Nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Lê Đình Lực: Thời gian đã chia phôi...

Xuân Kỳ
Chia sẻ
(VOV5) - Những người đồng nghiệp, các thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ cùng công tác với nhạc sĩ, NSƯT Lê Đình Lực luôn tự hào về ông, một nhạc sĩ với chuyên môn cao, tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc...

NSUT, Nhạc sĩ Lê Đình Lực, nguyên phó trưởng đoàn ca nhạc của Đài TNVN vừa qua đời ở tuổi 90. Ông là tác giả của những tình khúc đặc sắc với một phong cách riêng nhẹ nhàng, thủ thỉ, sâu lắng. Ví như "Em vẫn như ngày xưa", "Hoa cúc" (thơ Trần Ngọc Thụ), "Ngày xuân nói với con” (thơ Nguyễn Huy Dung), "Lời gửi lại" (thơ Lệ Thu)...

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

 

Nhạc sĩ, NSƯT Lê Đình Lực đã qua đời vào ngày 3/7/2022 (Tức mùng 5/6 Nhâm Dần), sau 1 thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 90 tuổi. Ngay khi biết tin ông mất, chúng tôi đã gọi điện gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình. Chị Lê Anh Đào con gái nhạc sĩ, NSƯT Lê Đình Lực chia sẻ những tâm sự nghẹn ngào, tiếc thương, xót xa nhưng cũng đầy tự hào về cha mình: "Sự mất mát này là quá lớn với tôi vì từ nhỏ tôi luôn có ba bên cạnh. Ba tôi là người rất sâu sắc, ông hiểu rõ nhất từng thành viên trong gia đình. Ba sống tình nghĩa, yêu thương vợ con, luôn che chở và dạy dỗ hai chị em tôi rất nghiêm khắc nhưng cũng vô cùng tình cảm. Đối với bà con hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp hay bạn bè, ba sống rất tình nghĩa. Từ nhỏ tôi đã được xem những chương trình do ba dàn dựng và chỉ huy, tôi thấy rất ngưỡng mộ và tự hào về ba".

NSƯT Lê Đình Lực sinh năm 1933, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Ông nguyên là Đoàn phó, kiêm Chỉ huy dàn nhạc Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (nay là Nhà hát Đài TNVN), nghỉ hưu năm 1996, và sinh sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Ông đã có thời gian làm giáo viên tiểu học. Năm 1955, ông về Đoàn Ca Nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam làm nhạc công violon, guitare và sáo trúc. Ông là một trong những người đầu tiên dùng sáo trúc phụ họa cho giọng ngâm thơ phát trên làn sóng của Đài Phát thanh. Năm 1959, ông vào học Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia VN) và được Trường cử sang Học viện Trai-cốp-xki, Matxcơva học ngành Lý luận phê bình âm nhạc. Năm 1967, ông lại được cử đi học Chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Lêningrat (Liên Xô cũ). Thời gian công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng A (1965-1975), nhạc sĩ Lê Đình Lực chỉ huy dàn nhạc, vừa phối khí và dàn dựng nhiều tác phẩm ca nhạc phát sóng và tham gia biểu diễn phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau năm 1975, Nhạc sĩ Lê Đình Lực trở lại Đài Tiếng nói Việt Nam, làm Đoàn Phó Đoàn Ca Nhạc kiêm chỉ huy dàn nhạc và chịu trách nhiệm chất lượng các chương trình, tiết mục ca nhạc mới của Đoàn. Ngoài biểu diễn, dàn dựng, ông còn sáng tác ca khúc, chủ yếu là phổ thơ. Những người đồng nghiệp, các thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ cùng công tác với nhạc sĩ, NSƯT Lê Đình Lực luôn tự hào về ông, một nhạc sĩ với chuyên môn cao, tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, cống hiến hết mình cho Nhà hát Đài TNVN.

Nhạc sĩ Cát Vận chia sẻ: "Nhạc sĩ Lê Đình Lực là con cụ Lê Đình Thám, một trong những nhân sĩ yêu nước, từng phục vụ Ủy ban hòa bình thế giới của Việt Nam. Nhạc sĩ Lê Đình Lực là một nhà chỉ huy dàn nhạc khiêm nhường. Sau thời gian học ở nước ngoài, ông tham gia chỉ huy và có đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của dàn nhạc Đài TNVN. Những băng ghi âm dàn nhạc do NSƯT Lê Đình Lực chỉ huy, cùng với những sáng tác của ông đã góp phần làm phong phú cho kho tư liệu của Đài TNVN. Ông là một trong những tấm gương sáng trong sáng tạo nghệ thuật".

Nhà báo Thụy Chóng, nguyên trưởng phòng Việt kiều, người từng làm việc với nhạc sĩ Lê Đình Lực cho biết, ông có duyên với các nhà thơ của Đài TNVN như nhà thơ Trần Ngọc Thụ với các bài Em vẫn như ngày xưa, Bến đò quan, Chỉ một mình anh, Hoa cúc; hay ca khúc Mùa xuân nói với con, thơ Huy Dung, sau này nhạc sĩ Phạm Gia Hiếu chuyển thành nhạc không lời rất hay…

Nhớ về những ngày đầu về Đài TNVN công tác, NSƯT Hồng Liên tâm sự: "Khi mới về đoàn ca nhạc của Đài TNVN, tôi rất bỡ ngỡ vì mới chỉ là một diễn viên không chuyên từ bên quân đội chuyển sang. Tôi chưa học một lớp nào về thanh nhạc hay nhạc lý. Tôi đã được nhạc sĩ Lê Đình Lực giúp đỡ rất nhiều. Ông đã nhiệt tình bảo ban tôi từng nốt nhạc, từng câu chữ. Tôi cảm nhận ông là một người rất tận tâm với đồng nghiệp, sống tình cảm và chu đáo trong nghề nghiệp".

Còn đây là lời chia sẻ của nhạc sĩ Trần Đức Minh: "Nhạc sĩ Lê Đình Lực là người đã xây dựng nên bản sắc riêng, một gia tài âm nhạc của Đài TNVN. Ông là người rất nghiêm khắc trong công việc, nên bên ngoài có thể thấy hơi cứng, nhưng khi trò chuyện cùng ông thì thấy con người đó thật dịu dàng, như trong âm nhạc của bài hát Em vẫn như ngày xưa vậy".

Nhạc sĩ Vũ Mạnh Cường, người đã có khoảng thời gian dài làm việc cùng nhạc sĩ Lê Đình Lực cho biết: "Nhạc sĩ, NSƯT Lê Đình Lực là người có chuyên môn giỏi, ông rất tâm huyết và tận tâm với nghề nghiệp, luôn chỉn chu và nỗ lực để đạt được hiệu quả tốt nhất. Ông chính là người gợi cho các nhạc sĩ trẻ có những bước tiến mới". 
NSƯT Tuyết Thanh: "Ông là người làm việc rất nghiêm túc, quy củ, rất có trách nhiệm với các đồng nghiệp. Trong công việc ông thường đòi hỏi rất cao, nhưng cũng luôn là người tình cảm và gần gũi nên dễ làm việc".
Sinh thời, nhạc sĩ Lê Đình Lực đã cống hiến cho đời sống âm nhạc trên sóng phát thanh bằng những công việc thầm lặng của người nhạc sĩ chỉ huy dàn nhạc với hàng nghìn ca khúc, ghi dấu ấn của mình với công chúng yêu nhạc bằng các tác phẩm riêng phát trên sóng Đài TNVN. Nhạc sĩ Lê Đình Lực cũng đã có riêng cho mình một Tuyển chọn ca khúc Lê Đình Lực và băng âm thanh cùng tên (Nxb. Âm nhạc, 1996). Năm 1993, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Nhưng quan trọng hơn cả, đó chính là nhân cách sống mà ông để lại.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu