Tọa đàm “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”

Nguyên Nhung
Chia sẻ
(VOV5)- Các ý kiến nhất trí tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
(VOV5)- Các ý kiến nhất trí tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

 Tọa đàm “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”  - ảnh 1
GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu khai mạc tọa đàm.

Cuộc tọa đàm được tổ chức sáng 28/2 tại Hà Nội nhằm góp phần phục vụ việc tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới và Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng.

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh trong quá trình đổi mới, Đảng ngày càng nhận thức rõ, sát thực tế hơn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn 30 năm đổi mới ở Việt Nam chứng minh sự đúng đắn về việc sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao, phát triển ổn định; tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Giáo sư, Tiến sỹ Cao Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, cho rằng:“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ thể hiện trong phân phối mà thể hiện ngay cả trong quá trình tổ chức sản xuất. Các phương thức mà chúng ta huy động các thành phần kinh tế tham gia cũng bao hàm trong đó sự tham gia và cơ hội cho người dân tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội và cơ hội người dân tham gia được hưởng lợi vào các quá trình và hệ quả của quá trình phát triển.

Các đại biểu nhất trí trong thời gian tới tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu