Việt Nam – Campuchia tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước

Chia sẻ
(VOV5) - Về hợp tác đầu tư, hai nước nhất trí thực hiện mọi biện pháp thích hợp liên quan tới đầu tư để giảm nhẹ tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.

Ngày 23/12, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia phát đi thông cáo báo chí về Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Campuchia (JC 18) về Hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học và Kỹ thuật, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đồng chủ trì, diễn ra vào ngày 22/12.

Tại kỳ họp này, về hợp tác chính trị, hai bên nhấn mạnh việc cùng nỗ lực điều phối quan điểm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khối ASEAN và Liên hợp quốc (LHQ).

Việt Nam – Campuchia tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước - ảnh 1Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn ký Biên bản Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Campuchia. - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Về hợp tác mậu dịch, hai bên bày tỏ hài lòng với sự phát triển của thương mại song phương với kim ngạch đạt 5,27 tỷ USD trong năm 2019, vượt mục tiêu 5 tỷ USD dự kiến cho năm 2020.

Về hợp tác đầu tư, hai nước nhất trí thực hiện mọi biện pháp thích hợp liên quan tới đầu tư để giảm nhẹ tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.

Về hợp tác y tế, hai bên thỏa thuận tiếp tục thực hiện hiệu quả “Hiệp định kiểm dịch y tế biên giới” được hai chính phủ ký năm 2006 tại Phnom Penh và hợp tác chặt chẽ nhằm ứng phó và ngăn ngừa nguy cơ lây lan của dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác tại khu vực biên giới hai nước một cách kịp thời. 

Về các vấn đề biên giới, hai bên tái khẳng định cam kết tôn trọng và thực thi đầy đủ các hiệp định và thỏa thuận có liên quan được hai nước ký kết; khuyến khích Ủy ban hỗn hợp về phân định biên giới trên bộ (JBC) hợp tác chặt chẽ nhằm tìm ra các giải pháp hai bên có thể chấp nhận được, phù hợp với luật pháp quốc tế đối với việc phân định 16% đường biên giới trên bộ còn lại.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu