Cần chính sách đột phá thu hút nguồn lực kiều bào

Sỹ Lam
Chia sẻ
(VOV5)- Là một doanh nhân kiều bào đã nhiều năm đầu tư ở quê nhà, ông Nguyễn Hoài Bắc- Việt kiều ở Canada, chia sẻ những ý kiến của mình về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
(VOV5)- Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay, ông Nguyễn Hoài Bắc- Việt kiều ở Canada, một doanh nhân kiều bào đã nhiều năm đầu tư ở quê nhà, chia sẻ những ý kiến của mình về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Cần chính sách đột phá thu hút nguồn lực kiều bào - ảnh 1
Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần IQLinks; Công ty TNHH Home Deco, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Sài Gòn, Công ty Cổ phần Cao su Hòa Lâm.

 
PV: Thưa ông, trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng có đề cập đến những chính sách liên quan đến kiều bào, ví dụ như về nhà đất, visa, quốc tịch...Ông đánh giá như thế nào về những chính sách này?


Ông Nguyễn Hoài Bắc: Trong thời gian vừa qua, với sự thay đổi không ngừng về cách nhìn cũng như cách tiếp cận với thực tế của Việt Nam và sự biến chuyển của thế giới nói chung, đặc biệt việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là một dấu mốc quan trọng cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Đối với bà con Việt kiều mọi chính sách thông thoáng hơn khi trở về cội nguồn với mục đích thăm thân, du lịch hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư. Visa xuất nhập cảnh thuận lợi hơn và hiện tại visa đã có thời hạn lên đến 5 năm cho người Việt định cư ở nước ngoài, trong đó có những người nước ngoài là vợ hoặc chồng là người Việt Nam. Việc mua nhà đã được chấp nhận và hợp pháp hóa. Nhưng thực tế vẫn còn có bất cập như chỉ được mua trong khu vực qui định, cách mua và cách chuyển nhượng chưa được rõ ràng, khi không sử dụng mà bán lại thì phương thức chuyển tiền ra khỏi Việt Nam còn khó khăn.

Cần chính sách đột phá thu hút nguồn lực kiều bào - ảnh 2
Ông Hoài Bắc nêu những hiệu quả của sản lượng thanh long sau khi triển khai dự án mắc đèn LED cho cây thanh long trái vụ.


PV: Theo ông, việc thu hút đầu tư và chất xám của kiều bào về nước cần sự đột phá nào để tạo chuyển biến mạnh hơn?


Ông Nguyễn Hoài Bắc: Việc thu hút đầu tư về chất xám của kiều bào trên thực tế còn rất hạn chế. Chúng ta chưa có cơ chế phù hợp như các quốc gia khác trong khu vực và thế giới như tiền lương, vị trí công tác...Muốn đột phá công tác này thì tư tưởng của các nhà lãnh đạo cần phải xác định rằng "Nguồn lực của bà con Việt kiều là cực kỳ quan trọng với sự phát triển của Việt Nam", tạo hành lang pháp lý để bà con kiều bào có khả năng được tham gia vào các cơ quan công quyền, được tôn trọng và bình đẳng trước pháp luật như những người dân Việt nam.


PV: Theo ý kiến của ông, việc kết thúc đàm phán và tương lai gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sắp tới tác động thế nào đến các doanh nhân kiều bào?


Ông Nguyễn Hoài Bắc:  Đàm phán TPP đã kết thúc giai đoạn 1, chưa phải là đã xong mà các quốc gia trong hiệp định này mới đi được 2/3 đoạn đường. Đoạn đường trước mắt cần được Quốc hội của các nước thành viên thông qua. Hiệp định này rất quan trọng với kiều bào khi đầu tư vào Việt Nam, sẽ thuận lợi hơn khi xuất nhập khẩu hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam ra các nước thành viên. Nghĩa vụ và quyền lợi mặc nhiên được luật pháp Việt Nam và thế giới công nhận. Mọi tranh chấp trong thương mại không còn bị hạn chế bởi tòa án Việt Nam và được áp dụng theo qui định của TPP mà các nước thành viên đã ký kết.

Cần chính sách đột phá thu hút nguồn lực kiều bào - ảnh 3
Trường trung cấp nghề Việt Nam – Canada ở quê hương Hải Dương, một dự án tâm huyết của doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc


PV: Thưa ông, mong muốn và kỳ vọng của ông đối với Đại hội Đảng lần thứ XII là gì?


Ông Nguyễn Hoài Bắc:  Hy vọng sẽ thực sự có đổi mới về chất lượng, có những cán bộ chủ chốt trẻ, năng động và biết đặt sự phồn thịnh của quốc gia và lợi ích của nhân dân, dân tộc là tối thượng. Nhiệm kỳ 2016-2020 sẽ trở thành bản lề cho sự đột phá về kinh tế khi Việt Nam khi đã ký 11 hiệp đinh thương mại trong khu vực và thế giới. Việt Nam đã tạo được niềm tin với hầu hết các nhà đầu tư Châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, khi các nguồn vốn đang trực tiếp đầu tư và dịch chuyển vào Việt Nam; đồng thời các nhà tài trợ cũng như nguồn vốn ODA vẫn tăng. Điều tiên quyết, Việt Nam phải thượng tôn pháp luật, các tệ nạn nhũng nhiễu, hạch sách và tham nhũng cần phải có biện pháp mạnh để từng bước loại trừ ra khỏi bộ máy hành chính công quyền. Môi trường cần phải được giữ gìn, bảo tồn, phát huy sức mạnh của toàn dân để Việt Nam luôn xanh, sạch, đẹp trong mắt nhà đầu tư và du khách bốn phương. Muốn đất nước phát triển, muốn người dân ấm no hạnh phúc và phồn thịnh thì Việt Nam phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh chính trị. Biên giới, lãnh hải và biển đảo cần được đưa lên hàng đầu. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công cuộc kiến hưng và xây dựng đất nước, trong giai đoạn mới đầy thuận lợi cùng nhiều khó khăn thách thức. 

PV: Xin cảm ơn ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu