Soạn giả Mai Văn Lạng với những bài dân ca chống dịch covid 19

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Những tác phẩm với lời ca mộc mạc, giản dị mà dễ hát, dễ nhớ, đầy tinh thần lạc quan và được mọi người đón nhận nồng nhiệt.

Trong cuộc chiến chống dịch covid 19, rất nhanh nhạy và kịp thời, soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, hiện đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đã có những tác phẩm với lời ca mộc mạc, giản dị mà dễ hát, dễ nhớ, đầy tinh thần lạc quan và được mọi người đón nhận nồng nhiệt.

Chúng tôi xin giới thiệu tới quý vị và các bạn những làn điệu dân ca truyền thống do soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng sưu tầm và soạn lời, với chủ đề rất được quan tâm hiện nay – đó là chống dịch covid 19.

Soạn giả Mai Văn Lạng với những bài dân ca chống dịch covid 19 - ảnh 1

 Nhà báo, soạn giả Mai Văn Lạng

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Bài chèo "Bài ca chống giặc nCovy" do soạn giả Mai Văn Lạng viết lời, theo làn điệu xẩm xoan. Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng cho biết: "Cả đất nước từ gì đến trẻ đều đang chống dịch quyết liệt. Tôi đã xúc động rơi nước mắt trước hình ảnh các bác sĩ làm việc suốt ngày đêm để giải mã gen của loại virus này, nhằm phát hiện bệnh nhanh hơn và tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất. Tôi rất thích cái ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Chống dịch như chống giặc, chính vì thế mà tôi đã viết “Cả đất nước đang giăng thế trận/ Diệt giặc nCovy như diệt giặc ngoại xâm/ Từ chính quyền cho đến mọi người dân/ Già trẻ gái trai đều một lòng quyết chiến/ Khoang vùng cách ly chặn ngăn bước tiến/ Chiến dịch này cần lắm sự thương yêu”. Tôi nghĩ rằng nếu không có sự thương yêu thì sẽ không thể nào ngăn chặn dịch được".

Những giai điệu vui tươi rộn rã của bài chèo này đã ngay lập tức làm cho những người yêu nghệ thuật truyền thống cảm thấy thích thú. Soạn giả Mai Văn Lạng chia sẻ: "Tôi rất xúc động, rất vui vì ngay sau khi tôi đăng bài này lên, đã có nhiều người ngay lập tức tìm nhạc, ghép nhạc và làm karaoke. 3 tiếng sau, cháu Lê Vinh, 11 tuổi, con của nghệ sĩ Lê Anh Khoa nhà hát chèo Thái Bình đã lên sóng trực tiếp hát. Tiết mục này của cháu đã đạt được lượng xem và thích cao nhất trong facebook của tôi, rồi hàng trăm khán giả, thính giả ở khắp mọi miền cũng hát Bài ca chống dịch nCovy này".

Theo soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, hiện nay, trên cả nước đã có rất nhiều bài hát, điệu nhảy ra đời nhằm cổ vũ tinh thần chống dịch của người dân nhưng ca từ khá hiện đại, chưa có sự gần gũi, phù hợp với đồng bào các dân tộc ở Lạng Sơn, nhất là bộ phận người dân tộc thiểu số ở nông thôn, vùng sâu, vùng cao biên giới. Do vậy, các tác phẩm tuyên truyền cần gần gũi, lời ca nhẹ nhàng, dễ hiểu, đặc biệt cần khai thác tối đa chất liệu dân ca dân tộc thiểu số...

Chính vì vậy, sau khi bài chèo Bài ca chống dịch nCovy ra đời và phát huy tác dụng rất tốt trong cộng đồng, soạn giả Mai Văn Lạng lại viết tiếp bài "Lời then chống dịch". Bài then này sau đó được tác giả Nguyễn Văn Bách, trú tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định chuyển sang bản dịch tiếng Tày. Bài hát là lời nhắn nhủ mọi người hãy chung sức chung lòng cùng với Đảng, Chính phủ, các chiến sỹ áo trắng, áo xanh phòng chống dịch bệnh.

Không sôi động như ca khúc nhạc trẻ hay nhạc cách mạng truyền thống, những làn điệu dân ca với chủ đề chống dịch vừa nhẹ nhàng, da diết, vừa lắng đọng, giàu cảm xúc, nhanh chóng ghi dấu đậm nét trong lòng người nghe. Sau thành công của bài hát chèo và bài then chống dịch, soạn giả Mai Văn Lạng lại tiếp tục kết hợp với NSƯT Diệu Hương để cho ra mắt bài ca Huế theo điệu tình tang với tên gọi "Mười thương chống dịch covid".

NSƯT Diệu Hương chia sẻ: "Hôm đó, 9 giờ sáng tôi điện cho anh Mai Văn Lạng, 9 giờ 30 phút có lời, 2 giờ chiều tôi đi vào phòng thu, 3 giờ bắt đầu thu và quay lại tất cả quá trình làm việc để làm MV, với bối cảnh chỉ ở nhà và loanh quanh thôi chứ không dám đi xa. Đến 6 giờ ngồi hì hục dựng, và đến 8 giờ tối là hoàn thiện MV này. Tôi nói đùa với soạn giả Mai Văn Lạng là bài hát được thai nghén và ra đời nhanh nhất của VN có lẽ là bài hát này. Đó là một sự thành công với tôi, vì ngay sau đó sự lan tỏa của bài ca Huế này rất tốt. Đó cũng là sự chung tay của những nghệ sĩ chúng tôi cùng cả xã hội chống dịch".

Lời bài ca được viết mang thông điệp rõ ràng, kêu gọi toàn dân cùng đoàn kết chống dịch: "Một thương chống dịch ở nhà/ Hai thương bác sĩ cùng là lương y/ Ba thương người phải cách ly/ Bốn thương người lính quản gì gió sương/ Năm thương lớp học mái trường. Sáu thương người ở rìa đường khó khăn/ Bẩy thương Chính phủ vì dân/ Tám thương các cấp các ngành chung tay/ Chín thương trên mảnh đất này/ 10 thương mong chỉ ít ngày dịch tan".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu