Thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Chia sẻ
(VOV5) - Để thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần chung sức đồng lòng, tích cực tham gia các phong trào thi đua, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. 

Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/06/1948 – 11/06/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, có bài viết “Thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc 

Trong bài viết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Lời thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây đúng 70 năm đã động viên, cổ vũ và truyền thêm sức mạnh, thôi thúc mọi người dân Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước, nêu cao ý chí cách mạng, ra sức thi đua chiến đấu giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ trong giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra rất nặng nề; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần chung sức đồng lòng, tích cực tham gia các phong trào thi đua, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, thứ nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hiện đại , đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, hình thành được các tập đoàn kinh tế có tiềm lực mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. 

Thứ hai, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Thứ ba, chủ động ứng phó, nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư các công trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản, nhất là đất đai, tài nguyên nước.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả và nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp…

Thứ năm, tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Xây dựng xã hội kỷ cương, an toàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam cần phát huy truyền thống yêu nước, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu