Tham khảo chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Myanmar lần thứ 8

Chia sẻ
(VOV5) - Quan hệ hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sâu rộng hơn nữa.

Thực hiện thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Myanmar, Tham khảo chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ 8 giữa hai nước đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/11/2019 với sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ và Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Myanmar Soe Han. Nhân dịp này, Bí thư Thường trực Soe Han đã chào xã giao Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Tham khảo chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Myanmar lần thứ 8 - ảnh 1

Nguồn: Bộ Ngoại giao

Tại Tham khảo chính trị, hai bên trao đổi về các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – Myanmar, đặc biệt là việc cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao và văn kiện ký kết thời gian qua. Hai bên vui mừng đánh giá hợp tác giữa hai nước đang trên đà phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, nhất là về thương mại và đầu tư.

Kim ngạch thương mại tăng 5,5 lần, từ 152 triệu USD năm 2010 lên gần 860 triệu USD năm 2018, hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam hiện là nhà đầu tư đứng thứ 7 của Myanmar với 18 dự án lớn và tổng vốn đầu tư gần 2,3 tỷ USD. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như viễn thông, du lịch, năng lượng, giao thông vận tải… cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hai bên nhận định Việt Nam và Myanmar có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa; đều là thành viên ASEAN và nhiều cơ chế tiểu vùng quan trọng; đều nằm trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương phát triển năng động; có nhiều tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp, năng lượng, khai khoáng, du lịch… Do đó, quan hệ hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sâu rộng hơn nữa.

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Bí thư Thường trực Myanmar Soe Han chia sẻ nhận định tình hình khu vực và quốc tế đang diễn biến phức tạp, khó lường, các nước lớn ngày càng tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương. Trước tình hình đó, ASEAN cần tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh thực hiện thành công Cộng đồng ASEAN, khẳng định vị thế và vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.

Hai bên đánh giá cao hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao thời gian qua, đặc biệt là phối hợp thu xếp các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước và tổ chức thành công các cơ chế hợp tác, trong đó có Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương lần thứ 9; hài lòng việc hai bên hoàn tất đàm phán, chuẩn bị ký kết MOU về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao với nhiều nội dung thực chất, phù hợp với tình hình mới.

Tại cuộc chào xã giao Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bí thư Thường trực Soe Han khẳng định Myanmar sẽ tích cực ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong các vấn đề an ninh chung của khu vực, trong đó có Biển Đông, sử dụng và quản lý nguồn nước sông Mê Công.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu