Giảm thiểu rác thải tại nguồn trước khi phân loại, xử lý.

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) -Mỗi nước cần phải có phương thức, chính sách làm sao xử lý được hiệu quả nhất nguồn rác thải ở nước mình trước đã.

Sự phát triển kinh tế tại các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... đang kéo theo xu hướng gia tăng khối lượng rác thải. Tại Hà Nội, các bãi rác đều quá hẹp trong khi hạ tầng xử lý còn gặp nhiều khó khăn.

Sau nghiên cứu tác động của rác thải đến môi trường năm 2016, cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam (PRX) đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội xác định một lĩnh vực quan trọng. Đó là giảm thiểu rác thải từ nguồn phù hợp với điều kiện đặc thù của Hà Nội. Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới 5/6, PV Đài TNVN phỏng vấn chị Marie Lan Nguyen Leroy, chuyên gia của tổ chức PRX tại Việt Nam.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Xin chào chị Marie Lan Nguyen Leroy!  Liên quan đến vấn đề quản lý và xử lý rác thải, chị và đồng nghiệp quan tâm đến khía cạnh nào nhất trong những nghiên cứu của mình?

Giảm thiểu rác thải tại nguồn trước khi phân loại, xử lý. - ảnh 1Chị Marie Lan Nguyen Leroy, chuyên gia về môi trường Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam (PRX- Việt Nam)

Lan Nguyen Leroy: Khi đề cập đến rác thác thì điều tôi quan tâm đầu tiên là làm sao giảm tới mức thấp nhất có thể lượng rác thải cần phải xử lý. Vấn đề này, tôi thấy ở Việt Nam chưa được quan tâm một cách thỏa đáng. Mặc dù đây là điều mà các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Thế giới thường xuyên lưu ý với Việt Nam. Đó là trước khi Việt Nam có đầy đủ công nghệ hiện đại xử lý được rác thải thì cần phải giảm số lượng chất thải phát sinh trước đã.

Trong một đất nước đang phát triển mạnh mẽ thì khối lượng rác thải tăng lên là điều hết sức bình thường. Nhưng trong bối cảnh đó, Việt Nam càng phải quan tâm đến việc làm sao có chính sách giảm thiểu khối lượng rác thải, tất nhiên là theo tỷ lệ của nó. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có được một giải pháp lâu dài, Bởi nếu không có sự thay đổi trong hành vi thì thật khó có được một chính sách xử lý rác thải hợp lý.

Giảm thiểu rác thải tại nguồn trước khi phân loại, xử lý. - ảnh 2Các chuyên gia Pháp tại một Hội thảo về môi trường diễn ra mới đây ở Đại sứ quán Pháp tại Hà Nọi - Ảnh Hà Linh

PV: Vâng, rõ ràng cần phải hạn chế đến mức thấp nhất lượng rác thải phải nhưng vấn đề không dễ làm được trong một sớm một chiều. Chị có cho rằng điều khó khăn nhất trong vấn đề xử lý rác thải hiện nay  tại Viêt Nam chính là việc phân loại rác thải tại nguồn?.

Lan Nguyen Leroy: Thực chất vấn đề xử lý rác thải tại nguồn muốn triển khai được thì nó cũng phải có cơ sở hạ tầng và cụ thể chúng ta cần phải có các thùng rác để phân các loại rác khác nhau rồi vận chuyển cũng phải có những hình thức như thế nào để tách biệt các loại rác thải mà chúng ta muốn phân loại tại nguồn như vậy. Tuy nhiên, ở Việt Nam tôi thấy một điều hết sức thú vị là trong cuộc sống thường ngày đã có một sự phân loại rác thải tại nguồn một cách tự nhiên. Chẳng hạn như ở các cửa ăn uống, khi bán bia xong người ta thu gom lon bia, chai nhựa lại. Đấy cũng là một hình thức phân loại tại nguồn. Hay tại khu nhà tôi ở luôn có những chị đồng nát chuyên thu thu gom lại tất cả các chai nhụa, vỏ bia, vỏ bìa giấy bỏ đi của khu dân cư. Rồi họ phân chia cụ thể những loại nào có thể tái chế được để đem bán. Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam đang có một cách phân loại rác thải tại nguồn khá đặc biệt và thú vị.

Giảm thiểu rác thải tại nguồn trước khi phân loại, xử lý. - ảnh 3Mỗi ngày người dân Hà Nội thải ra một lượng lớn rác khổng lồ.  

PV: Thưa chị, những nghiên cứu của PRX về xử lý rác thải từng được triển khai tại Pháp, có phù hợp khi được áp dụng ở Việt Nam không ?

Lan Nguyen Leroy: Chúng tôi đã có những dự án triển khai tại Paris về việc là làm sao giảm thiểu khối lượng rác thải. Quả thực là chúng ta đã có những nghiên cứu và điều quan trọng là phải đưa ra các con số và những số liệu đó nói lên điều gì. Tuy nhiên, ở Việt Nam điều quan trọng chính là phải thích ứng như thế nào những nghiên cứu của chúng tôi với điều kiện tại Việt Nam. Bởi vì không có ý nghĩa gì khi chúng ta bê nguyên một mô hình nghiên cứu của nước ngoài vào áp dụng tại Việt Nam, mà phải điều chỉnh để làm sao cho thích ứng với những đặc thù của nước đó.

Khi muốn hướng đến việc giảm thiểu rác thải, chúng ta phải xem kỹ số liệu nghiên cứu thu được, xác định những loại chất thải gì cần phải tập trung xử lý đầu tiên. Rồi muốn xử lý để giảm thiểu chất thải đó cần phải có những công cụ,  đòn bẩy như thế nào để đạt hiệu quả nhất và dĩ nhiên để làm được phải có các nghiên cứu, đưa ra những con số mang tính lập luận.

Ngoài dự án giảm thiểu rác thải, PRX chúng tôi đang nghiên cứu một số các dự án khác, chẳng hạn như đề án về sản xuất phân vi sinh từ rác thải. Việc hình thành sản xuất phân vi sinh có thể thực hiện được ở 1 khu chung cư, nhưng cũng có thể triển khai ở cấp độ hộ gia đình. Phân vi sinh sau đó được trồng rau theo hình thức cá thể, rồi khi đó chúng ta sẽ không phải sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật có hại. Đó cũng là hướng đi để bảo vệ môi trường.

Giảm thiểu rác thải tại nguồn trước khi phân loại, xử lý. - ảnh 4Triển lãm "Những không gian đồng nát năng động tại Hà Nội". Sự kiện do các tổ chức về môi trường của Pháp tại Việt Nam phối hợp với các đối tác Việt Nam thực hiện.

PV: Chị nghĩ sao khi nói rác thải cũng có thể là một nguồn tài nguyên?

Lan Nguyen Leroy: Khi nói rằng rác thải cũng là một nguồn tài nguyên là chúng ta muốn nhấn mạnh nếu chúng ta biết khai thác thì rác thải cũng có thể tái chế và sử dụng được. Ví dụ: như rác thải hữu cơ có thể biến thành phân vi sinh hoặc làm ra điện.

Nếu chúng ta không ý thức được thì rác thải trở thành tác nhân gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu biết cách thì rác thải lại trở thành những sản phẩm hữu ích. Như vậy, khi nói rác là tài nguyên là nói đến ý thức của chúng ta trong việc xử lý, quản lý rác thải, khai thác tối đa lợi ích của rác thải, thay vì nói chúng chỉ là một nguồn gây ra ô nhiễm mà thôi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu coi rác là tài nguyên thì cũng không dễ gì khi muốn xuất khẩu hay nhập khẩu rác thải với một quốc gia khác. Vấn đề quan trọng ở đây là mỗi nước cần phải có phương thức, chính sách làm sao xử lý được hiệu quả nhất nguồn rác thải ở nước mình trước đã.

PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu