Huyện đảo tiền tiêu Cô Tô đạt chuẩn nông thôn mới

Phạm Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Sau 5 năm triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, đổi thay đáng kể. Thủ tướng Chính phủ vừa công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới và trở thành huyện đảo đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới.
(VOV5) - Sau 5 năm triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, đổi thay đáng kể. Thủ tướng Chính phủ vừa công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới và trở thành huyện đảo đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới.

Huyện đảo tiền tiêu Cô Tô đạt chuẩn nông thôn mới - ảnh 1
Một góc thị trấn Cô Tô. (Ảnh: TTXVN)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Cách đây chỉ hơn 5 năm, cuộc sống người dân trên huyện đảo Cô Tô, thuộc tỉnh Quảng Ninh, thiếu thốn đủ bề: thiếu điện sinh hoạt, thiếu nước ngọt, giao thông đi lại khó khăn... Hôm nay đây, hình ảnh của huyện đảo Cô Tô đã thay đổi hẳn với những con đường trải nhựa phẳng lì, nước sạch đã đến từng nhà, điện thắp sáng khắp nơi, những dãy nhà cao tầng mọc lên san sát với đầy đủ dịch vụ phục vụ khách du lịch. Ông Đoàn Đức Bổng, 76 tuổi, khu 1, thị trấn Cô Tô cho biết bà con tại địa phương ai cũng sẵn sàng tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới. Người góp công, người góp của với mong muốn cải thiện bộ mặt quê hương. "Tôi ở đây 40 năm rồi, trước dân còn nghèo không có một mét đường nhựa nào. Bây giờ đường điện, đường bê tông đến tận ngõ xóm. Giờ còn có trường cao tầng đạt tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia . Trước đây cả 2 xã mới có 1 trạm xá. Bệnh nặng chuyển vào đất liền rất là khó khăn nhưng bây giờ chúng tôi có trung tâm y tế, có 4, 5 bác sĩ, cả quân, dân, y, kết hợp khám chữa bệnh. Cuộc sống bây giờ được như thế này thì thật sự ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi" - ông Bổng nói.

Từ khi triển khai chương trình nông thôn mới, tổng nguồn lực huyện Cô Tô huy động được đạt gần 3000 tỷ đồng. Đến nay, 2/2 xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành 19/19 tiêu chí với 37/37 chỉ tiêu theo theo Bộ tiêu chí Quốc gia và được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó 1 số chỉ tiêu, tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đạt chất lượng cao như: cơ cấu lao động và thu nhập chuyển dịch, tăng trưởng mạnh với sự đóng góp của du lịch dịch vụ tăng trên 20%/năm. Ra đảo sinh sống và lập nghiệp đến nay đã gần 20 năm, bà Lê Thi Nhấm thấy rõ được từng bước đổi thay rõ rệt của huyện đảo này. Bà chia sẻ: "
Gia đình tôi ra đây rồi gắn bó với đảo và yêu mến đảo lắm. Làm ăn ở đây thuận tiện cho nên chúng tôi chỉ muốn gắn bó với đảo thôi. Từ ngày nông thôn đổi mới bây giờ không có đường đất nữa rồi kể cả trong xóm, trong ngõ, hoàn toàn là đường bê tông đường gạch chúng tôi rất phấn khởi".

Các tuyến đường liên thôn, ngõ xóm được nhân dân hiến đất, góp công làm đường bê tông 100%; xây mới, nâng cấp 9 hồ chứanước; 9/10 trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn, từ một huyện kinh tế mới người dân có thu nhập thấp thì đến nay bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng/năm. Đời sống của bà con trên địa bàn đã có nhiều sự chuyển biến so với trước. Nét nổi bật nhất trên địa bàn là phát huy được sức mạnh của nhân dân. Với những cách làm phù hợp, Cô Tô đã có sự phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm, dịch vụ du lịch không ngừng được đầu tư, mở rộng. Thực hiện chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP), các sản phẩm của huyện Cô Tô đang dần khẳng định được vị thế và thương hiệu sản phẩm của mình vươn xa vào đất liền và đi các tỉnh thành trong cả nước. Bà Phạm Thị Măng, khu 4 thị trấn Cô Tô tâm sự: "
Có điện và phát triển Nông thôn mới được tất cả các lãnh đạo quan tâm. Chúng tôi vừa mới thành lập hiệp hội hải sản thì đầu tư cho trang thiết bị, khoa học kỹ thuật, đầu tư cho tư vấn để làm sao cho nâng cao chất lượng để phát triển thương hiệu. Hiện huyện Cô Tô triển khai được 2 thương hiệu lớn nhất là thương hiệu mực ống Cô Tô và cá ruội Cô Tô. Chương trình OCOP hỗ trợ cho người dân từ nhãn mác, bao bì rồi vận chuyển tiêu thụ sản phẩm. Lãnh đạo huyện cũng đi hỗ trợ bán hàng và quảng bá các thương hiệu. Từ thương hiệu chỉ trong tỉnh Quảng Ninh biết, nhưng đến bây giờ đã có mặt khắp nơi và hầu như toàn quốc biết đến các thương hiệu của Cô Tô".

Đến Cô Tô hôm nay, du khách có thể tham gia các tour trải nghiệm như câu mực, lặn biển, khám phá các điểm tham quan bãi đá, rừng nguyên sinh... Đến nay trên địa bàn huyện có hơn 1.000 phòng nghỉ. Huyện còn vận động người dân xây nhà theo hướng homestay, vừa là nhà ở, vừa có thể phục vụ khách nghỉ, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách, giảm quá tải vào các dịp nghỉ lễ. Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư huyện đảo Cô Tô cho biết: "
Người dân rất vui mừng trước những thành quả đạt được sau 5 năm thực hiện chương trình Nông thôn mới. Cô Tô chúng tôi tập trung giải quyết 4 vấn đề, thứ nhất đặt ra một chiến lược xây dựng nông thôn mới và chúng tôi tiếp tục một là rà soát các quy hoạch chiến lược, bám chắc vào quy hoạch tăng cường công tác quản lý. Thứ 2 đó tập trung vào xây lại nguồn nhân lực chất lượng cao từ đội ngũ cán bộ tới đội ngũ lao động để phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vấn đề thứ 3 đó là tập trung vào để bảo vệ môi trường giải quyết những vấn đề môi trường. Vấn đề thứ 4 tập trung vào tiếp tục  đầu tư hạ tầng, kêu gọi các nhà đầu tư để đầu tư vào".

Những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nông thôn mới sẽ là động lực cho huyện đảo tiền tiêu Cô Tô tiếp tục nâng cao những tiêu chí. Từ một huyện nông nghiệp nghèo, đến nay Cô Tô đang dần trở thành một trung tâm du lịch mới của tỉnh Quảng Ninh. Thành công của Cô Tô là phát huy dân chủ, khơi nguồn lực trong dân với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra để dân hưởng thụ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu