Chuyện những nông dân bền bỉ đưa trái sầu riêng đến thị trường Trung Quốc

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Không chỉ thoát nghèo, vươn lên khá giả, những người nông dân ở Đắk Lắk đã và đang góp phần tạo nên uy tín, thương hiệu sầu riêng quốc gia trên thị trường thế giới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tháng 9/2022, những chuyến xe chở sầu riêng lăn bánh từ Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) sang Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), mở màn cho trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc sau nhiều năm nỗ lực đàm phán.
Trong bước đầu thành công đó có sự đóng góp lớn của bà con nông dân. Họ đã có nhiều năm bền bỉ, thay đổi tư duy từ nếp nghĩ, cách làm với khát vọng đưa trái sầu riêng Việt Nam vươn tầm thế giới.
Chuyện những nông dân bền bỉ đưa trái sầu riêng đến thị trường Trung Quốc - ảnh 1Đưa sầu riêng từ trên xe container xuống để kiểm tra. Xe container này chở sầu riêng từ Đăk Lăk hôm 17/9, tới cửa khẩu Hữu Nghị hôm 19/9. Ảnh: Văn Việt

"So với những năm trước đây, có thể do nhiều nguyên nhân, giá cả bấp bênh, năm 2022 vừa rồi được xuất khẩu chính ngạch nên giá rất tốt, tăng 15-20%. Hy vọng tương lai sau này ổn định để người nông dân phấn đấu làm tốt, cuộc sống người lao động cải thiện."

"Trước đây, thu nhập không có ổn định, giá cả lên xuống khi quá cao lúc quá thấp. Nay xuất khẩu như này người dân yên tâm lắm, ổn định. Thu nhập năm nay rất tốt, cao hơn năm ngoái 10-20%, thậm chí có vườn thu nhập tăng gấp đôi so với năm ngoái khi được xuất khẩu chính ngạch."

"Nhờ sự kiện vừa rồi ký được hợp đồng xuất khẩu chính ngạch, nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương nên bà con phấn khởi lắm. Niềm vui nhân lên gấp bội."

Đây là niềm vui của những người nông dân trồng sẩu riêng ở xã Ea Yông, huyện Krông Păk, tỉnh Đắc Lắc khi là những hộ đầu tiên có sản phẩm sầu riêng xuất sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư vừa ký kết hồi tháng 9/2022 về xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

90 tấn sầu riêng thành phẩm là thành quả của 1 năm vun xới của gia đình ông Trần Văn Chiến, ở buôn Jung, xã Ea Yông, huyện Krông Păk. Với 4,7 ha trồng chuyên canh sầu riêng, trải qua nhiều khó khăn và kiên trì hơn 18 năm nay, ông cho biết năm nay gia đình ông có một mùa bội thu và càng vui hơn khi những ngày cuối năm, thông tin Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam, giá sầu riêng đã tăng gấp đôi, gấp ba, đem về thu nhập cao, ổn định

Những năm qua, ông Chiến cũng như nhiều hộ nông dân khác trong vùng luôn nơm nớp lo lắng về đầu ra cũng như giá sầu riêng mỗi khi vào vụ thu hoạch. Từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật, tuân theo quy trình sản xuất VietGap và nhất là Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết và các vườn được cấp mã vùng trồng thì đầu ra đã được các doanh nghiệp thu mua ổn định với giá cao. Đồng thời, cũng kể từ đây, tư duy người nông dân thay đổi, trở nên chuyên nghiệp hơn khi hoạt động canh tác không còn mang tính "ngẫu hứng" mà xác định phải làm đúng theo quy trình kỹ thuật.

Cũng giống như ông Trần Văn Chiến, gia đình bà Vũ Thị Minh Tâm, xã xã Ea Yong, huyện Krông Pắc, Đắc Lắc tâm huyết với trái sầu riêng gần 20 năm nay, song cách làm manh mún, tự phát khiến bài toán “được mùa mất giá, thiếu đầu ra” luôn lặp lại. Năm nay, với khoảng 17 tấn sầu riêng xuất khẩu, gia đình bà hết sức phấn khởi khi thu về lợi nhuận tốt:

Việc ký kết các nghị định thư tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, tạo động lực để nông dân Việt Nam sản xuất chuyên nghiệp, bài bản và quy mô lớn hơn. Theo bà Vũ Thị Minh Tâm, đầu ra ổn định nên bà con nông dân rất phấn khởi, quyết tâm thực hiện theo chương trình, đặt chất lượng, an toàn lên hàng đầu:  

Không chỉ thoát nghèo, vươn lên khá giả, những người nông dân ở Đắk Lắk đã và đang góp phần tạo nên uy tín, thương hiệu sầu riêng quốc gia trên thị trường thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu