Miền Trung ơi thương lắm

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Giới âm nhạc chia sẻ tâm tư tình cảm của mình bằng những tác phẩm hay, xúc động lòng người.

Những ngày này, cả nước vẫn đang hướng về miền trung – nơi đang phải gánh những hậu quả nặng nề của thiên tai, mưa lũ. Những con số thiệt hại về người và của tăng chóng mặt sau những cơn bão, những trận lũ lụt lịch sử. Mọi giới mọi ngành, và hễ là người Việt Nam đều gắng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để đồng bào thân thương vượt qua được những nỗi đau do hậu quả của thiên tai. Và giới âm nhạc chia sẻ tâm tư tình cảm của mình bằng những tác phẩm hay, xúc động lòng người.

 Miền Trung ơi thương lắm - ảnh 1

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

 
Ca khúc Gọi tên anh đồng đội ơi là một sáng tác mới của tác giả Trần Tùng. Hiện là một biên tập biên của kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Trần Tùng đã rất xúc động khi đọc hai bài thơ của các đồng nghiệp - nhà báo Bùi Tiến và nhà báo Chiến Văn. Ngay lập tức, anh đã sáng tác ca khúc và cùng người bạn đời của mình trực tiếp thể hiện, tự thu ca khúc ngay trong đêm để thay nén tâm nhang gửi đến các anh hùng đã hy sinh vì miền Trung thân yêu. 

Anh Trần Tùng chia sẻ: "Như là một mối lương duyên vậy, trong tâm trạng nghẹn ngào thương xót vì sự ra đi của 13 cán bộ hi sinh tại thủy điện Rào Trăng 3, hai bài thơ rất hay vì sự chân thật khi nói về tình đồng đội yêu thương gắn bó, về nỗi đau trước sự mất mát hi sinh của các anh. Từng câu thơ như ngấm sâu vào trong tôi, và những ý thơ lời nhạc như quyện vào nhau vậy. Tôi đã sử dụng 2 khổ đầu trong bài thơ của nhà báo Bùi Tiến, kết hợp với 3 khổ trong bài thơ của nhà báo Chiến Văn, để nói về tâm trạng của những người lính đi tìm đồng đội của mình trong mưa gió, nơi rừng sâu, mưa và đất đá sụt lở. Và hy vọng rất mong manh. Tiếng gọi Đồng đội ơi vang lên trong mưa bão mịt mùng. Tiếng gọi đã khàn nhưng vẫn vang xa…".

Bên cạnh ca khúc Gọi tên anh đồng đội ơi, những ngày qua nhiều ca khúc hướng về miền Trung đã được các nhạc sĩ sáng tác bằng cả tấm lòng cảm thông, chia sẻ. Ca nhạc sĩ Y Jang Tuyn đã viết ca khúc Tôi sẽ về, Huế ơi. Bài hát ra đời với cảm xúc khi chứng kiến những hình ảnh mưa lũ tại Huế, nơi có những người bạn thân của anh. Những nét giai điệu vừa mang hơi thở hiện đại nhưng cũng rất gần gũi với Huế, được phát triển dựa trên bài dân ca “Lý Mười Thương” vốn rất quen thuộc trong lòng khán giả yêu nhạc đã mang lại những cung bậc đầy xúc động với người nghe.

Hòa vào chung những cảm xúc của các nhạc sĩ hướng về miền Trung, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã sáng tác một chùm ca khúc, đa số phổ nhạc từ những bài thơ mà chị bắt gặp, để lại trong chị những nỗi niềm day dứt. Tiếp sau bản rock Trong mưa gây ấn tượng mạnh với niềm đau đớn, xót thương, ca khúc Miền Trung ơi thương lắm với nhịp điệu nhanh, tiết tấu sôi động đã thể hiện được tinh thần mạnh mẽ, kiên cường của người dân miền Trung, cũng như những sẻ chia của đồng bào cả nước.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp tâm sự: "Câu chuyện của bài hát rất dễ cảm nhận vì những thông tin về bão lũ ở miền Trung đã đầy ắp các phương tiện thông tin đại chúng. Cả miền Trung đang hứng chịu những trận mưa, bão, lũ. Nhìn những mái nhà bị cuốn trôi bởi mưa lũ, nũi đồi sạt lở, rừng cây bị đổ rạp… Bài hát này chia sẻ một cách sâu sắc nhất, gần gũi nhất với những mất mát của người dân miền Trung".

Có thể thấy, bên cạnh những giai điệu đằm thắm, da diết, thì những ca khúc như Miền Trung ơi thương lắm hay những bản rock dữ dội cũng đem lại những xúc động mạnh mẽ cho người nghe. Ví như ca khúc Cánh chim lạc, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương đã dùng rock để thể hiện được “tột cùng” của nỗi đau, của sự sẻ chia với người dân vùng lũ.

Nói về ca khúc, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương xúc động: "Lúc đó tôi đang xem vô tuyến, thấy những hình ảnh lũ lụt miền Trung. Những đứa trẻ mất nhà, vợ mất chồng, con mất cha… thực sự rất đau lòng. Chính vì vậy, tôi muốn viết lên sự chia sẻ với những nỗi đau của bà con vùng bão lũ. Tôi chọn âm hưởng rock vì nó có thể tạo nên những cảm xúc tột cùng mà tôi có thể thể hiện được".

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu