Lãng mạn, trữ tình và ấm áp những ca khúc phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Khi lời thơ quyện với những nốt nhạc, và qua giọng thể hiện của các ca sĩ đã mang đến cảm xúc dâng trào trong lòng mọi người.

PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ là người đảm nhận nhiều trọng trách với tư cách là một nhà lãnh đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương. Bên cạnh đó, công chúng còn biết ông là tác giả của những vở kịch đã được dàn dựng, công diễn như Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Hừng Đông, Thầy Ba Đợi, Hoa lửa Truông Bồn, Ngàn năm mây trắng...

Điều đặc biệt hơn cả, bên trong con người nhà lãnh đạo đầy lý tính là một tâm hồn thơ đầy lãng mạn, đầy yếu mềm và đầy trong trẻo với những áng thơ viết về gia đình, về quê hương miền Trung yêu thương. Rất nhiều trong số những bài thơ ấy đã gặp sự đồng cảm của các nhạc sĩ, để có được những ca khúc phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, lãng mạn, trữ tình và ấm áp.

Lãng mạn, trữ tình và ấm áp những ca khúc phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ - ảnh 1

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ

Nghe âm thanh chương trình tại đây: 

 

BTV: Xin chào nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ. Được biết trong thời gian gần đây, một bài thơ của ông đã mang cảm xúc cho nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, để rồi nhạc sĩ đã dựa vào đó và cho ra đời ca khúc Miền Trung ơi. Xin ông cho biết đôi nét về nguyên gốc của bài thơ này?

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ: Bài thơ Miền Trung ơi tôi viết khá lâu rồi và in trong tập thơ Về lại triền sông, xuất bản năm 2017. Có một điều mà chắc hẳn các bạn sẽ cùng chung suy nghĩ của tôi, đó là mảnh đất miền Trung rất đẹp, những con sông xanh ngắt với những rặng núi hùng vĩ. Nhưng do vị trí địa lý mà hàng năm miền Trung phải chống chọi với nhiều cơn bão lũ rất lớn, do địa hình dốc và hẹp, khi lũ xuống quét đi rất nhanh. Mặt khác, trong chiến tranh, miền Trung cũng là nơi chịu nhiều hi sinh mất mát nhất. Số người hi sinh, và những người mẹ Việt Nam Anh hùng thì ở miền Trung cũng nhiều nhất. Vì vậy khi viết bài thơ Miền Trung ơi, tôi nghĩ về quê hương tôi, về khúc ruột miền Trung. Bài thơ như thế này:

Thân dẫu náu nương nơi xứ Bắc

Lòng luôn mắc nợ với miền Trung

Nơi nhúm nhau hồng gieo trong đất

Mộ mẹ cha cỏ dại đã hao gầy.

 

Bao người thân ngã trong chiều đạn lửa

Bao nếp nhà xơ xác bão tràn qua

Những trang sách đom đóm thành bè bạn

Củ sắn thơm giấc mộng đêm hè…

 

Miền Trung ơi, làm sao xa người được

Mấy chục năm xê dịch buồn vui

Ăn miếng ngon, thu mình chăn ấm

Mà tâm can chớp giật cuối trời.

Cảm xúc của tôi khi viết về miền Trung không chỉ về bão lũ, mà còn là về chiến tranh – một mảnh đất đau thương. Đợt vừa rồi, thiên tai bão lũ đã làm miền Trung thêm xơ xác. Sự mất mát, đau thương của miền Trung đã chạm đến trái tim của mọi người. Khi lời thơ quyện với những nốt nhạc, và qua giọng thể hiện của các ca sĩ – cũng là những người con của miền Trung, nên có sự cảm nhận sâu sắc, rưng rưng, chân thật với quê hương mình. Đó chính là sự thành công của tác giả thơ, tác giả nhạc, cũng như ca sĩ thể hiện.

BTV: Nói như vậy, nhà thơ đã rất hài lòng với những giai điệu mà nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn đã gieo vào trong bài thơ của ông?

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ: Những ngày miền Trung bị bão lụt vừa qua, Hồ Trọng Tuấn đã lấy bài thơ này trong tập thơ mà tôi đã tặng cho anh. Anh viết chỉ vài ngày thôi là xong. Nhạc sĩ đã đưa được chất liệu, âm hưởng dân ca miền Trung và cái tha thiết của những câu hò, điệu lý Bình Trị Thiên vào ca khúc. Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn có bàn với tôi là lời đầu có thể sửa một chút để nói lên được tấm lòng của tất cả những người con xa quê chứ không phải là của riêng tôi nữa. Vì thế mà câu Thân dẫu náu nương nơi xứ Bắc / Lòng luôn mắc nợ với miền Trung, anh ấy đã xử lý thành Dẫu đi muôn nơi, trong lòng người xa xứ…Như vậy, từ cái “tôi” đã chuyển thành cái “ta”, và tôi thấy rất hợp lý. Ngoại trừ chi tiết này ra thì các ý thơ sau đã được giữ gần như nguyên vẹn.

Hiện tại đã có 3 ca sĩ thể hiện ca khúc Miền Trung ơi, đó là Vũ Thắng Lợi, Thanh Tài và Thụy Miên. Bản của Vũ Thắng Lợi rất hay vì anh là ca sĩ thể hiện dòng nhạc dân gian rất tốt. Bản của ca sĩ Thanh Tài có bản phối chủ yếu là đàn tranh và sáo nên đậm chất dân gian. Và đến bản của Thụy Miên thì violon réo rắt, sử dụng các đoạn cao trào tạo cho người nghe cảm giác như đang hát trong bão lũ. Các nghệ sĩ đều có nét riêng nhất định, nhưng đều toát lên được cái chung là mang đến cảm xúc dâng trào trong lòng mọi người.

BTV: Thưa nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, trước ca khúc Miền Trung ơi, ông cũng là tác giả phần lời của nhiều ca khúc, trong đó nhiều ca khúc mang âm hưởng miền Trung. Với cảm nhận của riêng tôi, thơ của ông chất chưa nhiều tình cảm với miền Trung, và còn phảng phất những âm hưởng, những làn điệu miền Trung trong những câu thơ đó…?!

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ: Tôi thường nói với anh em bạn bè, rằng thơ của tôi không thật mới theo kiểu cách tân hiện nay. Theo tôi, đầu tiên, tiêu chí của thơ là phải có cảm xúc và tấm lòng của người viết. Thơ phải có tứ, và cảm xúc của người viết phải chân thành. Trong tập thơ Trở lại triền sông của tôi có 3 phần: Phần thứ nhất là những người thân, gia đình của tôi; Phần thứ hai là quê hương Nghệ Tĩnh, quê hương miền Trung; và phần thứ 3 là đất nước. Nhưng thực ra, dù là gia đình, quê hương hay đất nước thì nó cũng gắn quyện với nhau. Sau này tôi có một tập thơ cho trẻ em với tựa đề Nhớ thương ở lại. Trong tập thơ này, rất nhiều câu chuyện về những đứa cháu của tôi. Khi về thăm quê, chúng được các bác, các ông bàm, cô chú, xóm giềng đón tiếp rất chân thành mặc dù quê còn nhiều khó khăn. Khi các cháu rời làng thì tình cảm quê hương đã thấm đẫm trong lòng những đứa trẻ. Các cháu của tôi dù xa quê nhưng vẫn nói hai giọng là giọng Hà Nội và giọng Nghệ Tĩnh. Tôi nghĩ đó là một phần cảm xúc của con người, văn hóa làng quê đã được hình thành nên từ cảm xúc của những đứa trẻ.

BTV: Và khi tâm hồn của tác giả thơ và tác giả nhạc gặp nhau, có kỉ niệm nào làm cho ông nhớ nhất, cảm xúc nhất, gắn với một ca khúc nào đó mà ông yêu thương nhất?

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ: Khi nhạc sĩ An Thuyên còn sống, tôi rất thân thiết với ông. Có lần ông nói, chúng ta chơi thân với nhau mà lại không có tác phẩm âm nhạc nào kết hợp cùng nhau. Sau đó tôi có gửi cho ông hai bài thơ, và ông đã phổ thành ca khúc Trở về trường cũ Chiều Cần Thơ.

Bài Trở về trường cũ phổ từ bài thơ Nơi ấy cội nguồn, tôi viết về mái trường nơi tôi học cấp ba, về thầy giáo của tôi, nhưng trong đó cũng có bão lụt bởi quê tôi không thể thoát ra khỏi số phận nghiệt ngã bởi thiên tai như thế.

Còn bài Chiều Cần Thơ thì được nhạc sĩ An Thuyên phổ nhạc khi chúng tôi ngồi với nhau, khoảng 3 – 4 tháng trước khi anh mất. Người đầu tiên “hát nháp” bài này là ca sĩ Phạm Phương Thảo. Sau đó, khi bài hát chưa được đưa ra công chúng thì nhạc sĩ An Thuyên đã ra đi. Đến mấy năm sau, nhạc sĩ An Hiếu – con trai của nhạc sĩ An Thuyên tìm trong máy vi tính của cha mình mà tìm thấy bài này. Sau đó chúng tôi dựng lại bài này, và ca khúc đã chính thức lên sóng tại Liên hoan Phat thanh toàn quốc lần thứ 14 tổ chức tại Đồng Tháp, do ca sĩ Bùi Thu Huyền thể hiện. Trong một chương trình âm nhạc gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam cũng giới thiệu bài này, như một nén tâm nhang gửi đến Thiếu tướng, nhạc sĩ, nhà giáo An Thuyên, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

BTV: Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ về những chia sẻ của ông về những bài thơ được phổ nhạc, viết về quê hương. Rất mong sẽ sớm được đón nhận tiếp theo những ca khúc phổ thơ Nguyễn Thế Kỷ.

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ: Xin cảm ơn các bạn!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu