Làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Bí quyết làng nghề được những người thợ của làng nghề gìn giữ từ hàng trăm năm đến nay.
Làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên  - ảnh 1 Các nghệ nhân đang thao tác tại cơ sở Nguyễn Đức Phi

Làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, ngôi làng nhỏ nằm trong huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, từ lâu đã nổi tiếng về nghề chạm khắc trên gỗ, mang đậm chất hồn quê Việt. Bí quyết làng nghề được những người thợ của làng nghề gìn giữ từ hàng trăm năm đến nay.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ngược dòng lịch sử, khi Vua Gia Long lên ngôi năm 1802, nhà Nguyễn đã điều động rất nhiều thợ giỏi từ khắp mọi miền đất nước về xây dựng kinh thành Huế, trong đó có người thợ nghề mộc và điêu khắc gỗ từ đất Bắc. Trên đường vào kinh đô Huế, những người thợ này dừng chân ở làng Mỹ Xuyên và chọn một số con em trong làng đi theo để phụ việc và cho học nghề. Chính số thợ này đã trở thành lớp truyền nhân kế tục của nghề mộc và nghề điêu khắc gỗ của làng Mỹ Xuyên. Cho đến ngày nay, thế hệ con cháu họ vẫn luôn phát huy, kế thừa nghề tổ tiên để lại. 

Ông Nguyễn Thế, nhà nghiên cứu văn hóa Dân gian Huế, chia sẻ: "Theo một số văn bản để lại, làng Mỹ Xuyên hình thành từ thế kỷ 15, khi triều Nguyễn xây dựng cung điện đã trưng tập các thợ giỏi của miền Bắc vào để xây dựng cung điện  Triều Nguyễn. Khi họ đến trạm Mỹ Xuyên họ tập trung những người thợ trẻ nhỏ tuổi để giúp việc cho số thợ chuẩn bị vào làm cho cung đình. Sau khi xây dựng xong cung điện Hoàng Thành Huế thì họ trở về đất Bắc, một số ở lại để dạy những người học trò tại Mỹ Xuyên, trong đó có nhiều người đã lập gia đình tại đây. Từ đó hình thành làng nghề điêu khắc Mỹ Xuyên".

Điêu khắc gỗ ở Mỹ Xuyên mang nét đặc trưng trong kiến trúc Huế. Nghề chạm khắc gỗ ở Mỹ Xuyên chiếm vị trí và có giá trị khá cao về trang trí nên có nhiều dạng khác nhau như chạm lộng, chạm chìm, chạm nổi, chạm xếp lớp, chạm lồng, chạm khảm.

Làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên  - ảnh 2Gian trưng bày của sản phẩm điêu khắc gỗ tại Festival nghề truyền thống 

Ở làng nghề Mỹ Xuyên không chỉ phổ biến dạng điêu khắc tượng tròn mà còn chạm khắc gỗ dưới dạng phù điêu rất phong phú thể hiện trong các công trình kiến trúc nổi tiếng trong các điện của Kinh thành Huế, trên các tường, vách đố bảng, kèo, đòn tay của ngôi nhà rường và trên những đồ dùng sinh hoạt như bàn ghế, tủ, giường... theo phong cách thể hiện tính độc đáo, đặc thù của văn hóa Huế. Để đạt được sự tinh xảo, những tinh hoa của làng nghề phải kể đến lớp nghệ nhân của làng nghề.

Nghệ nhân điêu khắc gỗ Nguyễn Đức Phi, người dân làng điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, chia sẻ: "Những đường nét tinh hoa nhất của thợ điêu khắc ở làng Mỹ Xuyên mang tính chất tỉ mỉ, nghệ thuật. Con người nhìn vào sẽ luôn cảm nghĩ về vấn đề tâm linh, mang sự tôn kính với bề trên. Nên đi theo đường nét đó thì nó có tính cách phong phú. Từ một cục gỗ hết sức bình thường nhưng khi có bàn tay khéo léo của người thợ điêu khắc vào rồi thì đó là những đường nét tinh hoa của người thợ điêu khắc muốn thổi hồn vào để mang v bản sắc hết sức rõ rệt".

Làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên  - ảnh 3Nghệ nhân Nguyễn Đức Hải, con trai của nghệ nhân Nguyễn Đức Phi sáng tạo sản phẩm

Để thể hiện từng đường nét với họa tiết tinh xảo cần phải có chiếc đục truyền thống mới làm được và để sử dụng được nó phải là người có tay nghề chuyên môn cao. Nói đến hồn cốt của nghề điêu khắc thì không thể không nhắc đến tính mỹ thuật được khắc họa thông qua những bức tượng bằng gỗ.

Để trở thành một người thợ điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên thì phải hội tụ đủ các yếu tố đó là năng khiếu, ý tưởng, tính trừu tượng cùng đôi bàn tay khéo léo và tính mỹ thuật cao trong trạm khắc, khâu đánh bóng tạo hình bức tượng khi đang còn hình thô giáp. Từ những khúc gỗ thô kệch, người thợ phải tạo ra cả một thế giới hình khối nhưng mang được cái hồn, cái thần thái của nhân vật trên sản phẩm. Trên từng nhân vật sẽ là những loại gỗ khác nhau được người thợ sử dụng như một quy chuẩn của nghề.

Nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Đức Phi cho biết thêm: "Bản thân tôi được may mắn sinh ra tại làng  nghề truyền thống của cha ông để lại. Sau đó thế hệ sau sẽ đưa những lớp trẻ sau lên, do vậy tính nghệ thuật trong điêu khắc ngày càng cao nhưng vẫn giữ vững được những nét tin xảo được tôn kính trong nghề. Đến  nay, có nhiều đứa trẻ quá đam mê về vấn đề nghệ thuật điêu khắc cũng giống như tôi ngày xưa vậy. Khi dạy chúng, tôi đem những kiến thức tâm huyết của tôi ra dạy cho bọn trẻ. Qua đó để chúng giữ được bảo lưu được những tinh túy mà cha ông ngày xưa để lại những nét tinh hoa phú quý trong nghề mộc cho mình".

Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, đến nay làng nghề điêu khắc gỗ truyền thống Mỹ Xuyên đã mang lại những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc biệt và văn hóa kiến trức. Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Huế, Nguyễn Thế, cho biết: "Hiện nay ngoài bảo tồn những giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống, các nghệ nhân cũng đã biết phát huy và sáng tạo một số đồ án, hoa văn mang tính nghệ thuật hơn. Chính vì vậy, hiện nay những sản phẩm điêu khắc của Mỹ Xuyên được trong nước ưa chuộng và ở nước ngoài cũng đánh giá cao".

Về làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, du khách có thể cảm nhận không khí sản xuất khá rộn ràng. Tại đây, có hơn 20 cơ sở sản xuất với hơn 150 lao động đang tất bật công việc vì lượng hàng đang được tiêu thụ khá tốt.  Hàng năm, Hội tế Tổ nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên ở Phong Điền được tổ chức vào ngày 5 tháng Giêng, thu hút đông đảo nghệ nhân làng nghề tham gia.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu