Vụ lúa Đông Xuân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thắng lớn

Phạm Hải
Chia sẻ
(VOV5) - Vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021 ở Đồng bằng Sông Cửu Long thắng lợi về nhiều mặt, tránh được hạn, mặn; giá lúa cao và xuất khẩu ổn định. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Đây được xem vụ lúa thắng lợi toàn diện của người dân nơi đây. Vụ lúa đông xuân 2020-2021 tại các tỉnh, thành vùng Nam bộ được xuống giống sớm từ tháng 10 năm 2020, diện tích xuống giống ở các địa phương ven biển sớm để tránh hạn, mặn. Vụ lúa sản xuất trong bối cảnh tình hình tiêu thụ lúa gạo có triển vọng tốt, giá lúa cao và xuất khẩu gạo ổn định.

Vụ lúa Đông Xuân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thắng lớn - ảnh 1Vụ lúa Đông Xuân vùng ĐBSCL thắng lợi toàn diện. Ảnh: VOV

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết diện tích xuống giống lúa đông xuân 2020- 2021 toàn vùng Nam bộ gần 1,6 triệu ha, năng suất ước đạt trên 7 tấn/ha. Trong đó, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long xuống giống hơn 1,5 triệu ha và cơ cấu giống theo các tiểu vùng sinh thái, giống thơm, chất lượng cao tăng để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Diện tích cánh đồng lớn khoảng 160 ngàn ha, mỗi ha tham gia Mô hình Cánh đồng mẫu lớn giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% và giá trị sản lượng tăng từ 20 đến 25%.

Những diễn biến của hạn, mặn đã được dự báo nên diện tích lúa đông xuân ở Đồng bằng Sông Cửu Long không bị ảnh hưởng và vẫn cho năng suất cao: "Cơ cấu giống phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thậm chí chúng ta cắt bỏ đi những diện tích mà không đảm bảo an toàn về nguồn nước. Như vậy những yếu tố đó cho thấy dù xâm nhập mặn có nhiều hơn, song năm nay chúng ta không thấy có thiệt hại gì về cả cây lúa cũng như cây trồng khác."

Để vụ lúa đông xuân 2020 – 2021 thắng lợi về mọi mặt, Tổng cục Thủy lợi và các đơn vị đã rà soát sắp xếp thời vụ, mùa vụ kịp thời, hợp lý cho những vùng có nguy cơ hạn, mặn và đề ra các biện pháp ứng phó một cách cụ thể.

Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho rằng các công trình chống hạn, xâm nhập mặn được quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng và vận hành phù hợp với thực tế đã góp phần tạo nên thắng lợi của vụ lúa đông xuân. "Các công trình thủy lợi vừa rồi, nhất là những công trình mới đây đẩy nhanh tiến độ thì đưa được hiệu quả rất là lớn cho việc né mặn trong thời gian vừa qua. Và đặc biệt trong thời gian tới các công trình này tiếp tục phát huy kinh nghiệm như thời gian vừa qua, và qua quá trình vừa rồi Tổng Cục đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị cùng các đơn vị chuyên môn của Bộ xây dựng quy trình vận hành rất là sớm, đưa vào vận hành cho kịp thời."

Vụ lúa Đông Xuân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thắng lớn - ảnh 2Năng suất lúa Đông Xuân cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, giá bán ổn định người dân có lãi. Ảnh: VOV

Năng suất lúa đông xuân cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, giá bán ổn định người dân có lãi trên 50%. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết địa phương xuống giống vụ lúa Đông Xuân hơn 77.000 ha, năng suất đạt 7,6 tấn/ha, các giống lúa chủ yếu đặc sản, thơm, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu: "Thành phố Cần Thơ đã cơ bản thu hoạch xong, năng suất cao nhất từ trước đến nay trong nhiều năm qua, lợi nhuận của bà con trồng lúa trong vụ này đạt tối thiểu trong vụ này từ 45% trở lên, việc tiêu thụ có nhiều thuận lợi. Có thể nói Đông Xuân năm nay bà con thu hoạch và tiêu thụ đạt kết quả tốt nhất."

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã thu hoạch hơn 1 triệu ha lúa Đông Xuân, năng suất ước đạt 7 tấn/ha, giá bán cao, xuất khẩu ổn định, đây là vụ lúa thắng lợi toàn diện. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh diện tích lúa Đông Xuân giảm nhưng năng suất vẫn cao hơn vụ trước, đặc biệt là lợi nhuận của người dân tăng cao. Cơ cấu giống lúa thơm, chất lượng đạt từ 80 đến 85% nên giá bán cao.

Trong vụ hè thu giống lúa thơm, chất lượng vẫn được ưu tiên, theo tín hiệu thị trường, theo nhu cầu và bố trí hợp lý giống lúa nếp và lúa để chế biến. Ông Lê Quốc Doanh đánh giá: "Phải nói là một năm được toàn diện, năng suất, giống lúa chất lượng cao, giá bán cao đặc biệt là lợi nhuận cho người dân. Năm nay diện tích lúa chúng ta giảm đi là xu hướng thôi, để chuyển cho các ngành kinh tế khác nhưng mà tăng gần 2,4 tạ trên/ha, mặc dù diện tích giảm nhưng mà sản lượng tăng xấp xỉ gần 150 ngàn tấn. Đặc biệt năm nay mục tiêu kép đây là một sự thể hiện rất đồng bộ."

Theo kế hoạch, vụ hè thu 2021, toàn vùng Nam bộ sẽ xuống giống khoảng 1,6 triệu ha. Trong đó, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long khoảng 1,5 triệu ha, và vùng Đông Nam bộ khoảng 88 nghìn ha. Với thắng lợi của vụ lúa đông xuân, bà con nông dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang hướng tới vụ hè thu 2020 - 2021 với niềm tin được mùa, được giá.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu