Mộc mạc bánh hòn Vĩnh Phúc

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Bánh hòn là một món ăn đặc sản của Vĩnh Phúc và nổi tiếng nhất là ở vùng đất Hợp Thịnh, huyện Tam Dương bởi hương vị và sự thơm ngon của nó. 

Nhắc đến các thức quà quê dân dã ở Vĩnh Phúc, không thể không nói tới bánh hòn, một món ăn truyền thống thường có mặt trong bữa ăn gia đình, trong buổi liên hoan thân mật hoặc cỗ cưới.

Mộc mạc bánh hòn Vĩnh Phúc - ảnh 1Hai mẹ con bà Phùng Thị Yên làm bánh hòn, đặc sản của quê hương Vĩnh Phúc. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Bánh hòn là một món ăn đặc sản của Vĩnh Phúc và nổi tiếng nhất là ở vùng đất Hợp Thịnh, huyện Tam Dương bởi hương vị và sự thơm ngon của nó. Bà Phùng Thị Yên năm nay đã 62 tuổi, sinh ra ở thôn Lê Lợi, xã Hợp Thịnh kể bà biết làm bánh hòn từ khi mới 13, 14 tuổi do bà nội và mẹ truyền cho: “Bánh Hợp Thịnh là bánh cổ truyền từ đời các cụ đến giờ. Tôi lớn lên là đã thấy các cụ làm. Đặc điểm là mềm, dẻo, dai. Chúng tôi ngâm gạo hai ngày, sau đó nghiền rồi lại ngâm hai ngày nữa, thay nước chua ngày hai lần. Hiện nay, các đám cưới ở Vĩnh Phúc hay đặt gia đình chúng tôi món bánh này. Vì đây là bánh đặc sản của Vĩnh Phúc, ăn thay cơm không ngán”.

Nguyên liệu để làm nên món bánh này gồm: gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành hoa. Sau khi chọn gạo tẻ ngon, người ta ngâm gạo rồi xay bột. Trước kia, các bà, các chị phải dùng cối đá xay bột bằng tay thì mới  ra được những dòng bột mịn, trắng ngần như sữa. Tiếp đến là công đoạn nấu bột (người ta còn gọi nhào bột) để bột dẻo. Nhân bánh là yếu tố làm nên hương vị thơm ngon cho chiếc bánh. Người ta đã lấy thịt lợn ba chỉ trần qua, cắt thành miếng, băm nhuyễn với mộc nhĩ, hành lá rồi trộn đều, thêm gia vị, nước mắm vừa đủ, rồi đặt lên bếp xào chín. Chị Nguyễn Thị Phương, 40 tuổi, là Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất bánh hòn xã Hợp Thịnh, tay thoăn thoắt véo từng miếng bột bánh, cho nhân vào giữa, rồi vo tròn giống như chiếc bánh trôi nước của miền Bắc. Vừa làm, chị vừa nói: “Nhân của bánh hòn được làm từ thịt lợn, mà phải chọn loại thịt ba chỉ thật ngon. Tôi xào thịt băm với mộc nhĩ cho chín nhân rồi đem ra để cho thịt nguội rồi mới cho hành. Khi luộc, bánh chín rồi mà cái hành vẫn còn xanh thì mới đạt yêu cầu. Nếu mà hành vàng thì sẽ xấu bánh và không ngon”.

Những viên bánh tròn, trắng được thả vào nồi nước đun sôi nhỏ lửa cho đến khi bánh nổi lên trên bề mặt và lớp vỏ có màu trong suốt là bánh đã chín. Chị Phương cho biết khi bánh chín, gia đình thường thoa nhẹ một chút mỡ lợn đã rán vào bánh để bánh thơm và ngon hơn. Bánh hòn vừa chín tới. Vị béo ngậy của mỡ lợn, mùi thơm phức của hành lá, thịt băm quện vào nhau tỏa ra thơm nức. Gắp một miếng bánh hòn chấm vào bát nước mắm pha khéo và thưởng thức, chị Lê Thị Thiên Mây, một người con Vĩnh Phúc, cho biết: “Vị đậm đà của thịt và có mùi thơm của hành rất là ngon và hấp dẫn. Bột thì dẻo và trong. Đây là đặc sản quê hương. Họ làm rất là ngon, hợp khẩu vị với nhiều người”.

Mộc mạc bánh hòn Vĩnh Phúc - ảnh 2 Đĩa bánh hòn thơm ngon sau khi luộc xong

Người dân ở thôn Vĩnh Tiên, thị trấn Yên Lạc cũng làm món bánh tương tự như bánh hòn. Nguyên liệu cũng gạo tẻ, nhân thịt lợn, mộc nhĩ, hành lá, chỉ có điều khác về hình dáng và kích thước. Bánh có hình thù giống cái tai, chứ không tròn như hòn bi ve giống bánh hòn. Do vậy, người ta gọi là bánh hòn tai.

Dù là bánh hòn hay bánh hòn tai thì người con đi xa quê vẫn nhung nhớ cái thứ quà quê bình dị mà dân dã có vị bùi bùi, béo ngậy và thơm nức, một món ăn mang đậm hồn quê.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu