Cây đước giúp người dân Cà Mau vươn lên

Chia sẻ
(VOV5) - Thời gian qua, giá trị than đước ngày càng tăng, giá cả thị trường cũng ổn định nên nghề làm than đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Bao đời nay, cây đước đã gắn liền với nghề hầm than truyền thống của người dân tỉnh Cà Mau. Giá trị than đước Cà Mau ngày càng tăng, giúp bà con vươn lên sống được với nghề. Người dân nơi đây còn khéo léo tận dụng gỗ cây đước để tạo ra các vật dụng gia đình, sản phẩm mỹ nghệ có giá trị kinh tế.

Với ba mặt giáp biển, tỉnh Cà Mau có bạt ngàn rừng ngập mặn ven biển, trong đó chủ yếu là rừng đước. Gỗ từ thân cây đước làm củi chất đốt nhờ tạo được nhiệt lượng cao.

Cây đước giúp người dân Cà Mau vươn lên - ảnh 1 Nghề hầm than đước giúp người dân có thu nhập khá. Ảnh: VOV

Chẳng ai biết nghề hầm than đước tại miệt rừng Ngọc Hiển có từ khi nào. Trải qua những thăng trầm, hiện nay, bà con làm nghề đã được tổ chức vào các Tổ hợp tác, Hợp tác xã kinh doanh hiệu quả, chuyên nghiệp hơn trước. Hợp tác xã Đồng Tâm (ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) là một trong những Hợp tác xã còn nhiều hộ dân gắn bó với nghề làm than đước.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, người có hơn 40 năm gắn bó với nghề, cho biết: “Hầm than kỹ thuật hầm thì ở đâu làm cũng như nhau. Nhưng củi ở Cà Mau tôi thấy tốt nhất. Than đước Cà Mau là tốt, chất lượng nhất.”

Hợp tác xã Đồng Tâm hiện nay có 30 xã viên. Bà con gắn bó với nghề mà mọi công đoạn đều cực nhọc không chỉ vì sinh kế mà còn là để bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của ông cha.

Cây đước giúp người dân Cà Mau vươn lên - ảnh 2Cây đước Cà Mau có chất lượng tốt, nhiều người dân đang tận dụng gỗ đước để làm các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phục vụ du khách. Ảnh: VOV

Thời gian qua, giá trị than đước ngày càng tăng, giá cả thị trường cũng ổn định nên nghề làm than đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Ngoài thu nhập từ hơn 1ha ao nuôi tôm, thì nghề làm than đã giúp gia đình ông Lâm Văn Sáng nuôi được con đi học đại học mà vẫn có của tích góp: “Tự mình làm, đạt được nhiều thì hưởng nhiều, không được thì lời ít chút. Vừa làm, vừa học hỏi thêm người ta làm. Mỗi tháng, gia đình kiếm được từ 7 đến 8 triệu, lo được chi phí trong gia đình. Có ba loại than, loại rẻ nhất là 1 ngàn/kg, giá than dao động từ 6 đến 8 ngàn đồng/kg.”

Các sản phẩm tiểu thủ công từ cây đước được người dân địa phương tạo ra đang dần trở thành quà tặng, quà biếu được du khách ưa chuộng mỗi khi ghé thăm tỉnh Cà Mau. Gia đình ông Huỳnh Trường Giang, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, đã hai đời gắn bó với nghề làm đũa đước.Trước đây, gia đình ông làm đũa chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Vài năm qua, lượng khách du lịch về Đất Mũi Cà Mau ngày càng nhiều. Từ đó, gia đình ông đã trang bị một hệ thống máy móc chuyên làm đũa. Mỗi tháng, gia đình ông cung cấp ra thị trường khoảng 15.000 đôi đũa, trừ chi phí có lãi 15 triệu đồng.

Cây đước giúp người dân Cà Mau vươn lên - ảnh 3Cây đước tạo cảnh quan đẹp mắt, góp phần giúp người dân phát triển du lịch. Ảnh: VOV

Ông Huỳnh Trường Giang cho biết: “Tôi làm thêm công đoạn qua nhám và lau bóng lên đẹp người ta thích. Nhiều người người ta mua để dành. Cây đước trồng khoảng 15 năm thì khai thác được nhưng để làm đũa thì người ta thường chọn cây có tuổi đời từ 20 đến 30 năm. Cái cây vỏ trắng là nó già làm đũa tốt. Mình làm có chất lượng thì người dân người ta tiêu dùng nó đảm bảo lâu dài.”

Cây đước là loài thực vật quan trọng trong việc phục hồi các rừng ven biển ở Việt Nam. Người dân Cà Mau không chỉ sử dụng cây đước để tạo cảnh quan phát triển du lịch mà còn khéo léo tạo ra sản phẩm quà tặng độc đáo. Từ “loài cây giữ đất rừng”, cây đước đang ngày càng có giá trị và trở thành “cây xóa đói giảm nghèo” của người dân vùng đất Mũi Cà Mau.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu