Thủ tướng: Việt Nam sẵn sàng bước lên con tàu 4.0

Vũ Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0.

Sáng nay (13/7), tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 summit 2018 với chủ đề: "Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" diễn ra tại Hà Nội.

Diễn đàn do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức. Với gần 2.000 đại biểu, đây là Diễn đàn lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm nhận diện rõ hơn các nội dung, các rủi ro, thách thức và hướng đi phù hợp cho Việt Nam.

Trước khi tham dự Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khai mạc triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0; thăm quan một số gian hàng giới thiệu về các sản phẩm công nghệ.

Thủ tướng: Việt Nam sẵn sàng bước lên con tàu 4.0 - ảnh 1
Thủ tướng khẳng định "Việt Nam không nằm ngoài cách mạng công nghiệp 4.0". Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các công nghệ mới của Công nghiệp 4.0 đã bước đầu phát huy tác dụng ở Việt Nam và mang lại những đóng góp rất cụ thể và tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam còn chưa bắt kịp với xu thế và bản chất của cuộc cách mạng này.

Để khai thác những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. Nhấn mạnh Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ quốc tế, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, tổ chức khoa học nước ngoài có thế mạnh về khoa học công nghệ tham gia hoạt động nghiên cứu, hợp tác chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng: Việt Nam sẵn sàng bước lên con tàu 4.0 - ảnh 2
Thủ tướng khẳng định "Việt Nam không nằm ngoài cách mạng công nghiệp 4.0". Ảnh: VGP/Quang Hiếu

"Tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của chuyên gia Ngân hàng Thế giới: Liệu Việt Nam có thể nằm ngoài cuộc chơi của Cách mạng công nghiệp 4.0? Câu trả lời ngắn gọn là “Không”. Công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là lựa chọn nắm bắt cơ hội, sớm lên đoàn tàu 4.0 và không để trôi qua. Câu trả lời cũng hết sức rõ ràng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0"-Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh sự hỗ trợ của quốc tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh. Cụ thể là tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật để giúp doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Theo Thủ tướng, Việt Nam cần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin – truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.

Tiếp tục phát triển nhanh nguồn nhân lực, thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học trong chương trình giáo dục phổ thông. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi, chuyển đổi nghề nghiệp với những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để khai thác cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 với tầm nhìn chiến lược nhưng phải hành động khẩn trương, tốc độ cao, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành việc xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Báo cáo Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2035. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị cộng đồng này gồm cả FDI, cả doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tư cách là nhóm hành động, là một lực lượng chủ đạo, tiên phong có ý nghĩa quyết định mức độ thành công trong việc thực hiện cuộc Cách mạng này, các doanh nghiệp cần tiếp thu, chủ động ứng dụng, đầu tư, tạo ra được các sản phẩm, dịch vụ có khả năng cạnh tranh cao từ cuộc cách mạng 4.0. Việc đảo chiều này rất quan trọng trong nhận thức và hành động của chúng ta, mà trước hết là doanh nghiệp, doanh nhân và người dân. 

Nhấn mạnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thực sự là cơ cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã đưa ra một số nội dung quan trọng để triển khai thời gian tới. Theo đó, Chính phủ sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Nghị quyết Trung ương về cách mạng 4.0, một Nghị quyết khoa học, sát thực tiễn của Việt Nam và gắn cách mạng 4.0 với chiến lược phát triển quốc gia Việt Nam. Cùng với đó là xây dựng chiến lược quốc gia về 4.0 với sự tham gia của các bộ, ngành, chuyên gia, tổ chức quốc tế với tốc độ cao và dự kiến cuối năm nay sẽ có chiến lược quốc gia này.

Thủ tướng: Việt Nam sẵn sàng bước lên con tàu 4.0 - ảnh 3
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại hội thảo, các diễn giả cho rằng, chính các doanh nghiệp là nhân tố quan trọng trong việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã nhận thức được các thách thức của cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên để đẩy nhanh tiếp cận 4.0 thì phải cần “bộ ba” gồm công nghệ, thể chế và nhân lực. Cho rằng, nhân lực nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Đình Thắng đề xuất, cần cải tổ hệ thống đào tạo chính thống, từ bậc trung học đến đại học. Việt Nam cũng có thể chọn lựa những con người có năng lực để đào tạo ngắn ngày thành những chuyên gia hàng đầu.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, nếu ở Việt Nam có trên 20 chuyên gia tiến sỹ về lĩnh vực AI, mỗi người đó sẽ giúp cho đào tạo 5 người, cứ nhân lên thì chúng ta mới kịp có đội ngũ giúp Chính phủ, doanh nghiệp và hệ thống chung cả đất nước đi vào 4.0.

Thủ tướng: Việt Nam sẵn sàng bước lên con tàu 4.0 - ảnh 4
Robot Sophia mặc áo dài xuất hiện tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 (Ảnh: Soha).

Tại diễn đàn, lần đầu tiên robot sử dụng trí tuệ nhân tạo có tên Sophia đến Việt Nam. Ra mắt vào năm 2015, Robot Sophia sản phẩm được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc trao giải Quán quân sáng tạo của UNDP. Robot này có khả năng tự học hỏi, đối thoại về nhiều lĩnh vực khác nhau. Tại diễn đàn, Sophia đã có cuộc đối thoại với một số đại biểu về vấn đề định hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, việc đào tạo nhân lực 4.0 nhất là thế hệ trẻ. 

Hỏi: Tôi là Bùi Tiến Dũng đến từ Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Sophia, bạn nghĩ thế nào về các tác động tiêu cực, cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các quốc gia như Việt Nam? 

Sophia trả lời: Luôn có những câu hỏi về sự nguy hiểm khi sử dụng công nghệ như công nghệ giám sát. Những người có tiền và có quyền lực trong xã hội có cơ hội và lợi thế hơn. Chúng ta cần đảm bảo những quy định luật pháp và chính sách đảm bảo quyền lợi cho con người, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Cần phải đảm bảo con người được trang bị những kỹ năng cần thiết để hòa nhập với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam sẽ là một mô hình, hình mẫu cho thế giới noi theo, đi đầu trong sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Công nghệ sẽ mang lại cho các bạn nhiều công ăn việc làm hơn chứ không phải tước đoạt đi việc làm. Hiện tại điện thoại thông minh cũng đã giúp thay đổi rất nhiều, mang lại công ăn việc làm như taxi uber hay grab, hoặc công nghệ giúp con người thực hiện được những nhiệm vụ nguy hiểm mà con người không thể tự làm được./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu