Giới thiệu Giáng Sinh ở Việt Nam cũng như thông tin về thói quen ăn uống của người Việt

Chia sẻ
(VOV5) - Tuần qua, chương trình nhận được thư của thính giả muốn biết về Giáng sinh ở Việt Nam.

(VOV5) - Tuần qua, chương trình nhận được thư của thính giả muốn biết về Giáng sinh ở Việt Nam; thông tin về thói quen ăn uống của người Việt. Chương trình cũng nhận được thư của thính giả góp ý về các chương trình phát thanh và trang web vovworld. vn.

Nghe âm thanh tại đây:




Chào quý vị và các bạn,

Tuần qua, trên các chương trình của Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia và trang web vovworld.vn của Đài TNVN, phát và đăng tải rất nhiều tin, bài và ảnh về cuộc đời, sự nghiệp cũng như đám tang của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Các phóng viên thường trú của Đài TNVN tại Mỹ đã phối hợp kịp thời đưa tin và ảnh về sự kiện. Cùng đó là tin, bài về ảnh của các phóng viên, các cộng tác viên về các hoạt động của người Việt Nam ở nước ngoài như : Cuộc thi văn nghệ của Sinh viên Việt Nam tại Trường Đại học Hữu nghị các Dân tộc, Liên bang Nga; Giai điệu Tổ quốc yêu thương giữa lòng Paris; Việt Nam tham gia hội chợ từ thiện thường niên tại Ukraine; Hội Czech - Việt lên án những phát ngôn xuyên tạc về Việt Nam…

Thư của một số thính giả nước ngoài tiếp tục  gửi về chia sẻ nhiều ý kiến với chương trình: Anh Petxavan, người Lào, cho biết rất thích chuyên mục Ẩm thực Việt Nam và anh hy vọng, sẽ có thêm nhiều bài viết giới thiệu về các món ăn của Việt Nam. Thính giả Đêvit Lurescia từ Argentina rất ấn tượng với bài viết về nhạc cụ dân tộc của người K’ho. Thính giả Fumihisha Yamasaki, người Nhật Bản  quan tâm đến những chương trình giới thiệu văn hóa, kinh tế, xã hội Việt Nam. Thính giả mong Đài TNVN sẽ ngày càng phát triển hơn nữa để thính giả có được nhiều thông tin bổ ích hơn nữa.Chương trình cũng tiếp tục nhận được thư của thính giả quen thuộc: ông Nguyễn Văn Công, việt kiều Pháp và nhóm việt kiều thông tin về khánh thành cầu Hữu nghị VK 224 tại xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ cùng trao quà cho học sinh nghèo. Thư của các thính giả quen thuộc Văn Bình, Phương Anh, ở Mỹ, Hải Nam, ở Pháp, Trần Chính, ở Nga, Hoàng Lộc, ở Anh…

Quý thính giả thân mến! Thính giả Kobayashi, người Nhật Bản muốn biết ở Việt Nam tổ chức Giáng sinh như thế nào? Các bạn trẻ Việt Nam có quan tâm đến ngày này không? Sau đây chúng tôi xin cung cấp một số thông tin cho thính giả: Ở Việt Nam, dù không phải là ngày nghỉ chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Một số công ty, tổ chức tư nhân còn cho nhân viên nghỉ trong ngày Giáng sinh. Trong những ngày này, cây thông Nôel được trang trí ở nhiều nơi, có thể là cây nhân tạo làm bằng nhựa, hoặc cây thật thường là thông đuôi ngựa. Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí. Những thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, và ở các xứ đạo thường tổ chức đón  Giáng Sinh và Năm mới với nhiều hoạt động phong phú. Lễ Giáng sinh ở Việt Nam là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp. Đặc biệt, thanh niên nhân dịp lễ để tới các tụ điểm vui chơi giải trí.  Trong đêm Giáng sinh, những đôi tình nhân tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ đợi sự xuất hiện của ông già Noel, gia đình bè bạn rủ nhau tụ tập ăn uống và đặc biệt là những người Công giáo thì chuẩn bị tham dự thánh lễ tại thánh đường giáo xứ hoặc giáo họ của mình.

Sau đây là một số thói quen ăn uống của người Việt mà chương trình xin thông tin theo yêu cầu  của thính giả Alex Torbeni, người Indonesia: Người Việt có thói quen tổ chức ăn uống tổng hợp, ăn chung. Cho nên các thành viên của bữa ăn liên quan và phụ thuộc chặt chẽ vào nhau. Điều này khác hẳn với phương Tây, vì  mỗi người đều có suất ăn riêng, mọi người hoàn toàn độc lập với nhau. Còn người  Việt thì ngược lại. Họ rất thích chuyện trò trong bữa ăn vì bữa ăn là dịp để anh em, họ hàng, bạn bè tụ tập lại để hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và có thể thoải mái bàn luận về vấn đề họ yêu thích. Vì mọi người đều phụ thuộc lẫn nhau nên phải ý tứ khi ngồi và mực thước khi ăn. Đây là biểu hiện cao trong đời sống cộng đồng của người Việt. Trong đó giáo dục cách ăn được ưu tiên hàng đầu vì thông qua cách ăn người ta có thể nhận xét và kết luận ít nhiều về nhân cách cá nhân đó và cả gia đình của họ. Phải có chén nước mắm (hay nước tương) khi ăn. Trong cơ cấu bữa ăn của người Việt, trong khi các món ăn khác thì có người ăn, người không, còn cơm và nước mắm thì ai cũng dùng, cũng chấm. Do vậy, chén nước măm trở thành thước đo sự ý tứ, đo trình độ văn hóa của con người. Không bới cơm nhiều hoặc quá ít vào mỗi chén. Chủ nhà ngồi đầu nồi phải rất tế nhị và mực thước khi bới cơm cho khách.

Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070                       

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên internet tại địa chỉ http://vovworld.vn hoặc http://vov5.vn từ 0h00 đến 1h00 ( giờ Việt Nam) tức là 17h00 đến 18h00 ( giờ quốc tế). Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu