Hội thảo khoa học tại Nga về tranh chấp trên biển Đông và hướng giải quyết

Anh Tú/VOV-Moscow
Chia sẻ
(VOV5) - Chuyên gia Lokshin trình bày những diễn biến mới nhất tại Biển Đông, khẳng định Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Hội thảo khoa học với chủ đề “Luật quốc tế, công lý quốc gia và quốc tế, chủ quyền quốc gia trên ví dụ tương tác giữa các nước tại Biển Đông” diễn ra ngày 01/11, tại Trường đại học Tư pháp quốc gia (Học viện tư pháp) trực thuộc Tòa án tối cao Liên Bang Nga. Đây là lần đầu tiên chủ đề Biển Đông được đưa vào trong chương trình hội nghị dành cho các sinh viên, nghiên cứu sinh tài năng- những nhà khoa học trẻ của ngành luật của Nga.

Hội thảo khoa học tại Nga về tranh chấp trên biển Đông và hướng giải quyết - ảnh 1Chuyên gia Grigory Lokshin(ngoài cùng bên phải), chuyên gia hàng đầu của trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện hàn lâm khoa học Nga trình bày tham luận tại hội thảo. - Ảnh: VOV

Tiến sỹ Grigory Lokshin, chuyên gia hàng đầu của trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện hàn lâm khoa học Nga, trình chiếu một thước phim ngắn về những hành động trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Chuyên gia Nga phân tích những hành động này đi ngược với luật pháp quốc tế, công ước Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982.

Chuyên gia Lokshin cũng trình bày những diễn biến mới nhất tại Biển Đông, khẳng định Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, khi đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào khu vực bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định phù hợp với công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982.

Chuyên gia Lokshin khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách với khu vực này: “Trên phương diện pháp luật, khu vực Biển Đông hiện nay rất nguy hiểm, đòi hỏi trách nhiệm, nhưng chưa có sự quan tâm đầy đủ của cộng đồng luật quốc tế. Chúng tôi thấy sự vi phạm nghiêm trọng từ phía Trung quốc liên quan đến quyền hợp pháp được luật pháp quốc tế công nhận của Việt Nam, các quốc gia ven biển khác đang bảo vệ chủ quyền của mình như Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei, tạo thành cả một nhóm các quốc gia tìm kiếm công bằng, pháp lý trong giải quyết vấn đề này”.

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo đều khẳng định mặc dù hiện nay các công cụ pháp lý quốc tế để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông chưa hoàn thiện nhưng tất cả các bên tranh chấp đều phải tuân thủ những chuẩn mực luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, trong đó có Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về Luật Biển mà Trung Quốc cũng là thành viên.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu