Văn Lâm – phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

Huyền Nam
Chia sẻ
(VOV5) - Đến với Văn Lâm để thấy nơi đây đang chuyển mình mạnh mẽ, bộ mặt làng nghề truyền thống với nhiều thay đổi, đóng góp vào phát triển kinh tế của địa phương.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

 

Mặc dù là huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh Hưng Yên nhưng mảnh đất Văn Lâm còn lưu giữ được những nét đẹp cổ kính của làng quê Việt với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình cùng làng nghề truyền thống và phong tục tập quán tốt đep của người dân quê.

Văn Lâm – phát triển kinh tế từ nghề truyền thống - ảnh 1Một số sản phẩm của làng đúc đồng Lộng Thượng. Ảnh: VOV

Đến với Văn Lâm để thấy nơi đây đang chuyển mình mạnh mẽ, bộ mặt làng nghề truyền thống với nhiều thay đổi, đóng góp vào phát triển kinh tế của địa phương

Nằm ở giữa vùng châu thổ sông Hồng, huyện Văn Lâm là vùng đất có lịch sử lâu đời và là khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Hưng Yên. Những năm qua, các nghề truyền thống trên địa bàn huyện Văn Lâm đã khẳng định vai trò tích cực, quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập không nhỏ cho người dân. 

Một trong những làng nghề nổi tiếng ở Văn Lâm phải kể đến làng đúc đồng Lộng Thượng (xã Đại Đồng). Làng nghề truyền thống lâu đời này hiện có gần 200 hộ làm nghề đúc đồng, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Trung bình mỗi năm, làng nghề cung cấp ra thị trường khoảng trên 31 nghìn sản phẩm các loại với doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm. Nghề đúc đồng đến nay đã tạo nguồn thu cho người dân, nâng cao đời sống kể cả vật chất lẫn tinh thần cho thôn Lộc Thượng nói chung, xã Đại Đồng nói riêng.

Làng đúc đồng Lộng Thượng cũng là làng nghề nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Chương trình khuyến công của tỉnh. Nhờ vậy, những cơ sở đúc đồng trên địa bàn đã mạnh dạn đổi mới công nghệ; định hướng, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động để tạo ra những sản phẩm cao cấp, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Cùng với đó, các sản phẩm đúc đồng thôn Lộng Thượng được công nhận là một trong 14 sản phẩm tiêu biểu của huyện Văn Lâm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Điều này đã khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất ở làng nghề mạnh dạn đầu tư phát triển thành doanh nghiệp sản xuất mạnh ở tỉnh. Sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công đã giúp các làng nghề truyền thống nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như bảo tồn được nét đặc sắc văn hóa dân tộc.

Văn Lâm – phát triển kinh tế từ nghề truyền thống - ảnh 2Nông dân thu hoạch cây tía tô ở xã Tân Quang (Văn Lâm). Ảnh: Báo Hưng Yên

Ngoài nghề đúc đồng, Văn Lâm từ lâu còn nổi tiếng là vùng đất có truyền thống trồng các loại cây dược liệu, tập trung ở thôn Nghĩa Trai, Tăng Bảo... Với lợi thế thổ nhưỡng phù hợp, người dân có kinh nghiệm, kiến thức nên những năm gần đây, diện tích cây dược liệu trên địa bàn xã ngày càng được mở rộng và tập trung vào những loại cây cho giá trị kinh tế cao như địa liền, hoắc hương, kinh giới, tía tô, mã đề...

Mỗi năm làng cung cấp cho thị trường 4000-5000 tấn thuốc nam, 2000-3000 tấn thuốc bắc. Đặc biệt là cây cúc chi cho giá trị kinh tế cao. Hàng năm, vào thán 11, 12, từ ngoài con đường dẫn vào làng, đã thấy những vạt vườn trồng cúc chi xanh mướt ven đường. Hoa cúc chi nở vàng rực rỡ, tạo thành một khung cảnh vô cùng lãng mạn và đẹp mắt, biến mảnh đất thôn quê này trở thành điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều người. Cúc chi ở đây là nguyên liệu để làm món trà hoa cúc, mặt hàng “đặc sản” của hầu hết các gia đình làm dược liệu ở Nghĩa Trai.

Cùng với hoa cúc chi, Nghĩa Trai còn có “đặc sản” là cây kinh giới, trồng lấy hạt làm thuốc, làm đồ uống giải khát (hạt é). Kinh giới một năm trồng hai vụ, để càng lâu càng tốt, trồng xen kẽ cùng các loại dược liệu khác như thổ phục linh, xuyên khung, bạch truật, cốt khí… Điểm đặc biệt ở Nghĩa Trai là hợp thổ nhưỡng, khí hậu, dược liệu phát triển và kháng sâu bệnh rất tốt, cho nên không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Cây dược liệu được hái về, sơ chế sạch, thái nhỏ và phơi khô hoặc sấy trên lò. Làng sản xuất dược liệu, cho nên cũng có nhiều người theo nghề bốc thuốc chữa bệnh. Nghề bốc thuốc được truyền qua nhiều đời, và các thế hệ đều truyền cho nhau lấy đức làm đầu, chú trọng cứu người chữa bệnh.

Hiện nay, toàn huyện Văn Lâm có 120 - 130ha trồng cây dược liệu. Những năm qua, huyện đã đầu tư hỗ trợ phát triển vùng sản xuất cây dược liệu tại nhiều xã trên địa bàn. Trong đó, các mô hình trồng cây dược liệu ở xã Tân Quang, trồng đinh lăng ở xã Việt Hưng, trồng lạc đen ở xã Minh Hải... đã bước đầu thành công và mở ra triển vọng mới. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu, đồng thời xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn huyện có Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên, HTX sản xuất, dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú... chuyên thu mua dược liệu của người dân nên đầu ra rất ổn định.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, toàn tỉnh có gần 850ha cây dược liệu. Với hiệu quả kinh tế vượt trội từ trồng cây dược liệu, nhiều hộ dân trong tỉnh đang muốn mở rộng sản xuất để tăng thu nhập, đưa các loại dược liệu trở thành cây trồng chủ lực của gia đình. Phát triển kinh tế từ các làng nghề truyền thống với các sản phẩm chất lượng cao đang là hướng đi mới của huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Những làng nghề ở Văn Lâm cùng với các làng nghề trên toàn tỉnh Hưng Yên đang thay đổi từng ngày để bắt kịp với xu thế hội nhập, đóng góp cho kinh tế xã hội của tỉnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu