Việt Nam kêu gọi tôn trọng nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế

Chia sẻ
(VOV5) -  Đại sứ kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy xây dựng lòng tin, kiềm chế có các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình.

Ngày 12/10, Ủy ban Pháp lý (Ủy ban 6) Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 76 tổ chức phiên thảo luận toàn thể về đề mục Pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế với sự tham dự của gần 100 quốc gia thành viên và quan sát viên.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, phát biểu tại phiên họp, khẳng định pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình-an ninh quốc tế, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm các quyền con người. Đại sứ nhấn mạnh luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, là nền tảng cơ bản của hệ thống quốc tế, đề cao vai trò của Tòa án quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế trong giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và thúc đẩy tuân thủ pháp quyền ở cấp độ quốc tế.

Việt Nam kêu gọi tôn trọng nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế - ảnh 1Ảnh: Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến tình hình Biển Đông, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng các hành động ở Biển Động gần đây đang làm suy giảm lòng tin giữa các nước, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Đại sứ kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy xây dựng lòng tin, kiềm chế có các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng trên biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, tôn trọng đầy đủ đủ các tiến trình pháp lý, chính trị và tuân thủ các quy định của Công ước LHQ năm 1982 về luật biển (UNCLOS), trong xác định các yêu sách biển.

Đại sứ khẳng định ASEAN nỗ lực thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông và sớm hoàn tất đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu