Xây dựng Chính phủ điện tử để cải cách hành chính cho nhân dân và doanh nghiệp

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời các câu hỏi về công tác quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, công tác quản lý báo chí,

Sáng 8/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Với nhóm vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Trong năm qua, ngành Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đã có bước phát triển, xếp hạng bưu chính tăng 5 hạng, từ 50 lên 45, trong số 172 quốc gia. Chỉ số ứng dụng viễn thông và công nghệ thông tin thăng hạng 95 lên 41 trong số 141 nước; xếp hạng về an toàn an ninh mạng tăng từ 100 lên 50 trong số 194 quốc gia."

Xây dựng Chính phủ điện tử để cải cách hành chính cho nhân dân và doanh nghiệp - ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. 

Trả lời đại biểu về công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Theo kết quả đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam xếp vị trí thứ 88/193 quốc gia được đánh giá, đứng thứ 6/11 quốc gia ASEAN. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử đã đóng góp quan trọng trong cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Nhận thức và quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của tất cả các cấp ngành ngày càng được nâng cao.

"Mục tiêu của Chính phủ điện tử với trọng tâm là cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 sẽ đạt 30% dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay mới đạt khoảng 10%... Còn hơn 1 năm để chúng ta đẩy lên con số 30%. Hiện nay Bộ Thông tin truyền thông tích cực làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác này. Liên quan đến chia sẻ dữ liệu, chúng ta phát triển dịch vụ công trực tuyến nhiều năm qua và giờ chúng ta đang giải quyết vấn đề kết nối các địa phương với các bộ, ngành Trung ương chia sẻ dữ liệu. Hiện chúng tôi đã làm xong trục kết nối và khá nhiều cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, lý lịch cá nhân. Năm 2019 chúng tôi sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về chia sẻ, kết nối dữ liệu, đây sẽ là cơ sở pháp lý để thúc đẩy công tác này." - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời các câu hỏi về công tác quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp và thu hồi thẻ nhà báo. Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử cũng được Bộ trưởng đề cập.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu