Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Hiện còn 5 vấn đề là mà các đại biểu cho rằng cần chỉnh lý cho phù hợp với các văn bản luật khác.

Tiếp tục phiên làm việc của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng 25/10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn, đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ: Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 11 chương với 96 điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng cùng các hành vi tham nhũng.

Hiện còn 5 vấn đề là mà các đại biểu cho rằng cần chỉnh lý cho phù hợp với các văn bản luật khác là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước; việc thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; Về Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập tăng thêmgiải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Về việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, bà Lê Thị Nga cho rằng: "Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng chống, tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước là phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị; đồng bộ với Bộ Luật hình sự đã mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong tổ chức doanh nghiệp ngoài Nhà nước; phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên".

Thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu tán thành với những sửa đổi, bổ sung  trong dự thảo luật. Các đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, có các quy định chặt chẽ hơn trong nội dung của dự Luật về phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời, dự luật cần có những quy định cụ thể về phát huy vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng. Ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến: "Về đối tượng kê khai tài sản thu nhập, tôi thống nhất với quy định là người có chức vụ từ Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác ở những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, phải kê khai thu nhập hằng năm. Còn các đối tượng khác phải kê khai lần đầu hoặc bổ sung, với mục đích làm cơ sở so sánh khi được bổ nhiệm chức vụ cao hơn hoặc khi bị tố cáo. Như vậy đã phân biệt rõ các đối tượng khác nhau để áp dụng phương pháp kê khai xác minh tài sản thu nhập cho phù hợp".

Tại phiên làm việc chiều nay, Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu