Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi)

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Sáng nay 24/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Luật Tố cáo (sửa đổi). 

Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) - ảnh 1

Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này gồm 9 chương, 68 điều. Dự thảo Luật đã được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; sau đó tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận một số vấn đề còn ý kiến khác nhau: Về hình thức tố cáo (Điều 22); thời hiệu tố cáo (Điều 27); quy định rút tố cáo (Điều 33); cấp giải quyết tố cáo cuối cùng (Điều 29, 37); bảo vệ người tố cáo (Chương VI) và một số vấn đề cụ thể khác.

Báo cáo về Luật Tố cáo (sửa đổi) tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Dự thảo đang được nghiên cứu để bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại. Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hình thức tố cáo mới được ghi nhận để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Theo ông Nguyễn Khắc Định: "Ủy  ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc giải quyết tố cáo là nhằm kết luận có hay không có hành vi vi phạm pháp luật, tính chất, mức độ vi phạm. Từ đó mới có cơ sở để xem xét, xử lý đối với người có hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả; cải tiến, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm phải tuần theo pháp luật chuyên ngành".

Thảo luận tại hội trường, một số ý kiến đại biểu cho rằng: Đối với hình thức tố cáo, hiện nay vẫn có ý kiến đề nghị chỉ quy định hai hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Tuy nhiên, đa số ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng hình thức tố cáo để phù hợp với sự phát triển của xã hội, đồng thời ghi nhận các hình thức tố cáo đã được quy định trong các luật khác. Bà Ma Thị Thúy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, nêu ý kiến: "Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, đề nghị bổ sung thêm quy định người tố cáo thể được tư vấn bởi các cơ quan trợ giúp pháp lý, đoàn luật sư, luật sư hoặc cơ quan tổ chức có trách nhiệm khác để việc tố cáo đảm bảo đúng pháp luật. Về quy định và nghĩa vụ của người tố cáo đề nghị bổ sung cụm từ “giải trình bằng văn bản hoặc trực tiếp bằng lời nói về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền yêu cầu”.

Chiều nay, Quốc hội nghe và thảo luận về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu