Đêm nhạc Nam nhi - làn gió mới cho âm nhạc dân tộc Việt

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Nam nhi là đêm nhạc dân tộc & beatbox của nghệ sỹ Ngô Hồng Quang kết hợp cùng beatboxer Bảo Trung, quán quân giải đấu danh giá World Beatbox Camp 2017 và ngũ tấu đàn dây.

Tốt nghiệp Thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan và hiện đang sống, làm việc tại đất nước này, Ngô Hồng Quang là nghệ sĩ gắn liền với âm nhạc dân tộc Việt Nam. Anh có khả năng chơi nhiều nhạc cụ và giọng hát trầm ấm. Anh cũng là người đã đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với công chúng quốc tế qua những dự án âm nhạc rất táo bạo của mình. Ngày 30/6 tới đây, Ngô Hồng Quang sẽ cùng Bảo Trung – một beatboxer nổi danh đang học tập tại Mỹ và ngũ tấu đàn dây biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội. 

Đêm nhạc Nam nhi - làn gió mới cho âm nhạc dân tộc Việt - ảnh 1

Poster đêm nhạc Nam nhi

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

BTV: Xin chào nghệ sĩ Ngô Hồng Quang và beatboxer Bảo Trung. Rất vui trò chuyện cùng các anh về đêm nhạc Nam nhi – một đêm nhạc được đón đợi sẽ diễn ra vào ngày 30/6 tới. Xin được hỏi Ngô Hồng Quang, anh đã từng theo học và giảng dạy về âm nhạc dân tộc tại Học viện âm nhạc quốc gia VN. Và cơ duyên nào mà anh đã ra nước ngoài và trở thành một nghệ sĩ quốc tế như ngày hôm nay?

Ngô Hồng Quang: Tôi xuất thân là một người học âm nhạc dân tộc từ nhỏ. Nhưng khi tốt nghiệp xong và làm giảng viên, tôi muốn đi xa hơn bằng cách đi ra nước ngoài để học thêm những cái mới, những tư duy đương đại về âm nhạc đương đại. Tôi đã thực hiện được điều đó, đã hoàn thành khóa học tại Hà Lan và đi diễn ở nhiều nước trên thế giới. Ở nước ngoài, tôi có cơ hội và điều kiện tốt để hiểu thêm về âm nhạc đương đại của thế giới. Mình đã có kiến thức về âm nhạc dân gian Việt Nam, cộng thêm hiểu biết về âm nhạc đương đại, khi kết hợp cả hai với nhau thì sẽ tạo ra một sự phát triển rất tự nhiên cho âm nhạc dân tộc.

BTV: Sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc đương đại chắc hẳn sẽ được thể hiện rõ qua đêm nhạc “Nam nhi” sắp tới?

Ngô Hồng Quang: Chương trình Nam nhi sẽ biểu diễn ngày 30/6 tại Trung tâm văn hóa Pháp là sự kết hợp của âm nhạc dân tộc, trong đó có quan họ Bắc Ninh kết hợp với ngũ tấu đàn dây, một số sáng tác mới tôi viết cho nhạc cụ dân tộc, và một số bài chất liệu của người Mông, người Tày được sáng tác mới. Tôi muốn tạo ra cái cầu nối văn hóa âm nhạc, trong đó quan họ Bắc Ninh kết hợp với những hoa mĩ và âm sắc bộ dây phương Tây. Điều này không dễ nhưng tôi đã cố gắng để làm.

BTV: Vâng quả thực sự kết hợp đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải rất hiểu biết, sáng tạo và cũng rất “can đảm” nữa…

Ngô Hồng Quang: Những người quan tâm đến sự nghiệp âm nhạc của tôi đều tán thành việc tôi sử dụng âm nhạc truyền thống để đưa vào không gian âm nhạc đương đại. Quan họ là một chất liệu mà sau khi đã ra album rồi thì mọi người rất hoan nghênh. Tôi nghiên cứu chất liệu âm nhạc ngũ cung của quan họ, âm nhạc 5 âm nhưng không chỉ đơn thuần là những bài hát có tuyến giai điệu 5 âm mà tôi nghiên cứu rất sâu và chi tiết vào những luyến láy hoa mỹ của âm nhạc quan họ Bắc Ninh. Những hoa mĩ đó, tôi đưa vào kỹ thuật của bộ dây vì chỉ có bộ dây của phương Tây có thể làm được những cái như vuốt, rung, nhấn, luyến… Ví dụ tôi muốn chọn những nhạc cụ khác có phím sẵn như piano, guitare… thì sẽ không làm được chức năng đúng của âm nhạc Việt Nam, không có những luyến láy hoa mĩ của âm nhạc Việt Nam. Một phần nữa là tôi sử dụng những hòa âm mới, ngoài những hòa âm dựa trên chất ngũ cung ra thì còn những hòa âm đương đại để tạo ra cầu nối giữa truyền thống và hiện đại.

Đêm nhạc Nam nhi - làn gió mới cho âm nhạc dân tộc Việt - ảnh 2

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang

BTV: Tôi vẫn băn khoăn, bởi anh đã học về âm nhạc dân tộc, có nghĩa là sẽ có cả chèo, tuồng, cải lương, v.v… Nhưng anh đã chọn quan họ?

Ngô Hồng Quang: Tôi nghe quan họ từ khi còn nhỏ, và thấy quan họ là dễ nghe nhất, dễ hát nhất so với các loại hình âm nhạc truyền thống – nó như kiểu một dạng nhạc pop của dòng nhạc truyền thống. Tôi chọn quan họ vì muốn đưa chất đương đại vào những bài dễ nghe để đưa nó lên chiều kích khác, để mọi người nghe âm nhạc quan họ trong một không gian khác. Nếu tôi chọn các bài chèo thì có lẽ sẽ khó nghe hơn nữa. Đây là bước đầu tiên nên tôi không muốn tạo cảm giác sốc. Khi bắt đầu làm dự án Nam nhi, tôi làm 2 phiên bản demo, theo kiểu rất đương đại và sau đó tự bản thân mình cũng thấy hơi khó chịu. Chính vì thế tôi đi từng bước một, để mọi người thẩm thấu một không gian âm nhạc ở mức độ vừa phải, dễ nghe, hòa âm không phức tạp để mọi người quen dần chứ không muốn đưa một thứ quá trừu tượng thì nó sẽ phá vỡ không gian đẹp, giai điệu đẹp của quan họ Bắc Ninh. Không chỉ đơn thuần là những giai điệu quan họ cũ với nhạc điệu dân tộc mà là nghe trên một không gian mới, có sự kết hợp beatbox của Bảo Trung. Bởi vì phần lớn nhạc quan họ không có nhiều nhịp điệu, không có nhiều bộ gõ, nên khi cho beatbox vào thì nó có không gian mới, kết nối được chất trẻ trung trong đó. Tôi rất vui khi kết hợp với Trung, và cảm thấy rất thành công.

BTV: Vâng, xin được hỏi Bảo Trung. Là một người trẻ, và đã từng đoạt giải trình diễn beatbox ở tầm quốc tế, Trung thấy thế nào khi được mời tham gia các dự án của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang?

Bảo Trung: Trước khi gặp anh Quang, tôi chưa bao giờ chơi cùng nhạc cụ dân tộc Việt Nam – đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Nhưng thực sự rất bất ngờ vì không thể tưởng tượng được rằng nhạc cụ dân tộc và beatbox lại có thể kết hợp với nhau hài hòa đến thế. Tư duy và cách nhìn nhận về âm nhạc của tôi với anh Quang cũng rất giống nhau nên chúng tôi chơi rất hợp.

Đêm nhạc Nam nhi - làn gió mới cho âm nhạc dân tộc Việt - ảnh 3

Beatboxer Bảo Trung

BTV: Vậy là có thể hy vọng vào một đêm nhạc Nam nhi đầy thú vị bất ngờ chứ?

Ngô Hồng Quang: Ngày 30/6 này tôi sẽ biểu diễn bài Đi tìm, là một người bỏ phố để lên núi sống với mong muốn tìm lại chính mình. Bài đó lấy chất liệu âm nhạc Mông với sáo mèo và âm nhạc điện tử, rất mạnh mẽ. Tôi rất thích bài đó và đã diễn rất nhiều, nhưng hôm tới sẽ diễn với beatbox và đàn chiêng dây – một loại đàn 13 dây rất thú vị. Có một bài mới tinh đó là Đom đóm đen, khai thác chất liệu chữ “Đ” để kết hợp beatbox với hát và violon. Tôi sáng tác, viết lời và giai điệu còn Trung đảm nhiệm beatbox. Còn bài khác là bài Nông trông, tiếng Mông là chim họa mi. Bài này rất có kỉ niệm với tôi vì khi ở homestay của một gia đình người Mông trong lúc tôi đi điền dã, mỗi khi trở về đến nhà là hai con chim họa mi hót líu lo đón tôi, tôi cảm thấy rất thú vị và hạnh phúc. Tôi trả ơn hai con chim họa mi đã cho mình cái hạnh phúc tự nhiên đó bằng cách sáng tác bài Nông trông cho đàn nhị solo, vì đàn nhị có 2 dây tượng trưng cho tiếng hót của hai con chim đó. Trong buổi trình diễn sắp tới sẽ hòa âm lại để dàn dây đánh cùng để thêm vui, chơi cùng với beatbox.

BTV: “Nam nhi” chỉ có 1 đêm biểu diễn ở Hà Nội thôi. Và tiếp sau đây sẽ là gì?

Ngô Hồng Quang: CD đầu tiên của tôi là Quang, thứ 2 là Song hành, thứ 3 là Hanoi Duo, thứ 4 là Nam Nhi, sắp tới là Nhìn lại, là những bài do chính tôi sáng tác, tôi hát cùng ca sĩ Hà Linh, hát trên chất liệu dân gian nhưng phần hòa âm rất hiện đại, kết hợp với nhạc điện tử. Các ca khúc dựa trên lời thơ của Phan Lê Hà – Giáo sư Đại học Hololulu, Hawaii, tôn vinh âm nhạc dân tộc Việt Nam theo hướng dùng thơ và nhạc đương đại nhưng màu Việt Nam rất mạnh. Và một sản phẩm nữa đã thu âm xong hết, chờ để master, là tôi sáng tác cho nhạc cụ dân tộc của Việt Nam kết hợp với 2 nhạc cụ dân tộc của nước khác là Senegal và Iran, để làm một không gian âm nhạc world music.

BTV: Và chắc hẳn sẽ có sự tham gia của beatboxer Bảo Trung chứ?

Bảo Trung: Niềm say mê, thực ra là xuất phát từ việc tôi đã lớn lên cùng với những chất liệu âm nhạc này. Dù chưa bao giờ đào sâu nghiên cứu về âm nhạc truyền thống nhưng nó lại rất quen thuộc với tôi. Là một người trẻ, tôi nghĩ mình nên trải nghiệm và thử sức với những nền văn hóa, thể loại âm nhạc khác nhau. Tôi rất muốn tìm hiểu thêm về âm nhạc của quê hương và cũng muốn chơi cùng anh Quang nhiều hơn trong các sản phẩm âm nhạc độc đáo của anh.

BTV: Vâng, xin cảm ơn nghệ sĩ Ngô Hồng Quang và beatboxer Bảo Trung đã tham gia chương trình của chúng tôi. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu