Chúng ta phải tạo ra hành lang thông thoáng để bà con về làm ăn, kinh doanh ở Việt Nam

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2016, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của kiều bào và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước. 

(VOV5) - Năm 2016, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của kiều bào và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước.


Trong chương trình chào năm mới 2017, ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin về những hoạt động đã đạt được trong công tác vận động kiều bào góp phần vào sự phát triển đất nước. 

 Chúng ta phải tạo ra hành lang thông thoáng để bà con về làm ăn, kinh doanh ở Việt Nam - ảnh 1
Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài


Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:



Phóng viên: Thưa thứ trưởng, thứ trưởng cho biết những đánh giá chung về kết quả của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2016, một năm được coi là ghi nhiều dấu ấn quan trọng?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm 2016 có nhiều hoạt động sôi nổi liên quan đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trên nhiều lĩnh vực. Công tác hội đoàn của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2016 đã đạt được thành công nhất định. Ngay từ đầu năm, chúng ta đã tổ chức Hội nghị dành cho kiều bào bàn thảo về vấn đề tổ chức hội đoàn, được sự tham gia đóng góp của nhiều kiều bào trên thế giới. Chúng ta đã thành lập được Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Châu Âu. Hội đoàn ở một số nơi tiếp tục được phát triển, củng cố như hội đoàn người Việt ở Macao, Đài Loan (Trung Quốc). Đây là tiền đề tạo nên sự gắn kết, tăng sức mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bà con giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau làm ăn cùng phát triển.

Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động như Xuân quê hương, đưa bà con kiều bào thăm quần đảo Trường Sa, tổ chức các khóa bồi dưỡng giảng dạy tiếng Việt cho các giáo viên người Việt ở nước ngoài. Ở phương diện gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam, phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài nở hoa, phát triển rộng khắp từ phía nam bán cầu là New Caledonia, Angola cho đến phía bắc xa xôi như Canada, rồi các nước ở châu Âu như Na Uy. Phong trào học tiếng Việt cho con em gốc Việt ở Campuchia, Lào, Thái Lan cũng phát triển mạnh mẽ. Riêng năm 2016, chúng tôi đã hỗ trợ bà con kiều bào mở hai điểm trường dạy tiếng Việt ở Campuchia.

Chúng tôi đã tổ chức thành công hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ ba để thu hút kiều bào xây dựng đất nước. Đây là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay với số thành viên kiều bào là hơn 500 người, hầu hết là các trí thức, chuyên gia khoa học, doanh nhân kiều bào. Những ý kiến đóng góp của kiều bào hướng tới mục tiêu cụ thể chung sức cùng xây dựng thành phố Hồ Chí Minh phát triển năng động và hội nhập quốc tế.

Phóng viên: Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và phát triển. Theo ông, chúng ta cần phát huy như thế nào  vai trò của kiều bào trong việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước? 

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Với 4,5 triệu người Việt Nam sống ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, bà con kiều bào sống ở mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ có đặc thù riêng, không thể lấy một mô hình áp dụng cho tất cả các nước được. Do vậy, chúng ta cần nghiên cứu đặc tính cộng đồng, từ đó hiểu rõ hơn về nhu cầu về văn hóa, phát triển tiếng Việt cho con em kiều bào. Nhu cầu bên trong của mỗi người Việt Nam ở nước ngoài là hướng về quê hương, đất nước. Đây là bản chất rất tốt đẹp của người Việt Nam ở nước ngoài. Do vậy, chúng ta cần phải làm thế nào để thực hiện được ý nguyện của bà con kiều bào là đóng góp sức mình xây dựng đất nước. Chúng ta phải tạo ra hành lang thông thoáng để bà con về làm ăn, kinh doanh ở Việt Nam. Sự hiểu biết của bà con kiều bào ở nước ngoài đối với luật pháp Việt Nam còn thiếu. Khi bà con gặp khó khăn, vướng mắc thì chúng ta phải giải quyết để bà con hiểu về trong nước thì phải đầu tư, kinh doanh theo pháp luật của Việt Nam. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang làm nhiệm vụ vận động, thu hút bà con kiều bào về với quê hương. Khi bà con về Việt Nam, chúng tôi cũng cần hướng dẫn pháp luật cho bà con. Khi bà con có vướng mắc thì chúng tôi hỗ trợ giải quyết bằng cách mang những tâm tư, thắc mắc của bà con trao đổi với các cấp chính quyền trong nước.

Thông qua hội nghị Việt kiều lần thứ ba năm 2016 thấy rõ một điều các trí thức đặc biệt là nhà khoa học Việt kiều có nhiều tâm huyết đóng góp cho đất nước. Họ nắm bắt được khoa học công nghệ ở các nước tiên tiến và muốn đem về phục vụ cho quê hương. Do đó, chúng ta phải tổ chức nhiều hội nghị như vậy để bà con kiều bào có dịp trình bày ý tưởng của mình. Đây cũng là dịp để chúng tôi kết nối ý tưởng, tâm nguyện của bà con kiều bào với nhu cầu trong nước.

Phóng viên: Thưa thứ trưởng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, để công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài phát huy tốt hơn vai trò và nguồn lực kiều bào, trong năm 2017 này, các hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh những nội dung gì?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Mặc dù chúng ta đã quán triệt về nhận thức và triển khai tốt chính sách của Đảng, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 45, các chương trình hành động của Chính phủ đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng một bộ phận ở một số địa phương của Việt Nam, đâu đó vẫn còn có những cản trở, vướng mắc. Một số cơ quan chính quyền địa phương, sở, ban, ngành chưa thật sự nhiệt tâm, hỗ trợ tích cực cho bà con kiều bào. Do vậy, khi xây dựng chương trình hành động của Chính phủ, chúng tôi nêu rất đậm vấn đề này, làm sao triển khai triệt để nhận thức từ trung ương đến địa phương đối với các nội dung công tác trong Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45.

Thứ hai là cần tập trung trong công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Công tác thông tin tuyên truyền của Việt Nam đối với bà con còn hạn chế. Ví dụ, ở một số vùng ở Bắc Mỹ chưa có hệ thống phủ sóng ti vi cho bà con nên bà con không biết được thông tin trong nước. Một bộ phận bà con kiều bào chỉ nghe lại thông tin từ một số đài quốc tế đưa lại, thông tin lệch lạc.Do đó, chúng ta phải phủ sóng thông tin tuyên truyền đối ngoại để thông tin của đất nước đến với bà con kiều bào để bà con hiểu thêm về đất nước.

Ngoài ra, các chương trình văn hóa, văn nghệ từ Việt Nam sang biểu diễn cho kiều bào còn ít. Bà con kiều bào thì lại mong muốn gặp gỡ các nghệ sĩ ở trong nước sang hát các bài dân ca của Việt Nam. Chúng ta cần xã hội hóa, tận dụng nguồn lực chung của xã hội, cùng các doanh nghiệp hỗ trợ để tổ chức nhiều đoàn văn nghệ sang nước ngoài biểu diễn.

Vấn đề duy trì tiếng Việt cho thế trẻ kiều bào cũng rất quan trọng. Nếu thế hệ trẻ gốc Việt nói được tiếng Việt dù ít, dù nhiều, thì tự trong trái tim họ thấy rằng họ vẫn là người Việt. Việc duy trì và phát triển tiếng Việt ở nước ngoài cần phải làm liên tục và càng ngày càng phải làm tốt hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn thứ trưởng Vũ Hồng Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu