Việt Nam ưu tiên thực hiện sự phục hồi lấy con người làm trung tâm sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19

Chia sẻ
(VOV5) - Hiện nay, Chính phủ Việt Nam kiên trì theo đuổi mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội lấy con người là trung tâm.

Chiều 11/6 (giờ Việt Nam), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam có bài phát biểu tại Phiên họp lần thứ 109 của Hội nghị Lao động Quốc tế.

Việt Nam ưu tiên thực hiện sự phục hồi lấy con người làm trung tâm sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 - ảnh 1Đoàn đại biểu ba bên của Việt Nam do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị trực tuyến. Ảnh: VGP/Thu Cúc

Phát biểu tại Phiên thảo luận chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự hoan nghênh và nhất trí cao với chủ đề của Hội nghị, đồng thời ủng hộ sáng kiến của ILO về “Phản ứng toàn cầu hướng tới sự phục hồi lấy con người làm trung tâm sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19” và sử dụng Tuyên bố Thế kỷ của ILO về Tương lai việc làm như lộ trình thực hiện.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây cũng là những ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy thực hiện. Ngay từ khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát trên thế giới và lan tới Việt Nam vào đầu năm 2020, với sự đồng lòng và ủng hộ của người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, Việt Nam đã thực hiện những giải pháp phòng, chống và kiểm soát đại dịch một cách quyết liệt “chống dịch như chống giặc”. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội đối với người dân, đặc biệt với những đối tượng yếu thế, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, giữ việc làm cho người lao động.

Với những giải pháp quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng năm 2020 kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng 2,91%. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam kiên trì theo đuổi mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội lấy con người là trung tâm.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu