Nghề làm bún ở làng Phú Đô

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Sản phẩm bún của làng Phú Đô đã có mặt ở nhiều siêu thị, chợ ở Hà Nội và một số địa phương, riêng sản phẩm bún khô đã xuất khẩu ra nước ngoài.

Nói tới nơi sản xuất bún người ta phải nhắc tới làng Phú Đô, xã Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Nghề làm bún ở làng Phú Đô đã có lịch sử hơn 400 năm. Sử sách của làng ghi lại Tổ nghề làm bún của làng Phú Đô là cụ Hồ Nguyên Thơ là người xứ Thanh từ miền Trung ra truyền nghề cho dân làng. 

Nghề làm bún ở làng Phú Đô - ảnh 1

Sản phẩm bún Phú Đô (Ảnh: Ngọc Anh/VOV5)

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Từ lâu, cùng với phở, bún đã trở thành một trong những món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam và được nhiều người nước ngoài biết tới, ưa thích. Từ bún người ta có thể chế biến ra rất nhiều món ăn ngon là bún chả, bún đậu, bún riêu cua, bún cá, bún ốc,  bún bò, bún thang,  bún ngan, bún gà… góp phần làm phong phú ẩm thực Việt Nam.

Bún ngon là loại bún mềm và có độ dính cao như hồ có thể dán được giấy, nhãn vở học sinh, khi ăn chan với nước dùng phải ngấm, không bị khô. Để làm ra sợi bún phải trải qua nhiều công đoạn, với quy trình khép kín. Nghệ nhân Nghiêm Văn Thành ở làng Phú Đô cho biết: “Quan trọng nhất là chọn gạo, phải là gạo tẻ ngon mới ra bún ngon. Có từ 3 đến 4 loại gạo trộn vào nhau để làm bún, gồm V Thái Bình, gạo miền Nam, gạo Đà Nẵng, gạo Q ở Hà Nam. Ngâm gạo từ 4-5 tiếng rồi xay ra thành tinh bột. Sau đó rót ra khăn để lọc rồi ép khô, giã bột. Luộc quả bột rồi nhấc ra đổ vào cối giã, giã đến bao giờ quả bột dẻo, quắn mịn vào nhau thì mới ra bột. Đó là công đoạn khó. Trước đây giã bột bằng tay mất nhiều công sức. Bây giờ người ta thiết kế ra máy lọc bột, máy làm ra sợi bún, máy vo gạo, máy say bột nên đỡ vất vả hơn nhiều. Trước đây cả ngày chỉ làm được 25 kg gạo thôi. Bây giờ có thể làm tới 1 tấn gạo một ngày. Tuy nhiên làm máy ra ít bún hơn làm tay, 1 kg gạo làm được 2,3 kg bún nếu làm bằng máy còn làm bằng tay 1 kg gạo được 2,5 kg bún".

Tùy vào từng mục đích sử dụng, yêu cầu của khách hàng mà người thợ làm bún sẽ làm ra các loại bún khác nhau. Sản phẩm bún ở làng Phú Đô khá phong phú, đa dạng từ bún rối, bún lá, bún mắm cho đến bún khô. Những nghệ nhân, thợ giỏi ở làng Phú Đô còn sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo như bún bún hút chân không có thể bảo quản được trong 1 tuần, bún vảy ốc (bún ăn với ốc), bún sao (bún nghệ thuật có hình dáng ngôi sao chuyên dùng cho các nhà hàng, lễ hội, tiệc cưới hỏi)… Anh Nguyễn Văn Hòa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghề bún ở làng Phú Đô, cho biết: “Làng Phú Đô có đặc sản bún rất ngon, nổi tiếng của đất Hà Thành. Đặc trưng của bún Phú Đô là trắng, trong, dẻo, thơm, mang hương vị, vị ngọt của gạo. Đây là nét văn hóa âm thực riêng của Phú Đô. Tất cả các công đoạn từ ngâm gạo, ủ gạo, xay bột, luộc bột, đánh bột… đều phải làm cẩn thận mới ra được sợi bún ngon”.

Nghề làm bún ở làng Phú Đô - ảnh 2

Máy xay bột (Ảnh: Ngọc Anh/VOV5)

Sản phẩm bún của làng Phú Đô ngày càng được ưa chuộng trên thị trường. Ước tính có tới hơn 50% sản phẩm bún ở thị trường Hà Nội là của làng Phú Đô. Hàng ngày có từ 10 - 15 tấn bún Phú Đô được tiêu thụ ở Hà Nội. Sản phẩm bún của làng Phú Đô đã có mặt ở nhiều siêu thị, chợ ở Hà Nội và một số địa phương, riêng sản phẩm bún khô đã xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều người dân trong làng đi làm ăn ở các địa phương khác cũng mang theo nghề làm bún mưu sinh, lập nghiệp, góp phần bảo tồn, phát triển nghề truyền thống. Anh Nguyễn Văn Hòa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghề bún ở làng Phú Đô, cho biết: “Hiện tại chúng tôi có khoảng 200 hộ đang sản xuất bún, 300 hộ kinh doanh tuy không trực tiếp sản xuất nhưng họ tiêu thụ bún. Nhiều hộ sản xuất từ 3 - 5 tạ/ngày thậm chí 1 tấn/ngày, thu nhập khá, nuôi sống được gia đình, ổn định công ăn việc làm. Để duy trì và phát triển làng nghề, chúng tôi luôn tuyên truyền giá trị về nghề. Hàng năm chúng tôi tổ chức những ngày hội của làng nghề. Dịp lễ, dịp Tết các gia đình dâng những mâm bún lên lễ cụ tổ nghề trên đình làng”.

Các hộ sản xuất, kinh doanh trong làng cùng các thành viên của Câu lạc bộ bún Phú Đô thường xuyên gặp nhau chia sẻ kinh nghiệm làm ra sợi bún thơm ngon, chất lượng nhất, giúp đỡ nhau vốn để phát triển sản xuất và tìm nguồn tiêu thụ bún. Với sự đồng lòng của người dân làng cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương, sản phẩm bún của làng Phú Đô đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là thương hiệu quốc gia.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu