Tình cảm của thính giả sống xa quê khi mùa xuân về; các lễ hội đầu xuân

Chia sẻ

(VOV5) - Tuần qua, chương trình nhận được thư của thính giả ở khắp nơi chia sẻ tình cảm về Tết cổ truyền dân tộc. Thính giả cũng muốn biết được những lễ hội vào tháng Giêng ở Việt Nam.

Tuần qua, chương trình nhận được thư của thính giả ở khắp nơi chia sẻ tình cảm về Tết cổ truyền dân tộc. Thính giả cũng muốn biết được những lễ hội vào tháng Giêng ở Việt Nam.

 Nghe âm thanh tại đây:
 

Chào quý vị, chào các bạn,

Rất vui khi được gặp lại quý thính giả trong những ngày đầu năm Nhâm Dần.

Chúng ta vừa cùng trải qua không khí của những ngày Tết cổ truyền dân tộc. Trên khắp mọi miền đất nước, không khí của mùa xuân vẫn tràn ngập khắp nơi. Trên các nẻo đường, ngõ phố, trong từng ngôi nhà, không khí mùa xuân vẫn lan tỏa. Và những người con sống xa quê hương trở về nhà trong những ngày qua đều cảm thấy thực sự bồi hồi, cảm xúc trước những đổi thay của đất nước cũng như sự quan tâm của nhà nước. Bà Trần Thị Nga, việt kiều tại Thái Lan chia sẻ:“Thấy đổi thay, đổi thay nhiều chứ, từ giao thông đến cuộc sống của người dân, kinh tế cũng khá lắm. Còn trong từng gia đình, nhà nào cũng ấm no. Như đợt dịch vừa rồi, nhà nước quan tâm, thuốc thang quan tâm đầy đủ. Nhà nước rất quan tâm đến người dân không cứ gì người việt kiều”

Bước vào mùa xuân mới, những người con Việt ở khắp nơi cũng có nhiều ước vọng, dự định trong năm 2022. Hãy nghe tâm sự của Nguyễn Hoài Daniel và Nguyễn Hiếu Lân, những người Việt trẻ từ Mỹ:“Trong công việc càng ngày càng phát triển vì mình thấy COVID là cơ hội để Việt Nam phát triển lên thương hiệu quốc gia. Theo mình nhân thấy thì thế giới thấy Việt Nam chống COVID rất hiệu quả nên đây là cơ hội để chúng ta bắt tay vào xây dựng đất nước ngày càng phát triển”“Đến lúc mình phải trải nghiệm những điều mới. Bởi vì chúng ta biết là sống để trải nghiệm những điều mới. Hy vọng, trải nghiệm những điều mới, học điều mới từ công việc, đồng thời kiếm chút ít tiền phấn đấu để trải nghiệm cho bản thân”

Các thính giả cũng gửi nhiều lời chúc mừng năm mới, chúc Tết tới các cán bộ nhân viên của Đài TNVN, mong muốn các chương trình trên sóng phát thanh và trang web ngày càng đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu của thính giả gắn bó với làn sóng phát thanh.

Tuần qua, trên sóng phát thanh và trang web, liên tục tuyên truyền tin, bài và ảnh về không khí Tết của người Việt ở trong nước và nước ngoài. Ở khắp nơi, bà con người Việt ở các nước tham dự  Tết cổ truyền, một nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Quý thính giả thân mến, vẫn là phần trả lời yêu cầu của thính giả.  Thính giả quan tâm tới các lễ hội trong tháng Giêng và các lễ hội được tổ chức như thế nào trong điều kiện dịch bệnh. Chương trình xin thông tin:

Đối với người Việt, những lễ hội tháng Giêng mà hàng năm người dân không thể bỏ qua đó là: Lễ hội Chùa Hương; Hội Lim-Bắc Ninh; Lễ hội khai ấn đền Trần; Lễ hội Đền bà Chúa Kho; Lễ hội Yên Tử; Lễ hội chùa Bái Đính; Lễ hội đền Gióng-Sóc Sơn.

Về câu hỏi các lễ hội được tổ chức như thế nào trong điều kiện phòng chống dịch, chương trình xin thông tin về các lễ hội ở Hà Nội để quý thính giả có thể hình dung một mùa lễ hội đảm bảo an toàn như sau: Một loạt di tích trên địa bàn Hà Nội bước vào mùa lễ hội 2022 với tâm thế đặc biệt. Các nghi thức dâng hương, tế lễ, tri ân các bậc tiền nhân có công với nước được thực hiện theo quy mô nhỏ, bảo đảm thành kính, trang nghiêm. Trong khi đó, các hoạt động phần hội được tạm dừng, hạn chế tối đa tập trung đông người, nhằm thích ứng để an toàn trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.   Đây cũng là năm thứ 2, chùa Hương không mở hội theo truyền thống, chỉ thực hiện các hoạt động cầu cho quốc thái dân an vào ngày “chính hội”, bảo đảm nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng mà vẫn hạn chế thấp nhất những nguy cơ về dịch. Tại Đền Thượng - Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Sóc (huyện Sóc Sơn), hội đền năm nay tiếp tục tạm dừng, chỉ duy trì phần lễ tri ân các bậc tiên thánh. Các địa phương có lễ hội, nhất là các lễ hội lớn, thời gian kéo dài, thu hút đông người…, cũng đồng loạt xây dựng kế hoạch siết chặt phòng dịch mùa lễ hội. Cũng như Hà Nội, các tỉnh, thành khác cũng nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch vào thời điểm tổ chức lễ hội.

Nhiều thính giả ở nước ngoài muốn tìm hiểu thông tin về sự khác biệt giữa các mâm cỗ cổ truyền ở các vùng miền

Với người dân miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết phải có đầy đủ các món bánh chưng, gà luộc, chả giò, dưa hành và một số món phụ khác. Trong đó, bánh chưng được xem là biểu tượng của mâm cổ ngày tết trong các gia đình người dân miền Bắc. Đối với người dân miền Bắc, ngoài mâm cỗ, cành đào, ngày tết trên bàn thờ nhất định phải có một mâm ngũ quả với nhiều loại quả Mâm ngũ quả của các gia đình miền Bắc thường không thể thiếu 3 loại quả chính là chuối, bưởi và quýt. Tết của người dân miền Bắc bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp âm lịch. Vào ngày này, mọi nhà đều sắm sửa lễ vật để tiễn ông Táo về trời. Không giống như các gia đình ở miền Bắc, mâm cỗ ngày tết của người dân miền Trung thường có nhiều món ăn đặc sản dân dã mà hấp dẫn. Đó chính là cơm trắng, cá kho, gà luộc, chả ram, canh bún, rau sống… Đối với người dân miền Trung, ngày tết nhất định trên bàn thờ phải có đòn bánh tét cúng tổ tiên. Mâm ngũ quả của các gia đình miền Trung ngày tết luôn mang ý nghĩa cầu một năm no ấm, đủ đầy có chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ… Tết ở miền Trung bắt đầu khá sớm, từ 20 tháng chạp âm lịch là nhà nhà, người người đã rộn ràng sửa soạn đón tết. Tết ở miền Nam rơi vào mùa khô. Do thời tiết nắng nóng nên mâm cỗ của các gia đình miền Nam thường đơn giản với các món nguội. Trên mâm cỗ của người miền Nam thường có 3 món chính là bánh tét, bánh tráng và thịt kho tàu. Với người miền Nam, bánh tét chính là hình ảnh tượng trưng cho sự no ấm từ đời này qua đời khác. Các món ăn nói trên chỉ để cúng hoặc ăn tới chiều mùng 2 tết. Mùng 3 tết các gia đình miền Nam thường đổi món sang gà, cá, bò… Mai là loại hoa không thể thiếu trong các gia đình miền Nam ngày tết. Tết ở miền Nam bắt đầu muộn hơn so với miền Bắc và miền Trung.

Quý thính giả thân mến, theo yêu cầu của thính giả muốn được tìm hiểu về ba lễ Rằm lớn của người Việt, chương trình xin thông tin:

Trong năm có ba rằm lớn là Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7 và Rằm tháng 10 hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên, Tết Trung Nguyên và Tết Hạ Nguyên. Người Việt coi trọng Rằm tháng Giêng vì cho rằng 'đầu xuôi đuôi lọt', cúng cầu an ngày rằm tháng Giêng mong một năm phước lành. Người Việt xưa sống phụ thuộc vào nghề nông, nên mới gắn liền với trời (thiên quan tấn phước - Rằm tháng Giêng), đất (địa quan xá tội - Rằm tháng bảy) và nước (thủy quan giải ách - Rằm tháng mười). Các gia đình chuẩn bị mâm cúng rằm gồm xôi, chè, trái cây. Giờ cúng ngày trước thì thường cúng sáng gần trưa, nhưng ngày nay vì cuộc sống đô thị, người ta chuyển sang thắp hương cúng Phật ngày Rằm tháng Giêng vào buổi tối. Nghi lễ và đồ lễ nhiều ít, to nhỏ không quan trọng mà cơ bản là tấm lòng thành kính.

Tới đây, chuyên mục đầu tiên của năm Nhâm Dần xin được tạm dừng. Hẹn gặp lại quý thính giả trong những cánh thư sau.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu