Trả lời những vấn đề thính giả quan tâm: tuần ĐĐK dân tộc, nghề thêu trên lá bồ đề

Chia sẻ
(VOV5) - Khá nhiều thư thính giả gửi về trong tuần qua, chia sẻ nhiều ý kiến, cũng như yêu cầu được biết thêm thông tin và nội dung liên quan tới đất nước Việt Nam.

Tuần qua, chương trình nhận được thư của thính giả mong muốn được tìm hiểu về nhiều nội dung liên quan tới đất nước Việt Nam. Đó là vùng đất Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh; văn hóa học đường của Việt Nam và nghề thêu tranh trên lá bồ đề và tuần đại đoàn kết dân tộc-di sản văn hóa Việt Nam. 

Nghe âm thanh tại đây:
 
Chào quý vị, chào các bạn,

Khá nhiều thư thính giả gửi về trong tuần qua, chia sẻ nhiều ý kiến, cũng như yêu cầu được biết thêm thông tin và nội dung liên quan tới đất nước Việt Nam.

Thính giả Tomask Kotans, từ Ba Lan, gửi khá nhiều thư qua email về việc đã bắt sóng được các chương trình của Đài TNVN. Thính giả cũng mong muốn nhận được thư xác nhận cùng với chứng nhận nghe đài. Các thính giả từ Trung Quốc, Tây Ban Nha, Peerru…bày tỏ niềm vui  khi được nghe các chương trình của Đài TNVN. Qua đó, họ hiểu được nhiều hơn về đất nước, con người và nhiều lĩnh vực khác. Hầu hết các thính giả hứng thú với việc có thể tiếp cận thông tin từ Đài TNVN qua nhiều nền tảng khác nhau.

Quý thính giả thân mến, trong thư gửi về chương trình, thính giả Lukman Wibisono ở Bekasi, Indonesia viết: “Trong nhiều bài giới thiệu về Việt Nam, đất nước con người của VOV5 có nhắc đến Bình Liêu – tỉnh Quảng Ninh. Tôi muốn biết thêm về vùng đất này”. Chúng tôi xin giới thiệu cho các bạn đôi nét về vùng đất này:

Bình Liêu là một huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc, cách trung tâm thành phố Quảng Ninh hơn 100km, cách thành phố Hà Nội gần 300 km. Bình Liêu, Quảng Ninh được ví như “Sapa thu nhỏ”. Điểm nhấn của du lịch Bình Liêu có lẽ chính là những rặng cỏ lau trắng muốt, hay vẻ đẹp hữu tình của ruộng bậc thang, thác Khe Vằn. Nhưng đó chưa phải là tất cả, Bình Liêu còn có những điểm đến mang tính “chinh phục” rất thu hút: Đó là sống lưng khủng long và cột mốc 1305; Cột mốc 1297 và thiên đường cỏ lau lãng mạn; Cửa khẩu Hoành Mô; Thác Khe Vằn; Bản Sông Mooc; Núi Cao Xiêm; Núi Kéo Lạn;Đình Lục Nà;Chợ phiên Bình Liêu. Đến Bình Liêu, có thể được thưởng thức một số đặc sản như Gà đen Bình Liêu, Cá suối Bình Liêu, Phở xào Bình Liêu, bánh ngải, bánh cooc mò( còn gọi là bánh sừng bò). Khí hậu ở Bình Liêu có phần khác biệt hoàn toàn so với những nơi khác ở Quảng Ninh. Mùa hè thời tiết thường không quá nóng và mùa đông thì sẽ cảm giác lạnh hơn không thua kém gì một số địa điểm ở Tây Bắc.

Thính giả người Lào Bunthat muốn biết “Tuần đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022” sẽ được tổ chức khi nào, ở đâu?

Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 23/11, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội). Sự kiện sẽ có sự tham gia của khoảng 200 người, trong đó hơn 100 người thuôc các dân tộc, đại diện các gia đình, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, trí thức, con em của 15 dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng và 90 đồng bào là các cộng đồng tham gia hoạt động sự kiện thuộc dân tộc Chăm Islam (tỉnh An Giang); dân tộc Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk); Dân tộc Gia Rai tỉnh Gia Lai…Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” sẽ có những hoạt động chính: Tổ chức Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc; giải vô địch anh tài vật dân tộc quốc gia; tái hiện lại những lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc; hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng và trình diễn thêu, dệt thủ công trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam khu vực phía Bắc; hội thảo giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam…

Trong thư gửi đến chương trình tiếng Campuchia, thính giả Yang Raksmey, sinh viên Campuchia muốn tìm hiểu về việc xây dựng văn hóa học đường tại Việt Nam.

Xây dựng văn hóa học đường phải bám sát mục tiêu xây dựng văn hóa học đường Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, kỷ cương, đoàn kết, cần cù, sáng tạo…Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Thính giả Lay Trin, Campuchia, muốn tìm hiểu nghề thêu tranh trên lá bồ đề. Chúng tôi xin giới thiệu một người tâm huyết với loại hình này:

 Đó là chị Quản Thị Cúc (Linh Đàm – Hoàng Mai – Hà Nội), vốn sinh ra tại làng nghề thêu tay xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, từ nhỏ chị đã được mẹ dạy cho những mũi thêu đầu tiên. 10 tuổi, chị Cúc đã có thể tự thêu hoàn chỉnh một tác phẩm. Chị Cúc đã đem tư duy của người trẻ sáng tạo ra nhiều tác phẩm hoa thêu 3D và mở các lớp học thêu online.  Đến năm 2019, khi được một học viên hỏi cách thêu trên lá thì chị bắt đầu thử nghiệm trên chất liệu mới này. Sau khi tìm hiểu về ý nghĩa của lá bồ đề, chị bắt đầu tập trung phát triển kỹ thuật thêu dòng sản phẩm mới này. Về cơ bản, các công đoạn cũng giống như khi thêu trên các chất liệu khác. Bước đầu vẫn là tìm ý tưởng, phác họa ý tưởng lên giấy, chỉnh sửa họa tiết cho đúng ý, phù hợp và vẽ mẫu rồi in hình lên lá. Việc thêu lên lá không đơn giản, chỉ cần mạnh tay là sẽ làm cho xương lá bị rách. Do những đường thêu thường khá mảnh mà khổ lá giới hạn và rất mỏng manh, dễ rách, chỉ sơ sẩy một chút là hỏng cả tác phẩm.  Một sản phẩm nếu đơn giản cũng mất ít nhất một ngày, phức tạp thì mất 2 đến 4 tuần để hoàn thành. Những sản phẩm tranh thêu trên lá bồ đề của chị chủ yếu được dùng quà tặng lưu niệm các dịp lễ, đồng thời chị cũng đã bán các sản phẩm sang bên Nhật Bản và Mỹ. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu