nước tôi cũng nằm trong kế hoạch hoạt động của chúng tôi.

PV: Cảm ơn ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu