Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Ngợi ca công lao của các Vua Hùng cũng là đề tài mang đến cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sĩ.

Cứ mỗi khi tháng 3 âm lịch, người Việt ở muôn phương lại hướng về Đền Hùng – Phú Thọ, nơi thờ các Vua Hùng đã có công dựng nước. Trong tâm thức dân tộc, vùng đất này được coi là vùng đất Tổ, là cái nôi và cội nguồn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 - ảnh 1

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Ca khúc "Hùng Vương" là một sáng tác của nhạc sĩ Thẩm Oánh. “Bốn ngàn năm văn hiến nước Nam khang cường là nhờ công đức Hùng Vương/Hoa gấm giang sơn này cùng chung đắp xây bao đời hùng uy vẻ vang/Đời đời nhớ Hùng Vương đã vì quốc dân lập non nước này/Cho cháu con quây quần vẽ nên cơ đồ bền vững tới nay…”. Những ca từ này, với ý nghĩa trường tồn của nó, vẫn là một trong số những ca khúc của nhạc sĩ Thẩm Oánh được thế hệ trẻ hôm nay cất vang lời ca.

Ngợi ca công lao của các Vua Hùng cũng là đề tài mang đến cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sĩ. Bên cạnh ca khúc "Về với Đền Hùng" đã rất nổi tiếng, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí còn cho ra đời ca khúc "Bản trường ca trên mặt trống đồng" với nhiều tâm sự. Nhạc sĩ kể: "Tôi đi lên Phú Thọ, ngắm nhìn mặt trống đồng, tôi thấy con hươu, thấy ánh mặt trời, rồi tôi tìm đọc và ghi chép lại. Sau đó tôi viết Bản trường ca trên mặt trống đồng. Đó là những ía trị văn hóa to lớn mà chỉ có đất nước như đất nước mình mới có được. Cái hào hùng, anh hùng của dân tộc mình – đó là quá khứ nhưng đó cũng là hiện tại".

Trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ trọng mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. 

Theo các số liệu thống kê, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có hơn 1.400 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Bởi vậy, có thể khẳng định, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ bó hẹp ở khu vực tỉnh Phú Thọ mà còn có sức lan tỏa ở khắp mọi miền đất nước.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm đã trở thành ngày hội chung của những con người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Được về Đền Hùng, thắp nén hương tưởng nhớ người xưa đúng dịp Giỗ Tổ mùng 10/3 là niềm mong ước của mỗi người con đất Việt.

Với ý nghĩa thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Và bắt đầu từ năm ngoái, dự án Giỗ Tổ Hùng Vương toàn cầu đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới, nhằm vinh danh giá trị tinh thần của dân tộc Việt trên các phương diện như văn hóa, xã hội, truyền thống, phong tục, ẩm thực, đặc biệt là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên... góp phần gắn kết tinh thần Đại đoàn kết dân tộc, góp phần làm cầu nối cho bà con Việt kiều và đồng bào trong nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu