Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên những chứng cứ lịch sử - pháp lý vững chắc

Chia sẻ
(VOV5) - Chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa không hề có sự liên quan, cả về pháp lý hay địa lý đối với khu vực biển nơi Trung Quốc đang có những hành vi xâm phạm.

Đây là khẳng định của Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn trong bức thư ngày 30/10, trả lời Chủ tịch Hội Luật quốc tế Trung Quốc (CSIL) Hoàng Tiến liên quan đến những vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 tại khu vực biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên những chứng cứ lịch sử - pháp lý vững chắc - ảnh 1

TS.Nguyễn Bá Sơn - Chủ tịch Hội luật quốc tế Việt Nam đã nhiều năm tham gia đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biên giới lãnh thổ, bao gồm cả tranh chấp Biển Đông - Ảnh: Báo Dân trí

Ông Nguyễn Bá Sơn khẳng định lý do rất rõ ràng và không thể hiểu khác được đó là vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa không hề có sự liên quan, cả về pháp lý hay địa lý đối với khu vực biển nơi Trung Quốc đang có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn nêu rõ, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa “đã được Chính phủ Việt Nam khẳng định nhiều lần”. Khẳng định này là dựa trên những chứng cứ lịch sử - pháp lý vững chắc và đã được nhiều luật gia, sử gia quốc tế phân tích và công nhận. Việc Trung Quốc chiếm đóng, rồi từ đó đến nay, từng bước xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa một cách bất hợp pháp một số đảo đá và bãi cạn thuộc khu vực quần đảo Trường Sa mới chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định tại Biển Đông và trong khu vực.

Liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc "đất thống trị biển”, Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn cho rằng  không một quốc gia nào có quyền yêu sách vẽ đường cơ sở quần đảo bao quanh quần đảo Trường Sa và xem quần đảo Trường Sa là một thực thể đơn nhất có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng, vì nhóm đảo này không đáp ứng các điều kiện để có đường cơ sở quần đảo theo quy định tại Điều 47 của UNCLOS hoặc đường cơ sở thẳng theo quy định tại Điều 7. Khu vực mà Trung Quốc gọi là “Bãi Vạn An” hoàn toàn chìm dưới mặt nước biển, thuộc thềm lục địa Việt Nam và không liên quan gì đến quần đảo Trường Sa.  Như vậy, việc tồn tại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa không thể dẫn đến việc phát sinh bất kỳ sự chồng lấn nào giữa vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được tính từ bờ biển lục địa của Việt Nam, với lãnh hải của bất kỳ thực thể luôn nổi nào thuộc quần đảo Trường Sa.

Để biến Biển Đông thành “sự kết nối tất cả các bên” thì mỗi bên khi tiến hành những hoạt động trên biển phải tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các bên đối tác khác, trân trọng lịch sử quan hệ hữu nghị mà các bên đã dày công vun đắp và tuyệt đối tuân thủ luật quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu