Những con đường mùa Xuân trên quê hương Anh hùng Núp

Công Bắc
Chia sẻ
(VOV5) - K’bang là một trong 5 huyện đầu tiên của cả nước được Chính phủ chọn làm điểm về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây 

Làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai (Tây Nguyên), là quê hương của Anh hùng Núp. Trước đây, Kbang, là một trong những huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai nhưng ngày nay cơ sở hạ tầng đã được nâng cấp, giao thông đi lại thuận tiện.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Anh hùng Núp và làng Stơr quê hương ông đã trở thành huyền thoại trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trở thành biểu tượng cho một Tây Nguyên bất khuất. Đinh Núp (thường gọi là Anh hùng Núp),  người dân tộc Ba Na, là người Tây Nguyên đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trước đây, các con đường vào huyện Kbang đều là đường rừng, đường mòn đi lại rất khó khăn thì nay đã có đường bê tông xuyên qua những cánh rừng già rợp mát cây. Kon Pne và Đăk Roong là hai xã đặc biệt khó khăn, xa xôi nhất của huyện Kbang. Nếu từ xã Kon Pne ra trung tâm huyện mất khoảng 80km, còn xã Đăk Roong xa hơn đi mất hơn 130 km. Giao thông cách trở, hai xã Kon Pne và Đăk Roong từng được coi là những “ốc đảo” của huyện, giao lưu thương mại không có, kinh tế tự cung tự cấp. Đến nay, tuyến đường liên xã Kon Pne, Đăk Roong nối ra trục đường Đông Trường Sơn được đầu tư, giao thương đã thuận tiện hơn. Từ đó, tạo điều kiện để thúc đẩy bà con sản xuất hàng hóa, các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, hay chanh dây dần được mở rộng.

Những con đường mùa Xuân trên quê hương Anh hùng Núp  - ảnh 1Đường Trường Sơn Đông xuyên qua núi rừng Tây Nguyên.  

Ông Đinh Nao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Roong, cho biết: “Có đường giao thông đi qua thì rất thuận lợi, vận chuyển hàng hóa, đi lại, đưa con em đi học rồi dân đi buôn bán, trao đổi hàng hóa thì thuận lợi hơn nhiều so với trước. Người dân cảm ơn Nhà nước đã đầu tư tuyến đường đi qua xã.”

Niềm vui cũng đến bà con ở xã Sơn Lang, huyện Kbang, khi tất cả các tuyến đường nối các buôn làng với trục đường chính qua xã là đường Đông Trường Sơn đều được đầu tư từ nguồn vốn của Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên.

Ông Lê Duy Học, người dân xã Sơn Lang, bày tỏ: “Tôi lập nghiệp ở đây đến nay đã 30 năm. Con đường đây trước đi chưa làm thì đường đất lầy lội, con em đi học rất khó khăn, bà con đi làm rất vất vả, nhất là thu hoạch mùa màng hay bị ngã. Nay được sự quan tâm của Nhà nước cũng như chính quyền địa phương làm cho con đường bà con rất là vui mừng.”

Trước kia, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông ở địa phương khá hạn hẹp, nay có dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên triển khai, huyện Kbang có thêm nguồn lực để kết hợp với các chương trình, dự án khác của Nhà nước đầu tư những tuyến đường thiết yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, nên thay đổi đáng kể đời sống người dân.

Những con đường mùa Xuân trên quê hương Anh hùng Núp  - ảnh 2Đường Trường Sơn Đông tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế của đồng bào sinh sống trên dãy Trường Sơn. 

Ông Lê Công Ngôn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kbang, cho biết: “Từ khi có Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên triển khai tại huyện Kbang thì đã đầu tư và góp phần giải quyết việc đi lại cho người dân. Dự án cũng phục vụ vận chuyển hàng hóa cho bà con sản xuất. Đã giải quyết rất là cơ bản vấn đề căn cơ là tạo điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, thu nhập của người dân được nâng lên.”

Làng kháng chiến Stơr nói riêng, huyện K’Bang nói chung, là cái nôi cách mạng ở tỉnh Gia Lai, giờ đây đã có diện mạo mới. K’bang là một trong 5 huyện đầu tiên của cả nước được Chính phủ chọn làm điểm về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đã 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), quê hương Anh hùng Núp đã đổi thay. Những con đường mới được xây dựng khang trang, rộng rãi, đang mở ra cơ hội để các buôn làng ở tỉnh Gia Lai vươn lên, phát triển kinh tế-xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu