Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài: nhịp cầu nối dài văn hóa Việt

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Việc ra đời Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài  cho thấy nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng  trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt, văn hóa Việt ở nước ngoài.

Trong những ngày tháng căng thẳng sau hơn một năm chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 trên toàn cầu, ngày 27/6 năm ngoái, Hội thảo quốc tế Dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài lần thứ nhất, do trường tiếng Việt Lạc Long Quân cùng Hội người Việt Nam tại Ba Lan chủ trì tổ chức đã được tổ chức bằng hình thức online với sự tham gia của hơn 110 thầy, cô dạy tiếng Việt, các chuyên gia ngôn ngữ, ... từ 26 quốc gia thuộc 4 châu lục (Á, Âu, Úc, Mỹ).

Ngay sau thành công của Hội thảo, với mong muốn hoạt động kết nối quốc tế này sẽ tiếp tục được duy trì, vào ngày 15/07 cùng năm, Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài đã chính thức được thành lập. Việc ra đời Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài theo đề nghị và mong muốn của nhiều người Việt, cho thấy nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt, văn hóa Việt ở nước ngoài, trong các thế hệ con cháu đang sinh sống ở nước sở tại.

Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài: nhịp cầu nối dài văn hóa Việt - ảnh 1Ông Lê Xuân Lâm, Chủ tịch hội đồng trường Tiếng Việt Lạc Long Quân, Ba Lan, Chủ tịch Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa cùng đoàn công tác số 8. - Ảnh:Huỳnh Văn Truyền

Tổng biên tập báo Quê Việt, Chủ tịch Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài, chủ tịch hội đồng trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan, ông Lê Xuân Lâm đã tới phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam, sau chuyến đi cùng đoàn công tác số 8 cùng các bà con kiều bào thăm Trường Sa, đúng dịp một năm ngày Hội thảo đầy ý nghĩa này, và chia sẻ những câu chuyện về hoạt động của Diễn đàn cũng như tâm tư của những người dạy tiếng Việt trên thế giới.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
 Xin chào ông Lê Xuân Lâm! Chào mừng ông trở về từ chuyến đi Trường Sa, một chuyến đi chắc hẳn là cũng sẽ để lại rất là nhiều cảm xúc với ông?

Ông Lê Xuân Lâm: Tôi rất vui hôm nay được đến phòng thu âm của Đài Tiếng nói Việt Nam, vì trong đợt vừa rồi tôi đã được đi cùng đoàn Việt kiều Ba Lan về thăm quân và dân đảo Trường Sa, nay trở lại Hà Nội được Đài đón tiếp. Đây là lần đầu tiên tôi ra Trường Sa. Trong chuyến đi đấy tôi được tai nghe mắt thấy được chứng kiến cuộc sống gian khổ của quân và dân các đảo Trường Sa.

Tôi cũng như rất nhiều người thực sự xúc động, thấy được sự hy sinh, sự vượt qua gian khó, tinh thần của các chiến sĩ để sẵn sàng gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam. Cá nhân tôi càng tăng thêm hiểu biết được những vùng biển đảo của đất  nước, tình cảm hướng về quê hương đất nước cũng được nâng cao.

Những điều tôi được tận mắt thấy tai nghe, những cảm xúc của mình...tôi cũng muốn khi quay về Ba Lan sẽ có dịp bày tỏ đối với học sinh của trường, các giáo viên và những người trong cộng đồng chưa được đi.

Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài: nhịp cầu nối dài văn hóa Việt - ảnh 2Nhóm kiều bào Ba Lan trong Đoàn công tác số 8 ra thăm Trường Sa - Ảnh:Huỳnh Văn Truyền

Có lẽ chuyến đi này cũng giúp cho những người đã tham gia thấy thêm được những ý nghĩa mới trong công việc hàng ngày, trong những đóng góp hàng ngày của mình - như việc được cộng đồng người Việt trên thế giới quan tâm rất nhiều mà các ông đang nỗ lực thực hiện: đó là giữ gìn tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài?

Ông Lê Xuân Lâm: Cách đây một năm, ngày 27/06/2021 chúng tôi đã tổ chức hội thảo khá lớn Giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Mục đích của hội thảo này để trao đổi kinh nghiệm làm thế nào giảng dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài một cách hiệu quả  và cũng từ đấy sẽ có sự liên kết, lan tỏa tiếng Việt trên khắp thế giới.

Chúng tôi cũng không ngờ cuộc hội thảo đã có những thành công tốt đẹp với hơn 100 thầy cô giáo, những người yêu tiếng Việt, những chuyên gia tiếng Việt, chuyên gia ngôn ngữ ở 28 nước đã tham dự hội thảo. Chương trình hội thảo lúc đầu chỉ dự định 3 tiếng, nhưng rất nhiều người muốn nói, trao đổi tâm tư nguyện vọng nên đã kéo dài đến 7 tiếng.

Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài: nhịp cầu nối dài văn hóa Việt - ảnh 3Hội thảo Giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài năm 2021 do Trường tiếng Việt Lạc Long Quân, Hội người Ba Lan tại Việt Nam tổ chức với hơn 100 đại biểu từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ thành công của hội thảo lần đó, đã có được một ban điều hành Diễn đàn tiếng Việt ở nước ngoài. Thành lập được Diễn đàn trong một thời điểm khó khăn như vậy cũng là một nỗ lực rất lớn của những người tổ chức cũng như những người tình nguyện tham gia?

Ông Lê Xuân Lâm: Qua lần đầu tiên hội thảo đã có sự kết nối, gắn bó khá tích cực. Và sau đấy chúng tôi đã lập ra một Ban điều hành của Diễn đàn với tên gọi Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài từ 27/6/2021, đến tháng 10 cùng năm chúng tôi đã có buổi mang tính chất giới thiệu những tài liệu, những sách giáo khoa ở các nước những người giảng viên tiếng Việt đã biên soạn để giảng dạy. Đấy cũng là một buổi rất thú vị, hữu ích với những người làm công tác giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Dự kiến của chúng tôi là trong dịp này, có thể cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 chúng tôi sẽ tổ chức tiếp một buổi hội thảo với nội dung kỹ năng về sử dụng các phần mềm tin học để ứng dụng vào việc dạy trực tuyến tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài. Tất nhiên sẽ kỹ hơn. Và thậm chí có thể thêm những lớp mời các thầy cô giáo truyền đạt kỹ lưỡng trong thời gian tới. Chúng tôi cũng luôn luôn ấp ủ nguyện vọng làm thế nào để Diễn đàn này phát triển và có những thành công lớn hơn.

Diễn đàn hoạt động theo hình thức như thế nào?

Ông Lê Xuân Lâm: Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài đã lập một ban điều hành 15 người từ 8 nước. Họ đại diện cho những người có tâm huyết về công việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Diễn đàn của chúng tôi hoạt động trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Có một điều là chúng tôi chỉ có thể dành thời gian trong những ngày cuối tuần, vì những thành viên thường rất bận rộn và hơn nữa múi giờ các nước khác nhau nên để chọn thời điểm phù hợp cũng khó. Vì vậy, tôi nghĩ là cách chia nhóm ở từng khu vực để cùng trao đổi, rồi tập trung những ý kiến lại để có những cuộc hội thảo, tọa đàm lớn sẽ tốt hơn.

Chúng tôi cũng rất vui mừng khi Diễn đàn được sự quan tâm chú ý của nhiều cơ quan chức năng ở trong nước, chẳng hạn như Bộ Giáo dục Đào tạo, đặc biệt là Ủy ban Nhà nước người về Việt Nam ở nước ngoài rất động viên và cũng sẵn sàng để hỗ trợ giúp đỡ quảng bá cho chúng tôi. Và nếu như có những dịp sau này tổ chức thì họ cũng sẵn sàng hợp tác với chúng tôi.

Ông nói về sự hợp tác, trong một năm vừa qua  việc kết nối kinh nghiệm dạy và học tiếng Việt được diễn ra như thế nào, có sự hỗ trợ gì từ trong nước không thưa ông?
Ông Lê Xuân Lâm: Cuối năm 2021, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kết hợp với Bộ Giáo dục đào tạo cũng có một chương trình tập huấn giảng dạy cho những người làm công tác giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài qua hội thảo trực tuyến. Trong những thành viên Diễn đàn chúng tôi cũng có nhiều người tham dự đợt tập huấn thành công. Chúng tôi thấy có nhiều điều cần phải học tập từ các trường, các cơ sở chuyên môn, nghiệp vụ về ngôn ngữ giảng dạy tiếng Việt ở trong nước.

Sau đợt tập huấn này, riêng trường tiếng Việt Lạc Long Quân ở Ba Lan cũng tổ chức riêng một đợt tập huấn cho giáo viên trong trường, mời thầy cô ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Việt Nam học giảng dạy. Ví dụ về những kiến thức, kỹ năng để sử dụng các phần mềm tin học ứng dụng trong việc dạy online, rồi xây dựng bài giảng dạy trực tuyến và những kinh nghiệm làm thế nào để thu hút được học sinh học online. những kiến thức đấy của trường chúng tôi cũng được nâng lên. Sắp tới chúng tôi muốn mở rộng hướng như vậy để phát triển.

Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài: nhịp cầu nối dài văn hóa Việt - ảnh 4Các học sinh được trao phần thưởng tại lễ bế giảng trường tiếng Việt Lạc Long Quân năm 2022, lần tụ hội trực tiếp đầu tiên sau hai năm học trực tuyến vì covid. - Ảnh: Trường Lạc Long Quân

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ trường Lạc Long Quân nơi mà ông làm việc- về việc dạy và học tiếng Việt trong đại dịch và phát triển tiếp theo như thế nào?

Ông Lê Xuân Lâm: Trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan khi dịch covid 19 xảy ra, rất may mắn là với sự cố gắng của các thầy cô giáo trong trường nên mặc dù dịch nhưng chúng tôi cũng tổ chức tập huấn việc giảng dạy trực tuyến cho các thầy cô giáo. Trong năm học đấy chúng tôi cũng nghỉ gần 1 học kỳ, nhưng sau khi kiến thức giảng dạy trực tuyến, kỹ năng dùng các phần mềm được nâng cao thì chúng tôi lại tổ chức lớp. Và số lượng học sinh vẫn tiếp tục ở mức như trước đây. Đấy là điều rất đáng mừng.

Hai năm học vừa rồi chúng tôi chỉ dạy với hình thức trực tuyến. Sau hai năm trực tuyến  chúng tôi tổ chức lễ bế giảng, tập trung các cháu lại, mời cả phụ huynh, có những ngày hội để các cháu gặp gỡ và cùng nhau vui chơi, chia sẻ sau hai năm không gặp nhau. Mục đích để động viên các cháu. Năm học 2022 - 2023 chúng tôi dự định sẽ có hai hình thức giảng dạy: tại trường và online cho những cháu ở các vùng xa vẫn theo học được. Hiện nay chúng tôi cũng tổ chức được lớp, giáo viên của trường dạy cho học sinh ở Franfurk - Đức. 

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu