Thính giả mong muốn được tìm hiểu một số nét văn hóa của Việt Nam như Tết Trung thu,những món ăn của mùa thu

Chia sẻ
(VOV5) - Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đài TNVN, nhiều thính giả đã gửi những lời chúc tới ngày trọng đại này.

Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả chúc mừng 77 năm ngày thành lập Đài TNVN. Thính già cũng mong muốn được thông tin về Tết Trung thu của người Việt.

Nghe âm thanh tại đây:
 

Chào quý vị, chào các bạn,

Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đài TNVN, nhiều thính giả đã gửi những lời chúc tới ngày trọng đại này.

Trong rất nhiều lá thư, chúng tôi xin được trích đăng thư của thính giả Johnny Ramirez Lopez, đến từ  Peru đã viết: xin chúc mừng VOV thân yêu nhân kỷ niệm 77 năm mang chân lý và tình yêu của các bạn đến với thế giới. Hãy nhận một cái ôm thật chặt và tình cảm sâu sắc nhất của tôi… Còn rất nhiều thính giả ở khắp nơi đã thể hiện tình cảm của mình, sự thú vị khi được đồng hành với các chương trình của VOV và VOV5.

Trên trang web VOV5 những ngày qua, cũng có rất nhiều bình luận của thính giả.  Như Phạm Ngọc tâm đắc với bài viết về nghệ nhân Nguyễn Văn Trung và nỗ lực phát triển làng nghề truyền thống mây tre đan. Hay Vũ Trọng Loan mong muốn kết nối với làng làm kèn Tây, thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đọc và nghe những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám, Trần Nghiên bày tỏ: ông là một nhạc sĩ tài hoa, người con đất Quảng tài ba, tài năng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt về văn học nghệ thuật, thơ ca nhạc họa và còn là một cầu thủ bóng đá tài năng. Còn rất nhiều ý kiến của thính giả về các bài viết trên trang web về các lĩnh vực của đời sống xã hội, văn hóa Việt Nam.

Quý thính giả thân mến, một số thính giả muốn biết sự khác nhau và giống nhau của Tết Trung Thu ở Việt Nam và Trung Quốc?

Tết Trung Thu ở Trung Quốc là người dân tổ chức ăn mừng vụ mùa bội thu. Vào dịp này, người dân sửa soạn bày tiệc tổ chức biểu diễn múa lân, sư tử cho trẻ em và là dịp nam thanh nữ tú trổ tài làm thơ ca, giao duyên. Còn ở Việt Nam gọi là Tết trông trăng. Vào ngày này, người Việt Nam làm những mâm cỗ, hoa quả bánh kẹo để phá cỗ. Còn trẻ em sẽ tham gia các trò chơi rước đèn và phá cỗ. Đặc biệt, họ sẽ làm  bánh trung thu cúng tổ tiên, tặng bạn bè. Ý nghĩa của việc rước đèn, người Trung Quốc thường chú ý những màu đèn đỏ, tượng trưng cho may mắn, bình yên. Còn ở Việt Nam, trẻ em rước đèn với nhiều hình dáng rực rỡ khác nhau, biểu tượng cho sự ấm no, hạnh phúc và tình cảm gia đình. Đối với tục ngắm trăng, người dân Trung Quốc sẽ đổ ra đường cùng ngắm giây phúc thiêng liêng. Còn ở Việt Nam, ngày rằm tháng 8 chính là thời khắc đẹp nhất, khi mà khí hậu mát mẻ, ánh trăng sáng soi từng cảnh vật về đêm và là lúc người dân nhàn nhã ngồi ngắm cảnh và hoà mình vào với đất trời.

Mâm cỗ của mỗi gia đình Việt và Trung Quốc đều có bánh trung thu là bánh nướng và bánh dẻo.

Nhiều thính giả muốn được tìm hiểu về làng nghề làm đồ chơi Trung thu của Việt Nam. Chúng tôi xin được giới thiệu về một làng nghề ở Hưng Yên:

Tại ngôi làng mang tên Ông Hảo (làng Hảo) thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, nơi đây có nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống hàng trăm năm, có những người thợ hàng ngày cần mẫn sản xuất ra những chiếc trống, mặt nạ, đầu sư tử,... với rất nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ. làng Hảo là trống, mặt nạ giấy bồi hình động vật như sư tử, lân, chó, mèo, lợn, trâu, thỏ… Những năm gần đây, nhu cầu đồ chơi truyền thống ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tuy có sự cạnh tranh với các mặt hàng điện tử, đồ chơi Trung Quốc, nhưng đồ thủ công vẫn đắt hàng, hàng năm lượng hàng sản xuất vẫn tăng cao. Thị hiếu của người dân ngày một hướng đến đồ chơi thủ công đông hơn, lượng hàng được đặt nhiều, cận dịp trung thu nhân công phải thường xuyên làm đêm để kịp giao hàng. Đồ chơi Trung thu truyền thống ngày càng được quan tâm, chúng tôi luôn cố gắng sáng tạo ra nhiều cái mới dựa trện những gì ông cha để lại, thứ nhất để thu hút khách hàng, mang lại lợi nhuận, thứ 2 để khuyến khích con cháu theo nghề. Những món đồ chơi dân gian từ làng Hảo đang được tỏa đi khắp mọi miền của đất nước đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo vị thế trong các hoạt động văn hóa dân gian của dân tộc.

Quý thính giả  thân mến, cốm mùa thu là món ăn mà nhiều bạn bè muốn được tìm hiểu

Cữ này, khi bắt đầu gió heo may, nghe tiếng rao của các cô hàng cốm, người dửng dưng đến đâu cũng biết là mùa thu đã đến rồi. Cốm mua về, cởi cái lạt rơm thơm mùi lúa nếp, mở gói lá sen, nhìn những hạt cốm xanh mướt và mềm, chụm mấy ngón tay, nhón vài hạt, thả nhẹ vào đầu lưỡi, nhẩn nha để vị cốm dẻo thơm, ngọt tan ra, thấm vào… 
Giờ thì nhiều nơi làm được cốm như Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa. Ở Hà Nội có Mễ Trì, Lủ… nhưng không ở đâu làm cốm ngon như ở làng Vòng.
Nhiều người thích hòa trộn vị ngọt của cốm với ngọt chuối tiêu chín trứng cuốc hay ngọt quả hồng chín…

Mùa cốm - thế nào các bà nội trợ chả mua cốm về làm món trứng tráng cốm với thịt băm hay giã nhuyễn thịt lợn nạc với cốm, thêm chút nước mắm ngon, rồi dùng chảo mỡ rán lên làm món chả cốm. Người thích ăn ngọt thì làm món cốm xào với đường kính hay món chè cốm, bánh cốm... Chúng tôi cũng xin giới thiệu một chút biến tấu thú vị với cốm khi trời Hà Nội vào thu: đó là nem cốm vào thu và tôm bao chiên cốm.

Về câu hỏi của một số thính giả, mùa thu nên đi du lịch ở đâu, chương trình xin được thông tin:

Đây là tháng khởi đầu cho những chuyến du lịch mùa thu, thời tiết dễ chịu, mát mẻ, cảnh đẹp thiên nhiên có sự chuyển mình. Quy Nhơn, Bình Định sẽ là câu trả lời lý tưởng.  Nơi đây được mệnh danh là thiên đường biển đảo của Việt Nam với nhiều cảnh hoang sơ và hùng vĩ. Vẻ đẹp đó dễ thấy ở các Eo Gió, Kỳ Co, bãi tắm Hoàng Hậu hay Ghềnh Ráng Tiên Sa.

Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi cũng là một lựa chọn. Đây không chỉ thu hút du khách với vẻ đẹp biển đảo hùng vỹ mà còn nổi bật các bức trang sóng biển sống động. Nếu có dịp, có thể ghé qua Đảo Lớn (Cù Lao Ré) hoặc Đảo Bé ( Đảo An Bình). Một số nơi khác như chùa Hang, Mù Cu, chùa Đục hay miệng núi lửa Giêng Tiền. Tiếp đó là Đà Lạt, nếu không ghé nơi đây bạn đã bỏ lỡ một thời điểm lý tưởng để tận hưởng vẻ đẹp của xứ sở sương mù.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu