Nông dân Bến Tre chú trọng xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản

Nhật Trường - VOV ĐBSCL
Chia sẻ
(VOV5) - Đến nay, Bến Tre đã hình thành đủ 8 chuỗi sản phẩm chủ lực gồm: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn (2016 - 2020 ) đến nay, chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển ổn định, bền vững đối với 8 sản phẩm chủ lực, đã được hình thành và ngày càng phát triển.

Mô hình sản xuất mới không chỉ đảm bảo an toàn sinh học, mà còn tăng tính cạnh tranh cho các loại trái cây đặc sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Nông dân Bến Tre chú trọng xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản - ảnh 1Bưởi da xanh VietGAP.- Ảnh: VOV 

Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Phú Thành, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện sản xuất theo chuỗi của tỉnh Bến Tre. Đến nay, Tổ hợp tác đã có hơn 100 nhà vườn tham gia với tổng diện tích hơn 50 ha. Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Phú Thành là một trong 41 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất bưởi da xanh theo chuỗi giá trị có tổng quy mô 350 ha, đã được hình thành tại Bến Tre trong 3 năm qua.

Ông Trịnh Ngọc Trung, chủ hộ sản xuất bưởi da xanh theo chuỗi, đạt tiêu chuẩn Viet GAP tại xã Quới Sơn cho biết, từ khi tham gia Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh, đầu ra cho sản phẩm rất thuận lợi, hiệu quả kinh tế tốt: “Các thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP trái năng suất rất cao, ổn định, đủ sức đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Đầu vào chúng tôi liên kết, ký hợp đồng với các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường để cung cấp, cung ứng phân bón, đầu vào ổn định cho nông dân với giá gốc. Về đầu ra, chúng tôi ký hợp đồng với doanh nghiệp Hương Miền Tây với sản lượng 450 tấn/năm”.  

Đến nay, Bến Tre đã hình thành đủ 8 chuỗi sản phẩm chủ lực gồm: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển. Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tập trung nâng cao giá trị sản phẩm qua hỗ trợ sản xuất, cấp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 9.000 ha cây ăn trái, cây dừa và ao nuôi tôm biển được công nhận tiêu chuẩn GAP và hữu cơ; đã hình thành các tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi với 52 tổ hợp tác, 18 hợp tác xã.

Nông dân Bến Tre chú trọng xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản - ảnh 2 Dừa khô xuất bán. - Ảnh: VOV

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre khẳng định, sản xuất nông-thủy sản theo chuỗi giá trị vừa bảo đảm vùng nguyên liệu, vừa đảm bảo tính đồng nhất trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, góp phần thay đổi bộ diện mạo kinh tế địa phương:“Liên kết thành chuỗi tức là mình hình thành những liên kết tập thể nông dân, hình thành với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hoặc là các nhóm trong nông dân trong những khu vực đó để mình liên kết với doanh nghiệp. Để xuất qua các thị trường khó tính thì các yếu tố thực hành nông nghiệp tốt được chú trọng. Tùy theo thị trường yêu cầu hàng hữu cơ, hoặc là hàng GAP mà giữa doanh nghiệp và người nông dân sẽ gắn kết với nhau để sản xuất hàng hóa theo hướng đó”.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cho rằng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng tất yếu của người nông dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Bà Nguyễn Huỳnh Mai, chủ cơ sở kinh doanh trái cây xuất khẩu Huỳnh Mai tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre nhận định: “Nói chung ngành trái cây này cũng nhờ tất cả những nhà nông làm cực khổ, chăm bón thì người thu mua mới mua bán được, nhưng mà chất lượng thì càng ngày đòi hỏi rất cao. Thành ra, nhà nông càng phải làm cho hàng đạt tiêu chuẩn cao, thì mình mới xuất khẩu được. Hàng xuất khẩu thì có giá hơn hàng nội địa, nhưng phải đạt chuẩn”.

Bến Tre là một trong số địa phương có ngành nông nghiệp-thủy sản phát triển mạnh, toàn diện của khu vực Đồng bẳng sông Cửu Long, với khoảng 40 nghìn ha cây ăn trái đặc sản, trên 70 nghìn ha vườn dừa, gần 50 nghìn ha nuôi trồng thủy sản; trên 500 nghìn con lợn, 6 triệu con gia cầm, đàn bò hơn 250 nghìn con… Do đó, chủ trương sản xuất nông-thủy sản theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn, phù hợp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu