Trí thức góp ý văn kiện: Thay đổi cơ chế quản lý, tạo điều kiện để giáo dục “cất cánh”

Chia sẻ
(VOV5) - Phát triển nguồn nhân lực là định hướng hoàn toàn đúng đắn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước mà Đại hội đã đề ra. 
Trí thức góp ý văn kiện: Thay đổi cơ chế quản lý, tạo điều kiện để giáo dục “cất cánh” - ảnh 1Giám thị phổ biến quy chế thi cho thí sinh trước giờ làm bài thi đánh giá năng lực môn Ngoại ngữ trên máy tính tại Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài… Đó là một trong 3 đột phá chiến lược được Đại hội lần Đảng lần thứ XIII bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới, để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu trong giai đoạn tới. Giới trí thức cho rằng đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước mà Đại hội đã đề ra. 

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội lưu ý: "Có 3 việc chúng ta nên làm một cách đồng bộ. Việc đầu tiên là phải thay đổi những cơ chế quản lý, tạo điều kiện cho giáo dục “cất cánh”. Chúng ta phải dùng từ “cất cánh” tức là phải thay đổi một cách nhanh chóng chứ không phải chờ đợi. Thứ 2 là xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý phải thay đổi hẳn. Thứ 3 là cơ sở vật chất tối thiểu, từng địa phương phải lo. Cộng thêm vào đó là yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội cùng làm giáo dục".

Trong khi đó, Giáo sư - Tiến sỹ Đặng Kim Vui, nguyên Hiệu trưởng Đại học Thái Nguyên cho rằng: "Để sử dụng và ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao thì tôi cho là có 2 điểm. Thứ nhất là tập trung vào lựa chọn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và những nhân tài cho đất nước, vì hiền tài là nguyên khí quốc gia, nên lúc nào chúng ta cũng phải có chính sách để ưu tiên lựa chọn và tuyển dụng. Thứ hai nữa là chính sách ở đây cần phải tập trung vào vấn đề chính sách đãi ngộ và sử dụng, đúng người, đúng việc và có những động viên kịp thời, tạo môi trường thuận lợi cho nhân tài không chỉ ở trong nước mà cả những bà con Việt kiều ở nước ngoài, hoặc là các chuyên gia nước ngoài có thể tới Việt Nam làm việc, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu